TPHCM chỉ đạo khẩn hỗ trợ thí sinh không giấy tờ tùy thân dự thi tốt nghiệp
(Dân trí) - Trần Văn Tình là nhân vật trong phóng sự "Thí sinh không giấy tờ tùy thân trước kỳ thi vì cháy nhà" được báo Dân trí phản ánh ngày 28/6.
Thành ủy TPHCM vừa có công văn khẩn gửi Đảng ủy Công an Thành phố rà soát, chỉ đạo hỗ trợ đăng ký và cấp căn cước công dân cho em Trần Văn Tình.
Công văn ngày 30/6 ghi, qua phóng sự "Thí sinh không giấy tờ tùy thân trước kỳ thi vì cháy nhà" đăng trên báo điện tử Dân trí ngày 28/6, đối với trường hợp em Trần Văn Tình - học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7, Thường trực Thành ủy đã có ý kiến chỉ đạo.
"Đề nghị Đảng ủy Công an Thành phố chỉ đạo Công an Thành phố rà soát, nghiên cứu các thủ tục liên quan để hỗ trợ đăng ký và cấp căn cước công dân cho em Trần Văn Tính theo phản ánh của báo Dân trí nêu trên. Kịp thời báo cáo kết quả giải quyết cho Thường trực Thành ủy", văn bản nêu rõ.
Chỉ đạo trên được thực hiện dựa trên căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Trần Văn Tình (SN 2000, quận 1, TPHCM) được sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em.
Trước khi Tình ra đời, năm 1998, nhà bị cháy nên bố mẹ em không còn giữ được bất cứ giấy tờ nào.
Kể từ đó, vì nhiều lý do, gia đình chưa thể đăng ký hộ khẩu. Vì thế, 4 anh chị em của Tình không ai có giấy khai sinh.
Tuy khó khăn nhưng gia đình vẫn quyết tâm cho em được đến trường. Học hết lớp 9, tại Trường Tình thương Ánh Linh (quận 7), Tình đứng giữa ngã ba đường.
"Lúc tốt nghiệp lớp 9, em không biết mình nên nghỉ hay đi học tiếp. Nếu đi học thì ai sẽ nhận em? Các thầy cô ở Trường Tình thương Ánh Linh khuyên em cứ sang gặp Ban Giám đốc của Trung tâm trình bày hoàn cảnh. Rất may mắn là em đã được nhận vào học", Tình kể lại.
Không chỉ được đến trường, suốt 3 năm ròng rã, Tình được Ban Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7 hỗ trợ để làm thủ tục, giấy tờ tùy thân.
"Hai cô trò không biết đã đi lại bao nhiêu lần. Có những lúc, em tuyệt vọng tưởng như mình sẽ không thể làm giấy khai sinh. Không thể mang một cái tên được công nhận", Tình nhớ lại quãng thời gian ngược xuôi đi hỏi thủ tục, giấy tờ.
Sự bền bỉ của hai cô trò được đền đáp xứng đáng khi các cơ quan, ban ngành của TPHCM đã giải quyết bước đầu trường hợp của Tình.
"Em không thể nào quên ngày 18/5/2022, cả 4 anh chị em đều được nhận giấy khai sinh. Cảm xúc lúc đó vỡ òa. Mỗi người đăng ký lấy 10 bản sao để cất giữ vì sợ nếu chỉ lấy một hai bản mà bị mất nữa sẽ không biết phải làm như thế nào", Tình kể. Nước mắt của chàng trai 22 tuổi rơi lã chã khi lần đầu được khai sinh, được có một cái tên chính thức dành cho mình.
Mặc dù đã có giấy khai sinh, có mã định danh cá nhân nhưng vì không có hộ khẩu thường trú gốc, không có nhà cư trú, nên đến nay, Tình vẫn chưa thể làm căn cước công dân. Từ đó, nhiều giấy tờ khác như thẻ ngân hàng, giấy phép lái xe em đều chưa có.
Thậm chí, việc xin làm thêm hay đi thuê nhà cũng khó khăn vì không có căn cước công dân.
"Em rất lo tới đây thủ tục vào đại học sẽ như thế nào. Rồi sau này đi làm nữa. Em đã chờ đợi 22 năm mới có được giấy khai sinh. Em sợ nếu phải đợi hàng chục năm mới có căn cước công dân", Tình chia sẻ.
Bà Hồ Thị Phước Thọ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 7, cho biết nắm bắt được hoàn cảnh của em, trung tâm cũng hỗ trợ liên lạc, phối hợp với các cơ quan của thành phố làm giấy khai sinh cho em.
"Có mã định danh cá nhân, Tình được phép dự thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, lúc vào phòng thi cũng rất khó xác định bởi không có giấy tờ gì có khuôn mặt để chứng nhận. Trung tâm làm giấy xác nhận học viên, có dán ảnh để hội đồng thi hỗ trợ bạn vào thi", bà Thọ nói.
Nữ giám đốc nhận xét, Tình là một học viên rất nghị lực và có lực học tốt, em có khả năng đỗ và theo học tại nhiều trường đại học.
Để hỗ trợ học viên, bà đã liên hệ Công an quận 7 cho phép Tình tạm trú vào nhà mình để được cấp căn cước công dân nhưng hiện chưa thể làm do không có hộ khẩu gốc.
"Tôi rất mong các cấp ban ngành có thể xem xét, hỗ trợ, giải quyết trường hợp của em Trần Văn Tình sớm được cấp căn cước công dân, để sớm khép lại những tháng ngày không tên, không số căn cước", bà Hồ Thị Phước Thọ bày tỏ.