Nam sinh nghèo ngập ngừng trước cánh cổng đại học

(Dân trí) - Với tổng điểm 25,75 khối A (đã cộng 0,5 điểm khu vực), em Nguyễn Tiến Thịnh đã trúng tuyển vào ngành Cơ khí - Cơ điện tử Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Cánh cửa giảng đường đang rộng mở với nhiều tân sinh viên nhưng với cậu học trò nghèo quê Tiền Giang, cánh cửa ấy dường như vẫn còn xa lắm...

Khi nhắc đến em Nguyễn Tiến Thịnh - học sinh lớp 12 A1 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), thầy cô, bạn bè và bà con hàng xóm luôn dành cho nhiều tình cảm khâm phục, quý mến. Mọi người không tiếc lời khen ngợi cậu bé hiền lành, trầm tính, chăm học và có phần hơi nhút nhát ấy.

Ngày nghỉ lại đi giữ nhà thuê để kiếm tiền mua sách vở

Gia đình em Nguyễn Tiến Thịnh hiện sống tại số nhà 228, tổ 12, ấp 4, xã Trung An, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cha của em là anh Nguyễn Văn Thắng, sức khỏe yếu nên chỉ làm công nhân công nhật. Khi nào có việc, công ty mới gọi anh Thắng đến làm nên công việc cũng bấp bênh. Đồng lương nhân viên nhà nước của mẹ em Thịnh là chị Đặng Trần Diễm Khang ở trạm y tế xã Trung An cũng chẳng đáng là bao. Mọi chi phí trong gia đình như: tiền học của hai anh em Thịnh, tiền sinh hoạt hàng ngày cho cả nhà đều trông cậy vào số tiền ít ỏi mà cha mẹ em phải tằn tiện, dè sẻn lắm mới có được.

thinh1-1441078761720
Mỗi dịp lễ tết, thay vì nghỉ, em Thịnh thường đi nhận giữ nhà thuê cho chủ nhà để lấy tiền mua thêm sách vở.

Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, thương cha mẹ vất vả nên Thịnh rất chăm học. Ngoài giờ học trên lớp, lúc rảnh, Thịnh nhận giúp lau chùi, dọn dẹp nhà cửa cho người quen. Do siêng năng, thật thà nên Thịnh thường được chủ nhà tin tưởng giao trông nom nhà giúp mỗi khi có việc đi xa. Những dịp lễ, Tết, thay vì được nghỉ ngơi, vui chơi cùng các bạn, Thịnh phải làm thêm để kiếm thêm chút tiền công mong đỡ đần cho cha mẹ trong gánh nặng mưu sinh. Có khi, em được người quen giới thiệu đến trông và chăm sóc nhà cửa ở Long An khi chủ nhà về quê đón Tết. Có khi, em còn nhận dạy kèm cho các em học sinh gần nhà. Số tiền dạy kèm tuy nhỏ nhưng cũng giúp em mua tài liệu học tập.

Ở cái tuổi mới lớn, biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thịnh luôn biết cách tiết kiệm để đỡ giảm bớt lo lắng cho cha mẹ. Sách vở, quần áo của em học phần lớn là do các cậu và các anh hàng xóm cho lại. Buổi sáng, học xong ở trường, em thường đạp xe về nhà để ăn cơm cho đỡ tốn kém, chiều lại quay trở lại trường để học tiếp…

Thịnh rất có ý thức tự giác trong học tập. Ba mẹ cho bao nhiêu tiền, Thịnh dành hết mua sách vở, tài liệu để học. Em còn là một “gia sư” hướng dẫn em gái là Nguyễn Kiều Diễm Trang học tập để ba mẹ an tâm. Thịnh không bao giờ để ba mẹ phải thúc giục, phiền lòng về học tập. 12 năm liền, Thịnh luôn là học sinh khá, giỏi. Ngoài ra, em còn giành giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm 2013, lúc đang học lớp 11, em đạt giải Nhì cuộc thi Học sinh giỏi giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh. Năm lớp 12, em đạt giải Nhì môn Vật Lý và giải Nhất cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh.

Khi được hỏi vì sao Thịnh lại chọn ngành Cơ khí - Cơ điện tử, em cho biết: “Sống ở nông thôn, em thấy bà con nông dân ở đây chủ yếu sống vào việc làm vườn và làm ruộng. Đất đai có nhưng sản xuất còn mang tính thủ công, nên năng suất chưa cao nên cuộc sống vẫn cứ nghèo khó. Em đăng ký thi vào ngành Cơ khí với mong muốn có điều kiện học tập để trở thành một kĩ sư cơ khí, có điều kiện nghiên cứu, chế tạo nông cụ, máy móc nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và để em cũng có công việc ổn định giúp đỡ gia đình".

Tôn trọng quyết định của con, ba mẹ Thịnh không áp đặt con theo ý của mình mà để con tự chọn trường thi, chọn nghề dựa trên khả năng và sở thích. Và Thịnh quyết định chọn ngành Cơ khí. Khi nghe con theo dõi thông tin trên mạng và báo có tên trong danh sách trúng tuyển của trường ĐH Bách khoa TPHCM, ba mẹ Thịnh vui lắm, nhưng vẫn còn đó lắm nỗi lo...

thinh-1441078949169

Kinh tế gia đình em Thịnh hiện rất khó khăn, cha mẹ em cũng đang tìm nhiều cách để kịp làm hồ sơ cho Thịnh nhập học vào ngày 7/9 tới.

Mong vượt "ải" nhập học

Rất thật thà, Thịnh chia sẻ: "Theo dõi thông tin trên mạng, thấy mình có tên trong danh sách trúng tuyển, em thấy lòng mừng nhưng dạ cũng lo lo. Mấy hôm nay, thấy ba mẹ chạy vạy, bàn tính lo cho em đi học, em thấy thương ba mẹ lắm! Lúc học phổ thông, gần nhà, có thiếu thốn thì cũng tạm đắp đổi được. Giờ xa nhà, học ở tận Sài Gòn, mọi thứ thì phải tự lo, chi phí thì lại đắt đỏ…".

Theo Thịnh nếu vượt qua "ải" nhập học (có điều kiện làm hồ sơ nhập học), Thịnh dự định khi mọi việc ổn định, em sẽ đến các trung tâm giới thiệu việc làm xin đi dạy kèm hoặc một công việc nào đó lương thiện kiếm thêm tiền trang trải chi phí học tập giúp ba mẹ nhẹ gánh nỗi lo. Ngoài ra, em sẽ cố gắng học để có cơ hội tìm học bổng. Với em, được đến trường để tiếp tục việc học của mình đó là một niềm hạnh phúc lớn.

thinh2-1441078096733

Dù gia đình khó khăn, nhưng em Nguyễn Tiến Thịnh (ngoài cùng, bên trái) luôn cố gắng học tốt.

Với cha mẹ Thịnh, khi nghe tin con trúng tuyển đại học, cha mẹ em mừng vui khôn xiết nhưng trong lòng canh cánh một nỗi niềm lo lắng, trăn trở khi nghĩ tới tương lai sắp tới.

Anh Nguyễn Văn Thắng - cha em Thịnh chia sẻ: "Ngày cháu nó báo trúng tuyển đại học, vợ chồng tôi mừng vô cùng. Mấy đêm đầu, hai vợ chồng không sao ngủ được vì canh cánh nỗi lo khi cháu nó nhập học, bao nhiêu khoản tiền… Nhưng dù thế nào vợ chồng tôi sẽ cố gắng lo cho cháu nó đi được bước nào hay bước đó, chứ bây giờ mình nói ra, cháu nó sẽ bỏ ngành học yêu thích sau 12 năm nỗ lực học tập thì vợ chồng tôi không thể chịu được".

Nhà khó khăn, có được một khoản tiền lớn để đóng học phí, sách vở, tiền ký túc xá, tiền ăn và các khoản chi phí khác để cho Thịnh bước chân vào giảng đường đại học thật vất vả. Nhưng cha mẹ em cũng quyết tâm dù có chạy vạy như thế nào cũng cố lo con học, thực hiện ước mơ trở thành một kĩ sư mai sau về xây dựng quê hương.

Nhìn cậu học trò nhỏ đang xếp lại những vật dụng thiết yếu vào cái va li cũ  vừa xin được của người cậu để chuẩn bị cho những ngày nhập học sắp tới, chúng tôi thầm mong những ước mơ của em sẽ thành hiện thực.

Sau khi bài viết này được đăng tải, nhiều bạn đọc liên hệ tới Ban Giáo dục báo điện tử Dân trí xin số điện thoại của em Nguyễn Tiến Thịnh để động viên, chia sẻ tới em. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Thịnh: 0912 703 271 hoặc 0979 523 846 (chị Khang, mẹ em Thịnh). Trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Phương - Nguyễn Hành

(Email: haihanh@dantri.com.vn)