Một số lưu ý khi ôn thi môn Sinh và Hóa học

(Dân trí) - Đối với môn Sinh học và Hóa học, việc ôn tập theo từng chủ đề, từng chương là điều cần thiết. Giáo viên Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN, ĐHQGHN) sẽ gợi ý giúp các bạn học sinh ôn tập tốt hai môn thi này.

Môn Sinh học: Không lo thiếu thời gian làm bài

ThS. Đỗ Thị Thanh Huyền - giáo viên trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN - ĐHQGHN) nhấn mạnh, để ôn tập tốt môn Sinh học thì điều đầu tiên học sinh phải liệt kê trong mỗi bài, mỗi chương các khái niệm, không nhất thiết phải học thuộc các khái niệm nhưng phải hiểu bản chất của khái niệm. Phân biệt các khái niệm với nhau.

Tìm ra điểm chung, điểm riêng giữa các sự vật, hiện tượng, quy luật... trong sinh học. Ví dụ, nên tìm ra điểm chung điểm riêng giữa các quy luật di truyền: phân li độc lập, liên kết gen, hoán vị gen với di truyền liên kết giới tính và di truyền ngoài nhân. Hoặc cần phân biệt được nội dung học thuyết tiến hóa của Dacuyn với học thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại...

Ôn tập và làm bài thi thử trắc nghiệm theo từng chủ đề, từng chương. Với cách này sẽ giúp các em hệ thống hóa kiến thức tương đối tốt, đồng thời giúp các em cọ xát được các vấn đề theo các khía cạnh khác nhau.
 
Thí sinh tươi tắn vì đề Sinh vừa sức. (Ảnh: Nguyễn Duy-Doãn Hòa)
Thí sinh trao đổi sau khi dự thi môn Sinh, kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2012.

Cũng theo cô Huyền, do đặc thù môn Sinh học có tỉ lệ câu hỏi lí thuyết thường gấp 2 lần câu hỏi bài tập, nên các em sẽ không sợ thiếu thời gian cho việc làm bài thi môn Sinh học. Vì thế, để đạt điểm cao và tránh những sai sót không đáng có, khi làm bài thi trắc nghiệm, các em cần đọc thật kĩ câu hỏi, gạch chân dưới những từ quan trọng trong câu hỏi. Với những câu hỏi không phải là câu hỏi học thuộc lòng, thì khi đọc các đáp án, các em cần phải dành thời gian để chỉ ra được câu phát biểu đó (kết luận đó) là đúng hay sai, đúng ở chỗ nào và sai ở chỗ nào. Với cách làm như vậy, các em sẽ khẳng định được chắc chắn đáp án của mình là đúng.

Môn Hóa học: Phân bổ thời gian làm bài hợp lý

Theo TS. Vi Anh Tuấn - Chủ nhiệm bộ môn Hóa học Trường THPT chuyên KHTN (ĐHKHTN - ĐHQGHN), đối với kì thi tốt nghiệp THPT, học sinh chỉ cần ôn tập theo quyển tài liệu hướng dẫn và giới hạn nội dung ôn thi tốt nghiệp.

Đối với môn Hóa, học sinh cần nắm vững tính chất lý, hóa, cách điều chế, ứng dụng của từng loại chất. Nắm vững những kĩ năng tính toán cơ bản trong hóa học. Sử dụng thành thạo các phương pháp tính nhanh như: bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn electron, đại lượng trung bình, phương trình ion... để nhanh chóng tìm kết quả chính xác. Hệ thống, xâu chuỗi các chất thành sơ đồ chuyển hóa, thường xuyên ghi chép, viết ra vở để nhớ lâu.

Sau khi hệ thống hóa được kiến thức thì làm đề thi của những năm trước để lường được độ khó cũng như phạm vi kiến thức yêu cầu, học sinh cần làm nhiều bài tập để cải thiện tốc độ làm bài.

Thầy Tuấn cũng cho rằng, khi giải một bài tập trắc nghiệm, nhất thiết phải bám sát và đối chiếu liên tục với 4 đáp án mà đề bài đưa ra, để từ đó có những nhận định đúng đắn và phù hợp… Bên cạnh đó, chú ý phân bố thời gian hợp lý cho các câu hỏi (làm nhanh câu hỏi dễ để dành thời gian cho các câu hỏi khó). Thí sinh nên lựa chọn những câu dễ làm trước và dành thời gian cho các câu hỏi khó hoặc tính toán phức tạp.

S.H (ghi)

Dòng sự kiện: Tư vấn ôn thi