Muốn làm nghiêm, hãy sẵn sàng trả giá!
(Dân trí) - Ba “người hùng” chống gian lận thi cử: Đỗ Việt Khoa, Nguyễn Thượng Long, Lê Đình Hoàng hiện một người vừa nghỉ hưu, một người đã bặt vô âm tín, chỉ còn lại Đỗ Việt Khoa và triết lý: “Muốn làm nghiêm thì hãy sẵn sàng để trả giá!”.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Hà Tây), “người hùng” đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006. Chỉ mới gần 3 năm kể từ ngày cái tên Đỗ Việt Khoa nổi lên như một “hiện tượng” của ngành giáo dục với vẻ sôi nổi hào hùng giương cao ngọn cờ chống tiêu cực, thầy giáo Khoa giờ đã “tiều tụy” hẳn cả về ý chí và tinh thần.
Trò chuyện với Dân trí vào chiều 26/5, 48 tiếng trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 diễn ra, anh cho biết: “Lẽ ra năm nay tôi định cáo ốm để xin phép thôi không làm giám thị nữa nhưng số học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay nhiều quá vì dồn cả số học sinh năm trước bị trượt tốt nghiệp lại. Như tại trường THPT Vân Tảo nơi tôi dạy, số học sinh đã tăng gấp 1,5 lần năm ngoái, số phòng thi đã tăng từ 18 phòng lên 25 phòng thi. Tôi xin nghỉ thì đồng nghiệp lại phải chịu vất vả thêm, vì cuộc vận động “Hai không” của ngành giáo dục, bỏ cuộc không đành...”.
Khó mà tin được rằng “người hùng” Đỗ Việt Khoa đã nản lòng?
Vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, khi nhận được thông tin Giám thị Đỗ Việt Khoa bị lập biên bản, dù chưa biết thực hư thế nào nhưng một Thanh tra của Bộ GD- ĐT đã vội vã đưa ra nhận xét: “Mỗi con người, lúc này có hành vi đáng biểu dương, lúc khác lại có hành vi vi phạm!”.
Ngành giáo dục lại đang sắp bước vào một kỳ thi nóng bỏng và không biết còn được bao nhiêu giám thị nữa dám dũng cảm như Giám thị Đỗ Việt Khoa ngày nào khi ngay bản thân những người bảo vệ cho sự an toàn của kỳ thi đã từng có thái độ thờ ơ và vô cảm như vậy? |
Năm nay, tôi coi thi ở trường THPT Lý Tử Tấn (Thường Tín-Hà Tây), cách nhà khoảng 6km. Hôm trước đi tập huấn, Chủ tịch Hội đồng có nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại một điều làm tôi buồn vô cùng. Đó là quy định giám thị phải nghiêm túc ngồi đúng vị trí theo quy định, hạn chế đi lại. Giám thị ngồi một chỗ thì khác gì “ông tượng” tạo điều kiện cho học sinh quay cóp?
Lãnh đạo Hội đồng còn nói lý do của việc giám thị phải hạn chế đi lại vì để cho thí sinh khỏi hoang mang. Tôi làm giám thị nhiều năm tôi biết, thí sinh chẳng tha không kéo tay giám thị hỏi thầy ơi làm thế nào ấy chứ hoang mang gì.
Nhưng việc đi lại để giám sát thì đó là việc của Thanh tra?
Nếu cái gì cũng chờ Thanh tra thì... 6 phòng thi mới có một Thanh tra của Bộ. Còn Thanh tra của Sở thì có lẽ tôi thuộc tính từng người rồi. Và tôi thấy lo lắng cho sự thực sự nghiêm túc của kỳ thi lắm. Nhiều giáo viên đã nói thẳng với tôi rằng, anh nhẹ tay thôi, chứ không lại mất 12 năm học của học sinh.
Như năm ngoái, hăng hái quá nên anh đã bị lập biên bản cảnh cáo vì đi lại lung tung. Vậy mà năm nay anh vẫn không thấy “sợ” vì có thể sẽ lại tiếp tục vi phạm quy chế?
Tôi làm đúng thì có gì mà sợ. Nhưng tôi muốn nhắn nhủ với những giám thị khác, nếu đủ dũng cảm để làm nghiêm, để đương đầu với tiêu cực thì hãy sẵn sàng để trả giá. Như tôi, thường xuyên bị nói là đồ dở hơi và luôn bị “trả miếng”...
Dù sao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, bộ ba gồm anh, thầy Nguyễn Thượng Long (Hà Đông) và thầy Lê Đình Hoàng (Nghệ An) đã có những tiếng nói khích lệ rất sôi nổi cho tinh thần giám thị của các Hội đồng thi trong cả nước. Và năm nay?
Thầy Nguyễn Thượng Long thì đã nghỉ hưu hồi tháng 9 năm trước nên năm nay cũng không thể tham gia kỳ thi. Thầy Lê Đình Hoàng thì lâu lắm rồi chúng tôi cũng không liên lạc được với nhau, không biết tình hình của Hoàng thế nào. Còn lại mỗi tôi. Tôi cũng không còn tin vào sức mình có thể làm được gì nữa...
Hãy lạc quan lên và chúc anh có một kỳ thi ít ưu tư hơn. Xin trân trọng cảm ơn anh.
Mai Minh (thực hiện)