Mừng tuổi trẻ em và việc hình thành thói quen, nhân cách

(Dân trí) - Lì xì Tết là để mừng thêm tuổi mới, tiền ấy là để cho con trẻ vui. Do vậy, người lớn không nên lì xì nhiều, chỉ cần một số lượng tượng trưng và các con cũng đừng mong nhận thật nhiều tiền…

Lì xì dịp Tết là phong tục đẹp của người Việt Nam, dân gian có câu “Xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó mừng” hàm ý những tờ tiền lì xì màu xanh, màu đỏ còn mới luôn đem lại niềm vui cho trẻ. Nhân đọc bài “Dạy trẻ tiêu tiền vì chính mình” trên Dân trí vừa qua, tôi cảm thấy rất tâm đắc vì dạy con biết sử dụng tiền lì xì là cả một vấn đề lớn với nhiều bậc cha mẹ.
 
Mừng tuổi trẻ em và việc hình thành thói quen, nhân cách
Người lớn không nên lì xì cho trẻ nhiều, chỉ cần một số lượng tượng trưng và các con cũng đừng mong nhận thật nhiều tiền.

Ngày Xuân, nói chyện xưa

Hơn 20 năm trước, khi kinh tế mới qua thời bao cấp, cuộc sống bắt đầu thay đổi theo hướng khá dần lên, chúng tôi đã làm quen với món tiền mừng tuổi năm mới. Lúc đầu, hình như đã được mẹ “huấn luyện”, có ai lì xì bao nhiêu, anh em tôi đều ngoan ngoãn chạy vào trao lại cho mẹ hết, không cần biết được lì xì bao nhiêu.

Khoảng 9 - 10 tuổi, khi tôi bắt đầu bị quyến rũ bởi những món đồ chơi hiện đại trong các tiệm đồ chơi gần trường, thật không thể tả được cảm giác sung sướng khi mân mê khẩu súng nước mới toanh, xịt xa thật xa, hơn hẳn mấy khẩu súng nước bằng nhựa trong mỏng dánh, bóp mỏi tay mà yếu xìu. Rồi… những khẩu súng bắn pháo tóe lửa, nổ pằng pằng rất hấp dẫn trong đêm tối khi chơi trò công an đi bắt cướp... Nhà nghèo, mấy món đồ chơi đó là ngoài tầm với, tôi chỉ biết nhìn ngẩn ngơ… thèm muốn mỗi lần đi qua mấy tiệm đồ chơi.

Thời đó, hầu như chúng tôi không biết tiền. Quà sáng mẹ đã lo sẵn, khi xôi, khi bánh, lúc là cơm nguội chiên. Sách vở, ba mẹ cũng lâu lâu mua sách truyện, còn quần áo mới thường được vào dịp Tết. Nhu cầu của tôi chấm hết ngang đó, không quà vặt, không đồ chơi, không phim ảnh…

Tết năm lên 10, tôi quyết tâm kiếm tiền lì xì để mua đồ chơi cho sướng. Do vậy nếu các mùng 1 Tết trước xong, anh em tôi ít khi ở nhà vì bận chạy đi nghịch pháo, coi lô tô, đi đu quay ở hội chợ… chẳng để ý chuyện nhà thì năm ấy, mặc anh em rủ rê, tôi hy sinh hết chuyện vui chơi đó mà kiên nhẫn ở nhà, ngoan như một con cún, ai đến cũng tươi cười chào, châm trà, rót nước, mời bánh mứt. Và dĩ nhiên, người lớn lịch sự luôn thể hiện lời khen năm mới cùng với lì xì cho những em bé ngoan như thế. Mỗi lần khách lì xì, tôi biến ngay vào phòng, mân mê từng tờ tiền mới, cất kỹ dưới tủ quần áo, suốt ngày cộng cộng, trừ trừ để “tổng kết” mỗi ngày mình được bao nhiêu tiền. Sau ba ngày tết, tổng cộng tôi được hơn 100 ngàn thì phải, cao hơn hẳn các anh em khác và vào thời điểm đó, là một kỷ lục chưa từng có!

Mùng 4 Tết, cúng ông bà xong, mẹ bảo anh em trong nhà giao nộp tiền lì xì lại. Tôi nghe tin mà sửng sốt. Tại sao, tại sao? Tôi cãi, tôi khóc, tôi dậm chân và chọn đến “tuyệt chiêu” cuối cùng, trốn vào nhà vệ sinh, ngồi khóc một mình. Hình như tôi ngồi cũng phải hơn một giờ đồng hồ, tự hỏi tại sao lại thế, tại sao công sức mình ngồi “canh” khách để được tiền lì xì mà sao phải đưa lại cho mẹ. Nhưng biết sức mình không thể làm gì hơn, phần vì đói bụng vì đã đến giờ cơm, mà cơm Tết thì luôn thơm ngon hấp dẫn với trẻ em,… dù có buồn bã, tôi đã đưa xấp tiền lìu xì của mình cho mẹ, mặt vẫn cúi gằm không nhìn mẹ, để đi lấy đồ ăn.

Đêm đó, lúc đi ngủ, nằm bên cạnh, mẹ đã cắt nghĩa cho tôi nghe: “Khách của ba mẹ có lì xì cho con 10 đồng thì ba mẹ cũng lì xì ngược lại cho con họ 10 đồng, đâu có khác được. Ba mẹ cũng ráng để lo cho các con ăn học đàng hoàng, chưa phải vất vả làm lụng thêm như nhiều bạn, sao con không hiểu mà lại còn giận mẹ? Con có thiếu gì mà phải cần số tiền này?”. Tôi nín thinh, không dám trả lời về những “nhu cầu” của mình, trong lòng bắt đầu thấy xấu hổ vì nghĩ lại, niềm vui của mình phải trả bằng vất vả của cha mẹ thì cũng vô lý quá. Bằng những câu chuyện đó, với ý thức trách nhiệm của đứa con trai đang lớn, tôi đoạn tuyệt với mấy món đồ chơi từ dạo đó.

Chuyện Tết nay, dạy con quản lý tiền lì xì

25 năm sau, khi đã có gia đình và con nhỏ, và cuộc sống đi vào ổn định, đọc Dân trí, tìm hiểu berich.vn, tôi thấy có nhiều điều thú vị về ý nghĩa của việc quản lý tài chính cá nhân mà với trẻ em là quản lý tiền lì xì Tết. Nay, không còn quá khó khăn, tôi không có nhu cầu “gom” tiền lì xì của các con để bù ngân sách của mình, nhưng tôi vẫn cần dạy cho con những bài học căn bản từ chuyện tiền lì xì,… tôi nghĩ điều này rất quan trọng để hình thành nhân sinh quan của các cháu sau này.

Trước hết, lì xì Tết là để mừng thêm tuổi mới, tiền ấy là để cho con trẻ vui. Do vậy, người lớn không nên lì xì nhiều, chỉ cần một số lượng tượng trưng và các con cũng đừng mong nhận thật nhiều tiền. Hãy trân trọng tình cảm vì giá trị từ sự quan tâm chứ không phải là số tiền nhận được. Đã có nhiều người, đặc biệt chuyện nhân dịp Tết để “trả ơn đáp nghĩa” với sếp, số tiền lì xì có khi lên đến bạc triệu cho trẻ. Lại có người “đánh giá tính cảm” qua số tiền lì xì con mình nhận được… với các gia đình ấy việc trẻ em dè bỉu, thái độ thiếu tôn trọng với người lì xì ít chắc là lẽ thường và đương nhiên tương lai sẽ trở thành kẻ khinh miệt người ít tiền... Đây là điều rất tai hại ảnh hưởng đến nhân cách và sự thành đạt của các cháu sau này. Theo tôi, chỉ nên lì xì cho các em trong khoảng dưới 100 ngàn đồng và là tiền mới là phù hợp nhất, miễn là tiền mới và bỏ trong bao lì xì cho đúng kiểu và kín đáo vì ông bà ta vẫn dạy “Của cho không bằng Cách cho”.

Thứ hai, khi nhận tiền mừng tuổi, cần dạy cho con trẻ không chỉ nói lời cảm ơn, chúc tết mà hơn thế là lòng biết ơn những người thương yêu mình, quan tâm đến mình. Ở đời chẳng ai cho không ai cái gì, nên nhận tiền mừng tuổi thì cần ghi nhớ để sau này trả ơn. Tốt nhất là nên ghi lại tên tuổi, quan hệ và số tiền từng người lì xì cho mình, để sau này mình nhớ và tìm cơ hội đền đáp. “Hãy tưởng tượng 20 năm sau, khi con trưởng thành và lì xì lại con của các cô, chú, sẽ rất vui nếu kể lại câu chuyện con biết ngày xưa con được lì xì như thế nào”.

Thứ ba, tiền lì xì cũng là tiền từ lao động vất vả của các cô, chú, bác, ông bà mà có, nên cần biết trân trọng. Trân trọng con người và văn hóa chứ không vì số tiền bao nhiêu. Dạy các con khi cần chi tiêu thì phải hết sức cân nhắc, cân đối khoản thu và chi, không chỉ để dành để đủ dùng mà quan trọng hơn còn để xứng đáng công sức của người làm ra nó chứ không vì thế mà sinh ra tự mãn, hoang phí, không biết giá trị lao động để có đồng tiền.

Tôi sẽ tiếp tục việc đưa con đi chùa đầu năm, làm từ thiện như sự chia sẻ và luyện tập tình thương yêu với người xa lạ, khó khăn, không phải chỉ để tích đức, gieo duyên, mà còn là có niềm vui của người được cho thay vì mua sắm các món đồ chơi vô bổ, lãng phí chỉ ít ngày là chán.

Tôi sẽ dạy các con dùng phần mềm của mấy em sinh viên làm ra trong bài viết “Dạy trẻ tiêu tiền vì chính mình”, để ghi nhận đầy đủ: số thu nhận, nguồn thu, ngày thu,… để các con biết nguồn gốc và biết nhớ ơn. Tương tự, khi chi tiêu, các con cũng cần ghi đầy đủ là chi những khoản gì, bao nhiêu, lý do, và ngày chi…. Tôi sẽ cho các con thi đua xem ai ghi đúng, đầy đủ nhất và có một phần thưởng để khuyến khích. Tôi tin rằng, tập dần thói quen ghi chép thu và chi cụ thể chi tiết từ nhỏ sẽ giúp ích rất nhiều để các cháu có một thái độ đúng đối với nhu cầu và việc quản lý tiền bạc.

Tâm Quả
(Phố núi Pleiku)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm