Mục tiêu chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho 50% lao động

Quang Trường

(Dân trí) - Chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động là một trong những mục tiêu của dự thảo Đề án "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Dự thảo đề án này đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến.

Mục tiêu tổng quát của đề án này là chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề (KNN) cho người lao động, giúp hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là nhân lực có trình độ KNN cao.

Từ đó, nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng lao động Việt Nam bắt kịp, cùng tiến với các nước ASEAN - 4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines) và tiếp cận các nước phát triển.

Hơn một nửa tổ chức đánh giá kỹ năng nghề thuộc doanh nghiệp

Trong nội dung đề án, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nêu ra các mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030.

Mục tiêu thứ nhất, chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG) cho khoảng 50% lực lượng lao động. Trong đó, trên 30% lao động đạt trình độ cao có trình độ KNNQG bậc 4, 5 hoặc trình độ tương ứng. Ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, các ngành nghề kinh tế trọng điểm, ưu tiên, chương trình phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Khoảng 70% lao động đạt các bậc trình độ còn lại. Trong đó, ưu tiên lao động từ 15 đến 30 tuổi, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, lao động yếu thế.

Mục tiêu chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho 50% lao động - 1
Chuẩn hóa trình độ KNNQG cho khoảng 50% lực lượng lao động (Ảnh minh họa: Quang Trường).

Thứ hai, đảm bảo cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển KNN, học tập suốt đời cho trên 70% lực lượng lao động. Xây dựng mới và cập nhật khoảng 500 bộ tiêu chuẩn KNNQG, 500 bộ ngân hàng câu hỏi kiến thức, bài thi thực hành tương ứng từng nghề để phát triển chuẩn đầu ra theo tiêu chuẩn KNNQG, xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN.

Phát triển hệ thống gồm 200 tổ chức đánh giá KNN, trong đó có 60% tổ chức thuộc doanh nghiệp; 40% tổ chức đánh giá KNN được hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG theo hình thức trực tuyến.

Đầu tư và phát triển 3 tổ chức đánh giá KNN trọng điểm cấp quốc gia và 10 tổ chức cấp vùng; 1 trung tâm quốc gia và 3 trung tâm vùng dự báo các kỹ năng tương lai để đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ năng lao động thời kỳ mới.

Ít nhất 50 hội đồng kỹ năng ngành, nghề cấp ngành được thành lập; 50% trường cao đẳng, 50% cơ sở đào tạo khác có hội đồng kỹ năng ngành, nghề cấp cơ sở.

Đào tạo, phát triển 10.000 đánh giá viên KNNQG, trong đó khoảng 60% đánh giá viên thuộc doanh nghiệp.

50% lực lượng lao động được khảo sát, thống kê, thông tin về những kỹ năng thiếu hụt và sự thiếu hụt kỹ năng ứng với nghề nghiệp cụ thể.

Thứ ba, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao KNN gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, đảm bảo trên 90% lao động được chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Nâng xếp hạng chỉ số KNN của lực lượng lao động thuộc nhóm 80 quốc gia đứng đầu.

85% người lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN gắn với đánh giá, công nhận trình độ KNNQG có việc làm, duy trì việc làm tại doanh nghiệp. Trong đó, có 90% được doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng hài lòng về chất lượng; 90% người lao động được tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương theo trình độ KNN.

Mục tiêu chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho 50% lao động - 2
Nâng cao xếp hạng chỉ số kỹ năng lao động Việt Nam bắt kịp với các nước ASEAN - 4 (Ảnh minh họa: Quang Trường).

Thứ tư, phấn đấu để 80% lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, năng lực cơ bản; tiến tới phổ cập kỹ năng, năng lực cơ bản cho người lao động.

Định hướng đến năm 2045, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam nhằm phát triển nguồn nhân lực có trình độ KNN cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bắt kịp, tiến cùng trình độ của thế giới; nâng xếp hạng chỉ số KNN lực lượng lao động thuộc nhóm 60 nước đứng đầu, góp phần đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp được đưa ra

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp.

Nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển KNN cho người lao động trong thời kỳ mới. Trong đó có nhóm thể chế, chính sách chung và nhóm chính sách ưu tiên, hỗ trợ đối với người lao động và doanh nghiệp.

Nổi bật lên là chính sách cho vay ưu đãi và cấp phát thẻ phát triển KNN có giá trị tương đương từ 1-3 tháng lương tối thiểu vùng cho người lao động. Các mức hỗ trợ, ưu đãi tùy theo độ tuổi và nhu cầu của người lao động.

Các nhà giáo, đánh giá viên KNNQG có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG được cấp thẻ phát triển KNN 1 lần trị giá 3 tháng lương cơ sở. Các chuyên gia có kỹ năng, trình độ cao đáp ứng một số tiêu chí đưa ra sẽ được nhận mức hỗ trợ bằng 3 tháng lương tối thiểu vùng.

Chính sách cho vay ưu đãi đối với các tổ chức đánh giá KNN, giúp họ đáp ứng điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoạt động và tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG. Nhà nước đảm bảo đầu tư, phát triển đối với tổ chức đánh giá KNN trọng điểm cấp quốc gia và cấp vùng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hoặc tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ KNN tại doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG tại doanh nghiệp, thì chi phí tham gia được tính một cách hợp lý để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mục tiêu chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho 50% lao động - 3
Nổi bật là các chính sách cho vay, cấp phát thẻ phát triển KNN cho người lao động, nhà giáo, đánh giá viên, tổ chức đánh giá KNNQG (Ảnh minh họa: Quang Trường).

Thứ hai, tổ chức thông tin, tuyên truyền, tôn vinh về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chuẩn hóa và phát triển kỹ năng lao động.

Thứ tư, xây dựng tiêu chuẩn KNNQG và nâng cao năng lực hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.

Thứ năm, thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp.

Thứ sáu, phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, chuyên gia có trình độ KNN cao.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học về phát triển kỹ năng lao động Việt Nam và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động.

Cuối cùng, tăng cường kiểm tra, đánh giá, tổng kết kết quả nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm