Một số quy định về tự chủ đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa

Lệ Thu

(Dân trí) - Việc triển khai tự chủ đại học, từ chính sách đến thực tiễn vẫn gặp khó, một số quy định về tự chủ đại học của Luật Giáo dục đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng thiết chế hội đồng trường hiện nay mới chỉ mang tính hình thức (do luật pháp chưa đầy đủ).

"Việc tự chủ của các trường phải tuân thủ quy định của pháp luật và theo điều lệ nhà trường. Trên thực tiễn, các cơ sở giáo dục đại học vẫn ít được trải nghiệm trong việc tự điều hành hoặc theo đuổi các mục tiêu riêng biệt bởi Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát gần như toàn bộ đối với các cơ sở giáo dục đại học cả trong vấn đề chuyên môn, học thuật cho tới tổ chức, nhân sự và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản trong nhà trường. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học còn chưa được thực hiện đầy đủ và thiếu đồng bộ", ông Thắng cho hay.

Một số quy định về tự chủ đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa - 1
Các đại biểu trong phiên thảo luận Thể chế tự chủ trong Giáo dục đại học.

Trong tham luận "Quy định pháp luật về tự chủ đại học ở Việt Nam - Những vấn đề đặt ra", PGS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội đã chỉ ra một số vấn đề vướng mắc dưới góc độ pháp lý trong quá trình thực hiện pháp luật về tự chủ đại học ở Việt Nam để tiếp tục trao đổi, nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học trong bối cảnh Luật GDĐH (sửa đổi) bắt đầu triển khai trong thực tiễn.

Một số quy định về tự chủ đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa - 2
PGS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội.

Theo bà Lan Anh, các quy định về tự chủ đại học trong Luật GDĐH (sửa đổi) tạo ra một luồng sinh khí mới cho nền GDĐH Việt Nam. Nếu như những quy định về tự chủ đại học ở Điều lệ trường đại học chỉ mang tính chất khung, ở mức sơ khai như những nét vẽ ban đầu thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã trở thành một bức tranh đầy màu sắc và khá toàn diện về tự chủ đại học trong thời kỳ hội nhập.

Cơ chế tự chủ cho các cơ sở GDĐH được thiết lập, khá nhiều vấn đề đang gây ra những điểm nghẽn về tự chủ đại học đã được tháo gỡ. Sự hào hứng, phấn khởi đón nhận của các cơ sở GDĐH cả công lập lẫn tư thục cho chúng ta niềm tin và kỳ vọng vào sự khởi sắc của GDĐH trong tương lai. Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật trong thực tế một năm và 5 tháng vừa qua cho thấy tự chủ đại học đòi hỏi các điều kiện đảm bảo vận hành phải đáp ứng thì mới phát huy được hiệu quả.

"Tuy nhiên, trên thực tế, do nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tự chủ đại học chưa đầy đủ nên một số quy định chưa được thực thi một cách hiệu quả. Trước hết, bản thân nhiều cơ sở GDĐH chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ đại học và các quyền năng mà Luật đã trao cho mình để thực hiện tự chủ. Có lẽ do quá quen thuộc với việc được "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn chi tiết, ám ảnh bởi cơ chế xin-cho và có lẽ cả lo sợ bị làm sai nên phải chờ hướng dẫn cụ thể nên giờ đây, khi các cơ hội được tự chủ, tự quyết định và tự nắm vận mệnh của chính mình đang mở ra thì một số cơ sở GDĐH vẫn còn dè dặt và chờ đợi sự hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Thực trạng đó đòi hỏi cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tự chủ đại học cho các đối tượng có liên quan từ cơ quan chủ quản đến các cơ sở GDĐH để thống nhất trong nhận thức và hành động theo đúng tinh thần của Luật GDĐH", Phó Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội nêu quan điểm.

Thứ hai, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và thống nhất khiến một số quy định về tự chủ đại học của Luật GDĐH có nguy cơ bị vô hiệu hóa, không thi hành được trên thực tế.

Theo đại biểu này, cần rà soát các quy định của Luật GDĐH (sửa đổi) để tiếp tục hoàn thiện, hướng tới xây dựng Luật GDĐH mới trong tương lai. Đồng thời, cần có giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của tự chủ đại học. Bởi lẽ, bên cạnh tác động tích cực không thể phủ nhận của tự chủ đại học đối với sự phát triển GDĐH ở Việt Nam, tự chủ đại học cũng có mặt trái và hạn chế của nó. Vấn đề là phải nhận diện những tác động tiêu cực đang và sẽ xảy ra để tìm cách hạn chế chúng.

Tác động tiêu cực rõ nét nhất của tự chủ đại học chính là dễ dẫn đến tình trạng các cơ sở GDĐH chỉ chú trọng và quan tâm đến vấn đề tự chủ tài chính, bằng mọi giá tăng nguồn thu từ học phí khi Nhà nước thay đổi cách thức sử dụng ngân sách và các nguồn lực đầu tư cho các cơ sở GDĐH, không bao cấp dàn trải như trước đây. Từ đó có thể dẫn đến việc các trường bỏ qua trách nhiệm xã hội (với người học, người sử dụng lao động và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước), tăng học phí có thể khiến người nghèo mất đi cơ hội sử dụng dịch vụ GDĐH.

GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng học viện - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Nhà nước phải giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và các cơ sở giáo dục đại học một cách căn cơ, để các trường từng bước tự chủ, buộc phải trưởng thành, tự tin bước trên con đường tự chủ vì đã được pháp luật bảo vệ.

Ông Viên bày tỏ trăn trở thực trạng hội đồng trường đang thiếu không gian để hoạt động và kiến nghị, cần trao quyền lực thật sự cho hội đồng trường, còn không chấp nhận thì hội đồng trường chỉ là tổ chức mang tính biểu tượng, tức hình thức.

Một số quy định về tự chủ đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa - 3
GS. Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện, Học viện Nông nghiệp Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Mở Hà Nội mang đến hội thảo tham luận "Cơ chế quản trị của hội đồng trường trong thực hiện tự chủ đại học". Đại biểu này nhấn mạnh, điều kiện hoàn thiện cơ chế quản trị của Hội đồng trường trong thực tiễn trước tiên là thống nhất nhận thức và hành động khi quản trị đại học tự chủ.

Trong thực tiễn, quản trị đại học tự chủ còn tồn tại một số vấn đề, phụ thuộc vào cách thức tổ chức và điều kiện thực hiện của từng cơ sở GDĐH. Nhiều ý kiến tuy khác nhau, nhưng chung một nguyên nhân, đó là chưa thống nhất giữa nhận thức và hành động trong thực hiện tự chủ.

Một số quy định về tự chủ đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa - 4
PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Mở Hà Nội.

"Thực tế đã chứng minh, khi tổ chức thực hiện có những cách hiểu và mức độ vận dụng quyền tự chủ khác nhau, dẫn đến các kết quả chưa đúng với bản chất của tự chủ. Trong đó, có những nơi vận dụng tự chủ theo thói quen cũ, chưa sẵn sàng đổi mới nên không tạo được nhiều chuyển biến. Mặt khác, lại có những nơi triển khai đổi mới quá mạnh mẽ, vượt ra khỏi thẩm quyền và các quy định liên quan.

Các tổ chức, cá nhân trong nhà trường cần nhận thức rất rõ tư duy về tự chủ, đó là tư duy phát triển, tư duy đổi mới sáng tạo, giải phóng năng lực nội sinh và tìm ra con đường phát triển phù hợp nhất với điều kiện thực tế của nhà trường. Tuy nhiên, sự đổi mới và sáng tạo này được quy định bằng hành lang pháp lý với các kỷ cương cần được tuân thủ, chịu sự giám sát nghiêm ngặt của các bên liên quan và trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch", bà Mai Hương chia sẻ.

Từ nhận thức đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện đồng bộ chức năng, thẩm quyền đã được phân công.

Đây là vấn đề lớn, cần thay đổi tư duy, xóa bỏ những thói quen cũ không còn phù hợp ở mọi cấp: từ cơ quan quản lý, lãnh đạo nhà trường đến các đơn vị thuộc trường và các cá nhân để vận hành quản trị nhà trường đúng với bản chất tự chủ.

Một số quy định về tự chủ đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa - 5

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Thứ hai, các trường phải thực hiện vai trò thực quyền trong quản trị nhà trường.

Quyền lực của Hội đồng trường được quy định rất rõ thông qua các chức năng, nhiệm vụ tại Điều 16, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018. Tuy nhiên, khi thực hiện có thể còn gặp lực cản ngay trong nội tại của nhà trường.

Có quan điểm cho rằng thể chế của Hội đồng trường là một sự dịch chuyển quyền lực, làm hạn chế quyền lực cá nhân của Hiệu trưởng, làm chậm tiến độ các quyết định tức thời đang rất hiệu quả trước đây.

Mặt khác, trong giai đoạn quá độ, có Chủ tịch hội đồng trường chưa đủ uy tín, kinh nghiệm trong quản trị đại học, thậm chí có người ở những vị trí quản lý do hiệu trưởng bổ nhiệm trước khi giữ chức danh Chủ tịch. Trong cơ cấu thành viên Hội đồng trường, một số thành viên ngoài trường và thành viên đại diện sinh viên chưa phát huy hết vai trò trong một tổ chức quyền lực gắn với trách nhiệm thực sự.

Do vậy, trước hết, cần bầu chọn một Hội đồng trường uy tín, chất lượng, đảm bảo tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ quan trọng này, đặc biệt là người đứng đầu. Thứ hai, Hội đồng trường phải vận hành tròn chức năng một cách quyết liệt nhưng tinh tế.

Nếu được như vậy, Hội đồng trường sẽ giúp Hiệu trưởng và bộ máy của Hiệu trưởng vượt qua các áp lực, cảm giác "an toàn" khi quản lý, điều hành, vì Hội đồng trường là chỗ dựa vững chắc cho hiệu trưởng, đồng thời, kịp thời giúp Hiệu trưởng tránh những rủi ro, vi phạm khi phải tự quyết định những vấn đề chưa được thẩm định, phản biện và xem xét thấu đáo.

Có như vậy, Hiệu trưởng mới giải phóng mình để làm được những việc lớn hơn, có ý nghĩa hơn cho nhà trường và xã hội. Thứ ba, Hội đồng trường hoạt động tốt, hiệu quả đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sự phát triển liên tục và bền vững của nhà trường, thực hiện đúng các cam kết xã hội và trách nhiệm giải trình với cơ quản quản lý và các bên liên quan.

Mặc khác, một yêu cầu quan trọng nữa là phải đồng bộ hóa hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước

Theo PGS.TS Nguyễn Mai Hương, trong vận hành quản trị nhà trường, cùng với các quy định trực tiếp tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số: 34/2018/QH14) và Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật 34 (Nghị định số 99/ 2019/ NĐ-CP), nhà trường phải liên quan đến nhiều các quy định của các luật khác như: Luật đầu tư công, Luật ngân sách, Luật viên chức...

Để các trường đại học tự chủ toàn diện có thể thực sự phát huy quyền tự chủ của mình mà không bị ràng buộc bởi các nội dung trong các luật còn chưa phù hợp với quá trình tự chủ, thì cần một hệ thống pháp luật đồng bộ. Nếu không sớm thực hiện việc này sẽ không tạo động lực và thuận lợi cho quá trình tự chủ, không cho phép các trường chủ động nguồn nhân lực và không tiếp cập với các nguồn đầu tư khác trong xã hội.

GS. Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, tự chủ đại học là một vấn đề còn mới ở Việt Nam. Trong giai đoạn đầu triển khai, bên cạnh việc đảm bảo đồng bộ hóa hệ thống luật pháp và các quy định liên quan, vai trò và trách nhiệm của các tổ chức đại diện chủ sở hữu của các cơ sở GDĐH phải thực hiện tốt chức năng của mình.

Một số quy định về tự chủ đại học có nguy cơ bị vô hiệu hóa - 6
GS. Nguyễn Hữu Đức - Nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo đó, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước trong hoạt động đầu tư và điều hành vĩ mô, đảm bảo sự phát triển thống nhất của hệ thống giáo dục quốc gia.

"Là đại diện chủ sở hữu trực tiếp, Hội đồng trường cần nâng cao năng lực quản trị và thực hiện tốt trách nhiệm giải trình. Các công cụ đánh giá, giám sát toàn diện các hoạt động của nhà trường, trong đó có hệ thống đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM có thể hỗ trợ tất cả các bên liên quan thực hiện việc giám sát đó", ông Đức nói.