Nam sinh "xô đổ" kỷ lục điểm tư duy ĐH Bách khoa: "Em ôn tập chưa tốt lắm"

Mỹ Hà

(Dân trí) - Vũ Minh Đức, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh là thủ khoa thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Với 98,61 điểm, Đức "xô đổ" mọi kỷ lục thủ khoa tư duy từ trước đến nay của trường.

Thi thử sức, không ngờ đạt thủ khoa

Trong kỳ thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025 vừa qua của ĐH Bách khoa Hà Nội, Đức đạt điểm tối đa môn toán; phần đọc hiểu đạt 16 điểm và khoa học đạt điểm 33.

"Khi thi về, kiểm tra đáp án cùng bạn, em chưa thấy sai câu nào nhưng không nghĩ điểm mình cao thế", Đức nói.

Theo nam sinh, phần gây cho em nhiều băn khoăn nhất là đọc hiểu và khoa học. Phần này có 2 bài, trong đó một bài báo khoa học và bài đọc hiểu ngữ văn.

Ở bài thi đọc hiểu, do chưa tìm được dẫn chứng rõ ràng nên Đức cảm thấy không thật sự chắc chắn.

Nam sinh xô đổ kỷ lục điểm tư duy ĐH Bách khoa: Em ôn tập chưa tốt lắm - 1

Vũ Minh Đức, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, thủ khoa thi đánh giá tư duy đợt 1 năm 2025 của ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Đức cho hay, em rất bất ngờ khi biết mình là thủ khoa có điểm thi cao nhất từ trước đến nay của kỳ thi đánh giá tư duy, ĐH Bách khoa Hà Nội.

Với tâm lý thi để thử sức, Đức không đặt mục tiêu gặt hái điểm cao như vậy. Thậm chí, chàng trai còn nghĩ có thể mình sẽ phải thi thêm lần 2, 3 bởi ôn tập chưa tốt lắm.

Đức ở thị trấn Hồ, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh, mẹ là giáo viên THPT. Ngoài học bài trên lớp, buổi tối em cũng luyện đề thi đánh giá tư duy.

"Do cấu trúc đề thi đánh giá tư duy khác đề thi tốt nghiệp THPT nên em phải ôn song song hai dạng bài. Đối với bài thi đánh giá tư duy, em chỉ ôn tập dựa trên tài liệu của ĐH Bách khoa Hà Nội phát hành", Đức cho hay.

Nam sinh xô đổ kỷ lục điểm tư duy ĐH Bách khoa: Em ôn tập chưa tốt lắm - 2

Minh Đức (thứ hai bên phải) và các bạn học (Ảnh: NVCC).

Thủ khoa không học thêm

Được biết Đức từng đoạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh năm 2024. Điểm trung bình học kỳ 1 lớp 12 của Đức là 9,6/10.

Cũng theo nam sinh, nhờ việc học chuyên toán cho em lợi thế tư duy nhanh, tiết kiệm thời gian. Đặc biệt hàng ngày em dành thời gian học tập ở trường và chơi thể thao hợp lý, không học thêm môn nào bên ngoài.

"Em nghĩ mình học tập theo kiểu phát hiện ra bản chất vấn đề, thay vì học thuộc lòng kiểu "học gạo". Em hoàn thành bài trên lớp các cô giao, tìm đề trên mạng, luyện đề.

Về phương pháp học, em tập trung nghe thầy cô giảng bài trên lớp, đồng thời tự tìm các đề thi để tập luyện. Theo em, việc học cần sắp xếp lịch nghỉ ngơi phù hợp, không nhất thiết phải học quá khuya.

Thầy cô trên lớp hướng dẫn đủ cho các kỳ thi, nếu học thêm em không đủ khả năng hoàn thành bài trên lớp. Đấy là lý do em không học thêm gì cả", Đức chia sẻ.

Nam sinh xô đổ kỷ lục điểm tư duy ĐH Bách khoa: Em ôn tập chưa tốt lắm - 3

Đức học tập bằng cách phát hiện vấn đề, thay vì "học gạo" (Ảnh: NVCC).

Nhận xét về nam sinh, cô Nguyễn Thùy Linh, giáo viên môn hóa học, chủ nhiệm Đức 3 năm cấp 3 cho hay, khi Đức tham gia thi, cô đã dự đoán nam sinh sẽ đạt điểm cao nhưng không nghĩ cao đến thế.

"Kết quả này thực sự bất ngờ và rất vui sướng nhưng thực sự xứng đáng với quyết tâm và thái độ học tập của Đức", cô Linh cho hay.

Cũng theo cô Linh, Đức có tư duy tốt, chăm chỉ, có ý chí phấn đấu cao, rất nghiêm túc trong học tập, có mục tiêu và quyết tâm đạt được mục tiêu.

Ngoài thời gian học tập, em tham gia nhiều hoạt động thể thao, văn nghệ, ngoại khóa, tính tình hòa đồng. 

Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán diễn ra ngày 17/1 vừa qua, Đức đoạt giải Nhì - ngay trước khi diễn ra kỳ thi đánh giá tư duy 1 ngày.

Trong các đợt thi khảo sát ở trường, Đức luôn duy trì vị trí trong top 1, 2, 3. Học kì 1 em đạt học sinh xuất sắc với điểm trung bình chung các môn 9,5; trong đó toán, lý, hóa, sinh, Đức đều đạt 9,9 hoặc 9,8.

Ngoài ra, Đức còn có chứng chỉ IELTS 6.5. "Đầu tháng 8 năm nay, khi chơi đá bóng ở trường, Đức chẳng may bị gãy tay phải, phải bó bột mất hơn 1 tháng.

Dù không chép được bài, nhưng Đức không nghỉ buổi học nào trên lớp bởi em muốn nghe giảng để hiểu bài", cô Linh cho biết.