Một số đại học bất ngờ bỏ xét điểm thi đánh giá tư duy, năng lực

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Trong khi một số trường đại học tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá tư duy, năng lực, một số trường từ bỏ phương thức xét tuyển này trong năm 2025.

Năm 2025, Học viện Tài chính dự kiến tuyển 6.320 sinh viên đại học chính quy năm nay (tăng 1.820 chỉ tiêu so với năm ngoái).

Trong đó, học viện dành 3.300 chỉ tiêu tuyển sinh chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế; 2.700 chỉ tiêu chương trình chuẩn; 320 chỉ tiêu chương trình liên kết quốc tế.

Trường cũng dự kiến tuyển sinh mới 14 chương trình đào tạo. Trong đó, 9 chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập chuyên sâu theo chuẩn mực thế giới của thí sinh; 5 chương trình chuẩn mới như khoa học dữ liệu trong tài chính, trí tuệ nhân tạo trong tài chính - kế toán, kinh tế chính trị - tài chính, luật, toán tài chính.

Một số đại học bất ngờ bỏ xét điểm thi đánh giá tư duy, năng lực - 1

Thí sinh dự thi đánh giá tư duy ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: M. Hà).

Nhà trường tuyển sinh theo các phương thức: xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển thí sinh có năng lực vượt trội; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét tuyển kết hợp.

So với năm ngoái, năm nay Học viện Tài chính bỏ phương thức xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; bỏ xét kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm ngoái học viện dành tối thiểu 5% chỉ tiêu cho thí sinh tham gia xét tuyển bằng kết quả hai kỳ thi riêng này.

Năm nay, Đại học Hà Nội dự kiến tuyển 3.350 chỉ tiêu thông qua 9 tổ hợp xét tuyển, gồm: D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), D02 (toán, ngữ văn, tiếng Nga), D03 (toán, ngữ văn, tiếng Pháp), D04 (toán, ngữ văn, tiếng Trung), D05 (toán, ngữ văn, tiếng Đức), D06 (toán, ngữ văn, tiếng Nhật), DD2 (toán, Ngữ văn, tiếng Hàn), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), TH01 (toán, tin học, tiếng Anh).

Đặc biệt năm 2025, nhà trường chính thức bỏ phương thức xét tuyển kết hợp bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đại học tổ chức.

Trường sử dụng ba phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; xét tuyển kết hợp theo quy định của trường Đại học Hà Nội; xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Một số đại học bất ngờ bỏ xét điểm thi đánh giá tư duy, năng lực - 2

Năm 2025, cả nước có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy (Ảnh: Mỹ Hà).

Năm ngoái, nhà trường xét kết hợp điểm học tập bậc THPT với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội với mức nhận hồ sơ tối thiểu từ 105/150 điểm, của Đại học Quốc gia TPHCM đạt tối thiểu từ 850/1.200 điểm và kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội từ 21/30 điểm.

Năm 2025, cả nước có khoảng 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy quy mô lớn do các trường đại học tổ chức.

Trong đó, kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA), Đại học Quốc gia TP.HCM (APT) và Đại học Bách khoa Hà Nội (TSA) quy mô lớn nhất, được 50-100 trường sử dụng kết quả để tuyển đầu vào.

Hiện có ít nhất 21 trường đại học trên cả nước công bố điểm sàn theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, tư duy.

Đây là mức điểm tối thiểu mà thí sinh cần đạt để đăng ký xét tuyển vào các đại học. Điểm trúng tuyển có thể bằng hoặc cao hơn mức này.