Nam sinh Sài Gòn đỗ 11 đại học Mỹ, tổng học bổng lên tới... 1 triệu USD

(Dân trí) - Mới đây, Nguyễn Phan Tất Thành (trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM) được 11 trường Đại học thuộc top 100 của Mỹ (theo U.S. News & World Report) chào đón. Tổng học bổng chàng trai Việt nhận được lên tới 1.062.000 USD (tương đương 24,5 tỉ đồng).

Các trường cấp học bổng cho Tất Thành từ 50-90% học phí, trị giá giao động từ 37.000 – 164.000 USD cho 4 năm. Trong số đó, nam sinh 18 tuổi xuất sắc chinh phục học bổng nhờ tài năng (merit-based scholarship) ở mức cao nhất mà các trường có thể cấp, cụ thể: State University of New York - University at Buffalo $37.000, University of Denver $104.000, University of Massachusetts $56.000, University of Iowa $40.000, University of Alabama $76.000.

Các trường khác cũng cấp học bổng ở mức cao cho 10X Việt gồm: Beloit College $164.000 (4 tỉ đồng), Centre College $122,000 (3 tỉ đồng), Depauw University $152.000 (3,5 tỉ đồng), Drexel University $138.000 (3 tỉ đồng), Case Western Reserve University: $40.000, Miami University $96.000, University of Georgia $37.148.


Phan Nguyễn Tất Thành (giữa) đỗ 11 đại học Mỹ với tổng trị giá học bổng lên tới hơn 1 triệu USD.

Phan Nguyễn Tất Thành (giữa) đỗ 11 đại học Mỹ với tổng trị giá học bổng lên tới hơn 1 triệu USD.

Trước đây, Tất Thành từng nghĩ về việc du học nhưng vì khả năng tài chính có hạn, thiếu kiến thức về du học cũng như có ít các anh chị đi trước dẫn đường nên ý tưởng này khá xa vời. Tuy nhiên, sau khi sáng lập và quản lí dự án HEART of the Youth, em muốn làm một cái gì đó lớn hơn cống hiến cho các em nhỏ, những bạn khuyết tật vì di chứng của chất độc màu da cam.

“Chỉ có du học mới cho em mở rộng tầm mắt, học thêm được nhiều điều có ích. Đồng thời thực hiện mong muốn mở rộng dự án trên đất Mĩ, và nhiều nước khác”, Thành tâm sự.

Tháng 6/2016, trong một lần đến Bệnh viện Từ Dũ, Thành tình cờ thấy một số em nhỏ khuyết tật, cơ thể dị dạng đi lại. Qua tìm hiểu, biết các em ở trong làng Hòa Bình – nơi được ví là “nhà” của những em chất độc màu da cam, Nguyễn Phan Tất Thành và cậu bạn thân Nhất Thống quyết tâm thành lập dự án “HEART of the Youth” với mục đích dạy kèm các em nhỏ mồ côi, khuyết tật.

Nam sinh Sài Gòn là người sáng lập dự án HEART of the Youth hướng tới trẻ em khuyết tật vì di chứng của chất độc màu da cam.
Nam sinh Sài Gòn là người sáng lập dự án HEART of the Youth hướng tới trẻ em khuyết tật vì di chứng của chất độc màu da cam.

"Bọn em tự đến gặp Ban giám đốc của Làng Hòa Bình, dần tích góp được sự tin tưởng của các cô phụ trách và mở rộng thường xuyên tổ chức hoạt động thiện nguyện và sinh hoạt ngoại khóa.

Dự án muốn giúp các em có một kiến thức nền tảng vững chắc và truyền đạt những kĩ năng mềm trong cuộc sống. Đồng thời, dự án mở ra cơ hội giúp các bạn trẻ có thể truyền ngọn lửa đam mê của mình đến các em nhỏ, cũng như là phát triển bản thân, giúp ích cho cộng đồng, có những bài học trải nghiệm quý báu", Thành chia sẻ.

Thành trong một buổi hoạt động từ thiện tại bệnh viện.
Thành trong một buổi hoạt động từ thiện tại bệnh viện.

Cho đến hiện tại, dự án của nam sinh 18 tuổi có hơn 40 thành viên, từng dạy học hàng tuần cho gần 70 bé tại bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Ung Bướu và Mái ấm Tre Xanh Q1, TP.HCM.

Ngoài ra, Thành góp mặt tích cực trong nhiều hoạt động ngoại khóa như: Circle of Hearts, Sugar, các hoạt động ngoại khóa của trường,... Chính điều đó biến bản thân em trở thành một con người hướng ngoại, tính cách tự tin và phóng khoáng.

Ngoài chuyện là một tay piano cừ khôi, cậu học trò còn chơi nhiều các môn thể thao như cầu lông, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền,.. và từng được hạng ba môn bóng bàn cấp trường.

Thành là tay chơi cừ khôi ở nhiều môn thể thao.
Thành là tay chơi cừ khôi ở nhiều môn thể thao.

Hoạt động ngoại khóa năng nổ, nam sinh Sài Gòn vẫn sở hữu thành tích học tập ấn tượng. Em nằm trong top học sinh của trường THCS Nguyễn Du và THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa được cử đi thi học bổng ASTAR của Singapore, là học sinh giỏi toán cấp quận và thành phố, đạt giải thành phố về giải toán bằng máy tính cầm tay.

Theo Thành, điều khiến hồ sơ của em nổi bật, thế mạnh của em chính là các hoạt động ngoại khóa và điểm số. Ngoài điểm SAT và TOEFL ra, từ năm lớp 8, em luôn giữ điểm trung bình cả năm từ 9,0 ở trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP.HCM.

"Ngoài ra phải kể đến việc thường xuyên trao đổi thư từ, email với đại diện của trường. Em đặt nhiều câu hỏi hay, từ đó kết nối, tạo mối quan hệ và có cơ hội bộc lộ bản thân để hội đồng tuyển sinh nhìn nhận, đánh giá về con người mình", Thành hé lộ.

Nam sinh giành 11 học bổng lưu ý, điểm số chỉ là một yếu tố nhỏ bởi vậy nếu có bạn nào chẳng may chưa đạt điểm tốt thì cũng đừng lo. Sự thể hiện bản thân qua bài luận, qua email trao đổi với ban tuyển sinh của trường, hoặc qua phỏng vấn chính là yếu tố quyết định bạn có đủ điều kiện nhận học bổng hay không.

Tất Thành (giữa) cho biết một trong những bí quyết đỗ 11 trường với học bổng “khủng” của em là thường xuyên trao đổi thư từ, email với đại diện của trường.
Tất Thành (giữa) cho biết một trong những bí quyết đỗ 11 trường với học bổng “khủng” của em là thường xuyên trao đổi thư từ, email với đại diện của trường.

Thành cho biết, em chuẩn bị cho ước mơ du học từ đầu năm lớp 11, cụ thể là bảng điểm lớp 9-10-11, các bài thi chuẩn hóa TOEFL, IELTS, SAT, thư giới thiệu của giáo viên, hoạt động ngoại khóa tốt... Cá nhân Thành thấy bài luận chính là quan trọng nhất vì nó là thứ duy nhất kết nối giữa mình và ban tuyển sinh.

“Với 650 từ, chỉ cần khoảng 3 phút là ban tuyển sinh đã đọc xong bài luận và hiểu được con người của mình dù cách xa hàng vạn cây số. Để chuẩn bị cho bài luận chính, em mất gần 3 tháng, với cả chục ý tưởng, viết gần 20 bản nháp vài ngàn từ của bài luận, mới chọn được 1 bài hợp ý để sửa và nộp”.

Bài luận chính của Phan Nguyễn Tất Thành kể về bố em, người đã rất có ảnh hưởng đến cuộc đời em sau này.

“15 năm trước, bố là một người giám đốc trẻ, tài năng, niềm ngưỡng mộ của bao người. Nhưng rồi một ngày, công ty của bố bất ngờ phá sản chỉ trong một đêm.

Từ một người giám đốc quyền uy, ông trở về với công việc của một người nội trợ. Đây là một cú sốc thật lớn, em chứng kiến nước mắt của bố, sự buồn bã trong đôi mắt, hàng đêm bố đều ngồi một mình ngoài ban công.

Em đã chứng kiến hết mọi khó khăn đau đớn mà bố phải trải qua, thế nhưng, bố không bỏ cuộc. Một lần nữa, em chứng kiến sự đi lên, hàng ngày bố chăm sóc em, đưa em đi học, cơm nước giặt giũ, đến tối đi học đại học lại. Cuối cùng sau 5 năm, bố cũng có việc tại ngân hàng Agribank.

Bố đã làm lại từ đầu, mua được một ngôi nhà lớn hơn tại một khu đất đẹp hơn. Bố đã làm được như vậy, vượt lên từ khó khăn, em được chuẩn bị điều kiện tốt hơn, hà cớ gì lại không làm hơn được bố?”, Tất Thành viết.

Một trong những mục đích đi du học của Thành là mở rộng các dự án vì cộng đồng trên đất Mĩ và nhiều nước khác.
Một trong những mục đích đi du học của Thành là mở rộng các dự án vì cộng đồng trên đất Mĩ và nhiều nước khác.

Chàng trai Việt sang Mĩ với ước mơ theo đuổi ngành Kĩ thuật dân dụng và Kinh doanh quốc tế tại Đại học Massachusetts. Dự định trong tương lai của em là cố kiếm được một suất thực tập tốt, tích lũy kiến thức kinh nghiệm và có thể đi làm việc khắp nơi trên thế giới

Cô Nguyễn Thị Mai Phượng (Giáo viên Tiếng Anh, Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP.HCM) đánh giá: “Tất Thành là cậu học trò nhiệt tình, năng nổ và rất nhanh nhẹn trong các hoạt động tập thể của lớp. Chính tính cách nhã nhặn, không hiếu thắng, ham học hỏi và cởi mở giúp em giải quyết mọi vấn đề rất tốt.

Trong học tập, Thành thông minh, nhạy bén, là gương mặt nổi trội trong đội tuyển học sinh giỏi của trường. Ở môn Tiếng Anh tôi dạy, em chăm ngoan, cực kì vâng lời thầy cô, đôi khi có những câu trả lời kháu khỉnh nhưng luôn có chừng mực. Đối với những lần thi điểm kém, em đều nỗ lực kiên trì ôn thi lại và đạt kết quả tốt nhất. Gặp khó khăn, Thành không ngại mạnh dạn gặp thầy cô tâm sự để gỡ khúc mắc. Mỗi lần được cấp visa, thi chuẩn hóa tốt hay được các trường chấp nhận em đều báo thầy cô.

Quan tâm đến mọi người, chân thành, biết lắng nghe, kết nối cộng đồng cộng với khả năng học tập tốt khiến Thành trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy tinh thần học tập, hoạt động phong trào của tập thể lớp”.

Lệ Thu (thực hiện)

Ảnh: NVCC

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm