Muốn làm "ông chủ", "bà chủ" bạn trẻ cần học nghề gì?
(Dân trí) - Không muốn làm thuê cả đời, nhiều bạn trẻ chọn học nghề để tự mình mở tiệm kinh doanh sau thời gian tích lũy kinh nghiệm.
Mọi nghề đều có thể khởi nghiệp
Trên diễn đàn hướng nghiệp, câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đặt ra nhất trong thời gian này là "nên học nghề gì?". Nhiều bạn trẻ thích học nghề để có thể làm nhàn nhã, thu nhập ổn định. Nhiều bạn lại thích học nghề mau ra trường, dễ xin việc để trang trải kinh tế gia đình. Cũng có bạn muốn học nghề có thể tự kinh doanh, phát triển sự nghiệp…
Em Nhật Khánh nhờ tư vấn: "Em năm nay 17 tuổi và định học nghề. Định hướng là khi học xong sẽ đi làm thuê một thời gian để trau dồi kinh nghiệm, sau đó về nhà mở tiệm. Như vậy em nên học nghề gì phù hợp?".
Câu hỏi của Khánh được nhiều cơ sở dạy nghề tư vấn em nên học sửa chữa ô tô, sửa chữa máy tính, an ninh mạng, nội thất, chế biến món ăn… với nhiều lý do khác nhau.
Bạn Vũ Việt Hà khuyên: "Hiện tại em quan tâm hay thích những gì liệt kê ra trước. Những công việc em có thể làm hoặc muốn làm, tìm hiểu xu hướng ngành nghề, các công việc có thể làm sau khi học nghề đó… Từ đó em mới chọn được ngành nghề mình nên học".
Bạn Thương Hoài cũng đồng quan điểm: "Bạn cần hiểu bản thân mình trước, điểm mạnh, điểm yếu, sở thích. Tìm hiểu nhu cầu và xu hướng của xã hội. Hiện nay các ngành công nghệ thông tin, marketing online, logistic... đang phát triển mạnh".
Với kinh nghiệm của một người làm chuyên môn, thạc sĩ Thái Thủy Chung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TPHCM), cho rằng: "Mọi nghề đều có thể khởi nghiệp được, nhưng đó chỉ là điều kiện cần".
Điều kiện đủ ở đây là người khởi nghiệp phải xác định được đúng nghề nghiệp mà mình đam mê và phù hợp.
"Bạn thích gì? Có khả năng làm gì? Điểm mạnh nằm ở đâu? Là những câu hỏi quan trọng cần trả lời để xác định lĩnh vực mình sẽ đầu tư khởi nghiệp" - Thạc sĩ Chung chia sẻ.
Khởi sự kinh doanh từ những nghề thông dụng
Theo Thạc sĩ Thái Thủy Chung, với hàng trăm mã nghề hiện có, để tư vấn cho học sinh con đường khởi nghiệp từ trường nghề rất khó.
Nêu ví dụ hướng khởi sự kinh doanh từ một số ngành nghề mà trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, đang đào tạo, bà Chung tư vấn học các nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin (Quản trị mạng máy tính, tin học ứng dụng, sữa chữa và lắp ráp máy tính…) học viên có thể khởi nghiệp kinh doanh các cửa hàng linh kiện thay thế, bảo trì sữa chữa… Hoặc kinh doanh các loại sản phẩm kỹ thuật số.
"Lợi nhuận từ đồ công nghệ, điện tử khá cao, đây là một cách làm giàu nhanh nhất cho những người yêu thích, đam mê công nghệ", bà Chung nói.
Hay học nghề Công nghệ may - Thời trang, học viên có thể sử dụng tốt các phần mềm chuyên ngành về thiết kế, nhảy mẫu... để phục vụ cho công việc sau này.
Khi ra trường, học viên có thể làm việc tại các xưởng may, doanh nghiệp may mặc… Hoặc có thể lựa chọn khởi nghiệp, phát triển thương hiệu thời trang riêng của mình, là một trong các cách kiếm tiền được nhiều người học nghề này lựa chọn.
Học ngành Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp, học viên có đủ kiến thức và kỹ năng để đảm đương các vị trí như nhân viên, quản lý dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tại các spa, salon, kinh doanh về mỹ phẩm; có thể tự mở cơ sở dịch vụ…
Tại trường, học viên còn được đào tạo những kiến thức chuyên sâu về mỹ phẩm, phân tích tâm lý khách hàng, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp… Đó là những kiến thức rộng để phát triển cơ sở kinh doanh khi khởi nghiệp.
Hay học nghề kinh doanh thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, việc đào tạo gắn liền với hoạt động bán hàng cả online và offline, truyền thông đại chúng, quản lý kho...
Theo học các nghề này, học viên được đào tạo nhiều kỹ năng như: quản trị bán hàng, truyền thông thương mại, chăm sóc khách hàng để bán hàng hiệu quả. Đây là những kiến thức không thể thiếu trong quá trình khởi nghiệp.
Tuy nhiên, dù các bạn học sinh chọn học nghề nào để khởi nghiệp, thạc sĩ Thái Thủy Chung cũng khuyên những trải nghiệm thực tế là rất quan trọng.
"Bạn có thể đi làm thêm trong thời gian đi học, khi tốt nghiệp nên xin đi làm thuê vài năm để học hỏi và đúc kết kinh nghiệm" - nữ thạc sĩ chia sẻ.