Cửa vào đại học rộng mở, cao đẳng nghề chật vật tuyển sinh

Quang Trường

(Dân trí) - Bên cạnh một số trường cao đẳng nghề đã "về đích" tuyển sinh, còn nhiều trường vẫn đang bỏ ngỏ khả năng hoàn thành chỉ tiêu. Nguyên nhân là gì?

Nhiều trường cao đẳng nghề khó tuyển sinh đủ chỉ tiêu năm nay

Trao đổi với Dân trí, bà Phạm Thị Huyền - Trung tâm Tuyển sinh, Hợp tác doanh nghiệp và quốc tế, Trường Cao đẳng nghề Long Biên (Hà Nội) cho biết, nhà trường mới chỉ hoàn thành 80% chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.

Năm nay, hệ 9+ của nhà trường đã chốt số lượng tuyển sinh, còn hệ cao đẳng và trung cấp đối với học sinh tốt nghiệp THPT vẫn chưa "chốt sổ". Số thí sinh đăng ký vào trường không có nhiều thay đổi so với năm học trước.

Cửa vào đại học rộng mở, cao đẳng nghề chật vật tuyển sinh - 1

Giờ giảng dạy tại Trường Cao đẳng nghề Long Biên (Ảnh: Trường Cao đẳng nghề Long Biên).

Theo bà Huyền, năm nay, Bộ GD&ĐT có một số điều chỉnh trong việc tuyển sinh đại học đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của nhà trường. Hơn nữa, ngoài Trường Cao đẳng nghề Long Biên, một số trường đại học cũng tuyển sinh các ngành về may và thời trang.

"Một số trường đại học tuyển sinh nhiều đợt, điểm chuẩn không cao và họ cũng đào tạo hệ cao đẳng. Có một số trường đại học lấy điểm chuẩn ngành Dệt may chỉ từ 16-18 điểm. Nhiều thí sinh của chúng tôi cũng đạt được số điểm đó. Thậm chí, có những bạn đạt từ 23-24 điểm cũng đăng ký vào trường.

Nếu người học không biết đến những thế mạnh của trường nói chung, việc học nghề nói riêng, thì với cùng số điểm đó, họ sẽ chọn đại học thay vì cao đẳng nghề", bà Huyền nói.

Cửa vào đại học rộng mở, cao đẳng nghề chật vật tuyển sinh - 2
Công nghệ ô tô là một trong những nghề "hot" nhất năm nay (Ảnh: Quang Trường).

Tính đến giữa tháng 10, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa đã tuyển được 882 thí sinh ở cả 3 trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Chỉ tiêu tuyển sinh được giao là 1550 học sinh, sinh viên. Trong cả 2 đợt tuyển sinh, nhà trường mới đạt hơn 70% chỉ tiêu.

Nghề Công nghệ ô tô của nhà trường có số thí sinh đăng ký nhiều nhất. Hiện tại, đã có 262 học sinh, sinh viên nhập học và đang học tại trường. Nhiều năm nay, nhà trường không lo thiếu sinh viên nghề này.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, nhu cầu về mua bán, sử dụng, sản xuất, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô ngày càng tăng. Do đó, cơ hội việc làm trong nghề Công nghệ ô tô là rất nhiều. Đây là nghề có mức lương khá cao.

Tuy nhiên, khối nghề Cơ khí, Xây dựng và Phát Thanh - Truyền hình của nhà trường lại kén người học. Cụ thể, nghề Cơ khí mới có 24 thí sinh đăng ký, nghề Xây dựng có 6 thí sinh đăng ký và chỉ có 3 thí sinh đăng ký học Phát thanh - Truyền hình.

Ông Hùng lý giải, kết quả tuyển sinh của nhà trường chưa đạt chỉ tiêu do, thứ nhất, với cơ chế rộng mở của tuyển sinh và đào tạo đại học, người học có nhiều lựa chọn hơn khiến cho nguồn tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bị hạn chế.

Thứ hai, quan điểm của xã hội về GDNN chưa hoàn toàn thông thoáng, đây vẫn thường không phải lựa chọn hàng đầu của người học. Điều này ảnh hưởng tới kết quả tuyển sinh và chất lượng đầu vào của các cơ sở GDNN.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, nhà trường cũng có một số thuận lợi trong việc tuyển sinh. Đó là uy tín và chất lượng đào tạo nghề được gây dựng qua hơn 60 năm. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường có trình độ, nhiều kinh nghiệm trong GDNN.

Các ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực công nghiệp, phù hợp với những ưu tiên và định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn từ năm 2022-2025, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cửa vào đại học rộng mở, cao đẳng nghề chật vật tuyển sinh - 3
Sinh viên được chuyên gia hướng dẫn thực hành (Ảnh: Quang Trường).

Bà Trần Thị Thúy Lan - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Phú Thọ cho biết, nhà trường đang bỏ ngỏ khả năng hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh năm nay.

Năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 870, mới hoàn thành được hơn 70%. Trong 250 chỉ tiêu hệ cao đẳng, nhà trường mới tuyển được khoảng 60%.

Theo bà Lan, năm nay, theo chỉ đạo của địa phương, học sinh tốt nghiệp THCS có nhu cầu vừa học văn hóa vừa học nghề phải về trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) học. Điều này dẫn đến việc nhu cầu của học sinh lớn, nhà trường tuyển được nhiều nhưng không được dạy song bằng. Kết quả là nhiều học sinh không chọn trường nghề mà quay về TT GDTX học.

Các nghề đào tạo trọng điểm của nhà trường là Điện tử, Điện, Công nghệ ô tô, Máy lạnh và điều hòa không khí tuyển sinh được nhiều nhất. Kén người học nhất là các nghề Cơ điện nông thôn và Công nghệ chế biến chè. Đặc biệt, 2 năm nay, không có học sinh nào đăng ký học Công nghệ chế biến chè.

Vẫn có trường cao đẳng 10 năm nay tuyển sinh ổn định

Bên cạnh các trường còn chật vật tuyển sinh đủ chỉ tiêu, một số trường đã cơ bản "về đích" trong cuộc đua này.

Ông Nguyễn Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, năm nay, nhà trường tuyển được 1.400 sinh viên, trong khi chỉ tiêu được giao là 1.200.

Các ngành nghề của nhà trường cơ bản đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí và Công nghệ ô tô là những nghề "hot" nhất.

Ông Huy cho rằng, vấn đề giải quyết tốt việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là nguyên nhân dẫn tới tuyển sinh thành công. Nhà trường giới thiệu cho 100% sinh viên ra trường có việc làm, với mức lương từ 7-20 triệu đồng.

"Đã 10 năm nay chúng tôi duy trì tuyển sinh ổn định. Nhà trường đào tạo để sinh viên đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, nhận thức của người học về học nghề đã tích cực hơn nên việc tuyển sinh thuận lợi", ông Huy nói.

Năm nay, Trường CĐ Lào Cai đã tuyển được gần 800 sinh viên cao đẳng, hơn 1000 học sinh chương trình 9+, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh. Năm ngoái, nhà trường chỉ tuyển được 726 sinh viên cao đẳng.

Cửa vào đại học rộng mở, cao đẳng nghề chật vật tuyển sinh - 4
Giáo viên Trường CĐ Lào Cai trong phòng thí nghiệm (Ảnh: Lệ Thu).

Theo ông Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai, số thí sinh đăng ký học các ngành Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp và Du lịch (cả hệ cao đẳng và trung cấp) tăng cục bộ. Ngành Công nghệ ô tô và Điện công nghiệp có số thí sinh đăng ký vượt khoảng 200% chỉ tiêu.

Chỉ tiêu tuyển sinh ngành Tiếng Trung Quốc (hệ cao đẳng) là 105, hiện tại, đã có 150 thí sinh đăng ký học. Nhóm ngành Y Dược của nhà trường cũng đã khởi sắc, dự kiến sẽ tuyển đủ chỉ tiêu.

Ông Đạt thông tin, số học sinh Lào Cai tốt nghiệp THCS có nguyện vọng đăng ký khá lớn. Nhà trường đang "căng mình" giảng dạy vì số lượng giáo viên không đáp ứng đủ.

"Năm nay, công tác truyền thông, vận động nhân dân hiểu về lợi ích của học nghề đã được triển khai tốt. Nhà trường đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên, sinh viên đi thực tập cũng đã có thể kiếm tiền", ông Đạt nói.

Ông Đạt cũng đánh giá, trải qua đại dịch Covid-19, kinh tế của nhiều gia đình trở nên khó khăn. Trong số học sinh Lào Cai tốt nghiệp THPT, có hơn 4.000 em phải đi làm ngay tại các khu công nghiệp. Nếu không có khó khăn đó, nhà trường còn tuyển sinh tốt hơn nữa.

Trường CĐ Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc) cũng sắp hoàn thành công tác tuyển sinh năm nay. Bà Phạm Thị Lan Phương - Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trường đã tuyển được gần 500 thí sinh hệ cao đẳng, cơ bản đạt chỉ tiêu và 1.200 thí sinh hệ trung cấp, vượt chỉ tiêu ban đầu là 1100.

Các nghề Điện, Điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin có nhiều thí sinh đăng ký nhất. Tuy nhiên, có một số nghề kén người học hơn cả là Hàn và Cắt gọt kim loại, tuy số lượng vẫn đủ để triển khai dạy và học. Hiện tại, số thí sinh đăng ký vào các nghề này chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm