DNews

Muốn con mạnh mẽ hơn người, cha mẹ hãy làm 6 việc sau

Bích Ngọc

(Dân trí) - Nội lực mạnh mẽ là một yếu tố quan trọng giúp trẻ thành công trong cuộc sống. Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con trở nên mạnh mẽ hơn.

Muốn con mạnh mẽ hơn người, cha mẹ hãy làm 6 việc sau

Chuyên gia tâm lý người Mỹ Scott Mautz đã có hơn 3 thập kỷ nghiên cứu về sức mạnh nội tâm. Ông chuyên hỗ trợ tâm lý cho các khách hàng của mình để họ có thể trở nên vững vàng hơn, hành động hiệu quả hơn trong công việc và cuộc sống.

Ông Scott Mautz tin rằng cha mẹ hoàn toàn có thể giúp con trở nên tự tin, bền bỉ, tích cực hơn trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề.

Đặt ra loạt câu hỏi "tại sao"

Trong cuộc sống thường ngày, trẻ đặt ra nhiều câu hỏi "tại sao". Cha mẹ cũng nên sử dụng những câu hỏi "tại sao" để đối thoại với con. Điều này sẽ giúp trẻ học cách tự tư duy xử lý vấn đề. Cách phân tích vấn đề bằng những câu hỏi "tại sao" sẽ giúp trẻ đi đến gốc rễ của sự việc.

Thường sau khoảng 5 lần hỏi "tại sao", gốc rễ vấn đề sẽ lộ ra. Chẳng hạn, tuần này bạn sẽ không cho con tiền tiêu vặt, con thấy đây là hình phạt quá nặng. Bạn muốn giúp con hiểu rõ vấn đề và sẽ đặt loạt câu hỏi "tại sao" để con tự suy nghĩ.

"Tại sao con không được nhận tiền tiêu vặt tuần này?". Lý do bởi con không chủ động làm việc nhà đầy đủ và đúng giờ như đã thống nhất.

"Tại sao con không làm việc nhà như đã thống nhất?", bởi con mải chơi trò chơi điện tử.

"Tại sao con mải chơi điện tử dù đã tới lúc làm việc nhà?", bởi con không chịu đứng lên và rời khỏi máy tính, con bị lôi cuốn không dừng lại được.

"Tại sao con không thể dừng lại được?", bởi con không để ý thời gian, cũng không để tâm nghe cha mẹ nhắc nhở.

"Tại sao con không để tâm lời cha mẹ nhắc nhở?". Đi đến đây có lẽ đã tới gốc rễ của vấn đề, đủ để con hiểu rằng từ sau, khi cha mẹ nhắc nhở, con cần để tâm lắng nghe và thực hiện.

Dạy trẻ cách tư duy xử lý vấn đề có thể bắt đầu từ loạt câu hỏi "tại sao", để trẻ tự tìm hiểu vấn đề vì đâu mà xuất hiện, bản thân có thể làm gì để giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Giúp trẻ có thói quen tự phân tích vấn đề sẽ giúp trẻ tự tin, mạnh mẽ hơn khi xử lý các tình huống.

Muốn con mạnh mẽ hơn người, cha mẹ hãy làm 6 việc sau - 1

Cha mẹ hãy dạy con cách tự đánh giá bản thân dựa trên những tiêu chí, kỳ vọng mà con tự đặt ra cho mình (Ảnh minh họa: iStock).

Giúp con học cách tự đánh giá chính mình

Trẻ thường quan sát thái độ, lời nói, hành động của cha mẹ để biết cha mẹ có dành nhiều sự ủng hộ hay khen ngợi cho mình hay không. Đạt được điều gì, trẻ cũng có xu hướng xem mức độ khen ngợi của cha mẹ dành cho mình như thế nào. Dù vậy, đến một độ tuổi phù hợp, trẻ cần được dạy cách tự đánh giá bản thân, thay vì không ngừng tìm kiếm sự ủng hộ, khen ngợi từ người khác.

Việc thiếu đi năng lực tự nhìn nhận, tự đánh giá chính mình sẽ khiến con trở nên thiếu tự tin, tự chủ, có thể dần hình thành xu hướng suy nghĩ và hành động theo người khác, chạy theo tâm lý đám đông.

Khi thấy phù hợp, cha mẹ hãy dạy con cách tự đánh giá bản thân dựa trên những tiêu chí, kỳ vọng mà con tự đặt ra cho mình. Từ đó, con sẽ biết cách tự thúc đẩy bản thân, thay vì nỗ lực mong nhận được sự ngợi khen, ghi nhận từ người khác.

Giúp con hiểu bản chất của mạng xã hội

Cha mẹ cần thống nhất với con về giới hạn thời gian sử dụng điện thoại, thời gian vào mạng xã hội. Dù vậy, việc giúp con hiểu bản chất thật sự của mạng xã hội mới thật quan trọng. Hãy giúp con hiểu rằng những gì "long lanh" con thấy trên mạng xã hội không phản ánh đúng trải nghiệm thực tế của người tạo ra những nội dung ấy.

Những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội thường chỉnh sửa rất kỹ các hình ảnh và video mà họ đăng tải, để tạo ấn tượng với cộng đồng mạng. Vì vậy, con không nên so sánh bản thân với những gì con thấy trên mạng, bởi những nội dung ấy thường không phản ánh đúng thực tế cuộc sống.

Việc chạy theo những gì "lấp lánh" con thấy trên mạng xã hội là điều bất khả thi. Con chỉ nên coi mạng xã hội như một nguồn giải trí bên cạnh những cách thức giải trí khác. Cách nhìn nhận này sẽ giúp con tỉnh táo hơn khi sử dụng mạng xã hội, không rơi vào tâm lý tự ti, tiêu cực vì bị tác động quá mạnh bởi các nội dung mà con tiếp cận trên mạng.

Muốn con mạnh mẽ hơn người, cha mẹ hãy làm 6 việc sau - 2

Cha mẹ cần dạy con biết trân trọng giá trị của trải nghiệm, của quá trình nỗ lực (Ảnh minh họa: iStock).

Giúp con tập trung vào quá trình thay vì kết quả

Khi trẻ chỉ quan tâm tới kết quả của quá trình nỗ lực, điều này sẽ khiến trẻ dễ trở nên thất vọng, nản lòng khi không đạt được điều mình mong muốn. Trong khi đó, những nỗ lực đã thực hiện, những trải nghiệm đã có trong quá trình cố gắng chắc chắn có đưa lại những giá trị cho hành trình trưởng thành của con.

Cha mẹ cần giúp con có cách nhìn nhận đúng đắn, biết trân trọng giá trị của trải nghiệm, của quá trình nỗ lực. Điều này sẽ giúp trẻ có cách nhìn nhận tích cực, lạc quan. Về lâu dài, trẻ sẽ kiên trì, bền bỉ cố gắng, ngay cả khi không đạt được kết quả mong đợi.

Khi thấy con có sự thất vọng vì không đạt được mục tiêu, cha mẹ hãy đặt ra những câu hỏi có tính khích lệ như: "Con đã học được gì từ trải nghiệm này?"; "Con có thấy vui với trải nghiệm này không?"; "Con có thấy mình đã tiến bộ hơn trước không?"... Cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng quá trình con nỗ lực để tiến bộ hơn trước đã là một chiến thắng của riêng con.

Đừng để con mắc kẹt trong tâm lý "như thế không công bằng"

Cha mẹ cần tránh để con sống trong tâm lý "nạn nhân", rằng con luôn bị đối xử không công bằng, bởi tâm lý này sẽ khiến con suy nghĩ tiêu cực, làm giảm sức mạnh nội tâm và khả năng hành động hiệu quả.

Cha mẹ cần giúp con hiểu rằng khi con không thể thay đổi hoàn cảnh, con vẫn có thể thay đổi chính mình. Con hãy nỗ lực hành động hơn nữa, chấp nhận hoàn cảnh có những yếu tố bất lợi, kiên trì cố gắng với mục tiêu mình đặt ra. Khi điều kiện cho phép, con có thể cải thiện những điều con cho là không công bằng.

Giúp con tập trung vào những điều con có thể kiểm soát

Cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể lo lắng vô ích vì những điều không thể kiểm soát. Cha mẹ hãy giúp con có cách tư duy khoa học và chỉ tập trung vào những gì con có thể kiểm soát. Khi thấy bản thân lo lắng, căng thẳng, con hãy viết ra tất cả những gì đang khiến con suy nghĩ.

Sau đó, con hãy khoanh tròn những điều con thấy bản thân có thể kiểm soát. Tiếp đến, con sẽ nghĩ xem mình có thể làm gì để cải thiện những điều mình có thể kiểm soát.

Sức mạnh tinh thần nằm ở việc một cá nhân biết đặt năng lượng vào đâu để đưa lại hiệu quả cao nhất. Dạy con kỹ năng kiểm soát tâm lý, tư duy logic sẽ giúp con tập trung tư tưởng, hành động hiệu quả và cải thiện bản thân.

Theo CNBC