Năm 2010, ngành giáo dục tiêu tiền như thế nào?
(Dân trí) - Tổng chi ngân sách giáo dục được giao năm 2010 là gần 5.000 tỷ đồng. Vậy ngành giáo dục đã chi như thế nào?
Đối với năm 2011, ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục hơn 5.000 tỷ tỉ đồng, tăng 2,9% so với năm 2010. Ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết: “ Năm 2011 là năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách (2011-2013) thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Bộ GD-ĐT “bó tay” với công trình của Trường ĐH Kinh tế quốc dân
Theo Bộ GD-ĐT thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo các trường đại học, cao đẳng mới chỉ đáp ứng ở mức rất thấp: hệ thống trang thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành mới đáp ứng được 40% nhu cầu đào tạo; hệ thống cơ sở vật chất mới đáp ứng được 50% nhu cầu; hệ thống thư viện, cơ sở vật chất công nghệ thống tin còn rất yếu … so với các trường trong khu vực và trên thế giới, các trường ĐH,CĐ Việt Nam còn tồn tại một khoảng cách lớn, khả năng tụt hậu dài.
Năm 2010, Bộ đã phân bổ kế hoạch vốn xây dựng cơ bản tập trung cho các dự án với tổng đầu tư 1.019.000 triệu đồng. Theo nhận định của Bộ GD-ĐT việc giải ngân của các đơn vị hoàn thành về cơ bản trong năm 2010.
Tuy nhiên, nhiều trường gặp khó khăn trong việc quyết toán nguồn vốn hoặc vì cơ chế quản lý nguồn vốn còn nhiều bất cập, trình độ quản lý của chủ đầu tư còn hạn chế. Nhiều dự án đã hoành thành nhưng chưa quyết toán được tài khoản do chủ đầu tư quyết toán chưa đúng nguồn quy định như một số dự án ở trường ĐH Vinh, ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên…
Vấn đề đau đầu nhất của Bộ GD-ĐT là xây dựng trung tâm đào tạo của ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Công trình được khởi công từ năm 2003 vốn đầu tư 518 tỷ đồng. Mặc dù hàng năm Bộ đã cố gắng bố trí từ 20% - 73,7% kinh phí tổng nhóm A cho Dự án nhưng đến nay tổng số vốn đã cấp 322.656 triệu đồng, chỉ đạt 30% mức đầu tư của dự án.
Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất & Thiết bị Trường học, Đồ chơi Trẻ em (Bộ GD-ĐT) cho biết: Trường ĐH KTQD là trường có quy mô và nguồn thu lớn nhất trong tất cả các trường trực thuộc Bộ. Tuy nhiên, nhà trường chưa chủ động và chưa có trách nhiệm đối với dự án. Đẩy hoàn toàn gánh nặng tài chính lên ngân sách Nhà nước. Qua 7 năm nay, rất nhiều văn bản chỉ đạo của văn phòng chính phủ và các Bộ ngành (đều nêu rõ ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng đủ mà phải xây dựng phương án huy động vốn ngoài ngân sách) nhưng không xây dựng được phương án huy động vốn ngoài ngân sách khả thi.
Nhà trường báo cáo Bộ là đã đóng góp 15,8 tỷ để xây dựng nhưng thực chất theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì mới chỉ dành 4,8 tỷ đồng để bổ sung đầu tư xây dựng dự án. Việc này, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp để ra hướng giải quyết cũng như gửi công văn nhắc nhở Nhà trường nhưng đến nay vẫn chưa có gì tiến triển - ông Tạo cho hay.
Hiện nay, dự án đang thi công phần xây thô đến tầng 6, tương ứng 48.000m2 sàn. Bộ dự kiến năm 2011 bố trí 40 tỷ để nhà trường tiếp tục xây dựng trong thời gian xây dựng phương án huy động vốn ngoài ngân sách.
Hồng Hạnh