Atlat không phải câu thần chú “vừng ơi mở ra”

(Dân trí) - Cần tránh tuyệt đối tư tưởng ỷ lại vào Atlat mà không học bài, không rèn luyện kĩ năng khai thác Atlat. Atlat không phải câu thần chú “vừng ơi mở ra” và thí sinh sẽ thấy tất cả trong đó…

Đó là chia sẻ của thầy Vũ Quốc Lịch - giáo viên môn Địa lý Trường THPT Hà Nội - Amterdam về cuốn Atlat Địa lý - môn Địa lý trong thi tốt nghiệp năm nay.  

Cần tránh tuyệt đối tư tưởng ỷ lại vào Atlat

Nhiều học sinh tỏ ra vui mừng với công bố các môn thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, bởi theo các em, thi Địa lí có sự trợ giúp của  Atlat - tài liệu quan trọng mà thí sinh được phép mang vào phòng thi theo quy chế thi hiện nay.

Không thể phủ nhận sự trợ giúp đắc lực của Atlat cho thí sinh, tuy nhiên gần đây đã xuất hiện sự tuyên truyền thái quá, hiểu sai lệch về khả năng trợ giúp của công cụ này.

Nhiều người hiểu trong Atlat có tất tần tật, và học sinh được mang Atlat vào phòng thi thì chỉ có việc mở ra mà … chép. Có phụ huynh khi nghe con báo kết quả thi tốt nghiệp chỉ được 6 điểm Địa lí đã tròn mắt ngạc nhiên  “sao bảo địa lí được mang Atlat vào chép mà sao điểm thấp vậy”.

Cần tránh tuyệt đối tư tưởng ỷ lại vào Atlat mà không học bài, không rèn luyện kĩ năng khai thác Atlát. Atlat không phải câu thần chú “vừng ơi mở ra” và thí sinh sẽ thấy tất cả trong đó. Không tích cực ôn luyện, thí sinh sẽ lúng túng, cộng với tâm lí thi căng thẳng sẽ không khai thác được nhiều các nội dung trong Atlat.

Thông thường câu hỏi trong đề thi địa lí là “Dựa vào Atlat và kiến thức đã học em hãy nêu …” vì vậy, thí sinh phải biết kết hợp cả hai nguồn kiến thức để làm bài. Nếu chỉ học ôn trên Atlat thì không đủ. Dựa vào Atlat, thí sinh cần khai thác các kiến thức về sự phân bố, các mối quan hệ về không gian lãnh thổ giữa các sự vật, hiện tượng địa lí để trình bày. Dựa vào kiến thức đã học là các kiến thức học sinh được trang bị về tình hình, nguyên nhân ra đời và phát triển, đường lối, chính sách, kinh nghiệm, tập quán và truyền thống sản xuất của dân cư để lập luận phân tích. Những kiến thức này không thể hiện được hoặc thể hiện không rõ trên Atlat.
 
Đề thi Địa lý không khó nhưng hơi dài
Các thí sinh trao đổi bài sau khi thi môn Địa lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. (Ảnh: Hoàng Lam)

Khi học đến bài nào, học sinh cần đối chiếu với trang Atlat liên quan để hiểu và nhớ bài hơn. Qua việc đối chiếu, học sinh biết được các địa danh số liệu nào đã được thể hiện trong Atlat để khi cần thì huy động mà không cần mất nhiều  thời gian, việc học như vậy sẽ nhàn hơn. Hầu hết các số liệu về các ngành kinh tế và các vùng kinh tế đều có trong Atlat. Nắm vững các vấn đề được thể hiện trong Atlat, thí sinh sẽ tự tin hơn. Vấn đề quan trọng ở đây là các em cần phải hiểu và biết cách phân tích các số liệu đó như thế nào.

Có các câu hỏi khai thác Atlat đơn giản mang tính tra cứu như  xác định cơ cấu ngành công nghiệp của một trung tâm công nghiệp; hay cho biết tỉnh, thành phố nào giáp biển, tỉnh nào có diện tích (hay dân số) lớn nhất, tỉnh nào có diện tích (hay dân số) nhỏ nhất…, thí sinh có thể hoàn toàn dựa vào Atlat để làm bài.

Nhưng có câu hỏi nếu học sinh chỉ trông chờ sự cứu cánh của Atlat thì sẽ không hay. Ví dụ một câu hỏi đơn giản “Dựa vào Atlat và kiến thức đã học trình bày sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta”. Kinh tế nước ta có 3 sự chuyển dịch về ngành, về thành phần và về lãnh thổ kinh tế. Nếu thí sinh có đầu tư học bài một chút lại có Atlat hỗ trợ thì giải quyết yêu cầu câu hỏi này quá dễ dàng. Ngược lại nếu chỉ biết khai thác, tìm ý qua Atlat (phải giở nhiều trang) thì sẽ rất mất thời gian.

Kết hợp giữa sách giáo khoa và Atlat khi ôn tập

Một học sinh làm bài thi Địa lí có thể không cần có Atlat mà vẫn đạt điểm cao, nhưng chắc chắn em sẽ phải bỏ ra rất nhiều công sức, vất vả học tập.

Cũng học sinh có học lực như vậy nhưng biết học thông minh, kết hợp giữa sách giáo khoa và Atlat khi ôn tập,  học nắm kiến thức cơ bản, học cách lập dàn ý cho từng vấn đề và sử dụng Atlat như công cụ trợ giúp để hoàn thành bài thi. Chắc chắn em cũng sẽ đạt điểm cao mà lại không vất vả.

Nếu học sinh chỉ học cách giải mã các kí hiệu trong Atlat rồi không cần ôn luyện gì nữa, thì khi đi thi phần lớn khả năng em sẽ chỉ được điểm trung bình.

Còn học sinh chẳng chú ý học hành, vì nghĩ rằng đã có Atlat hỗ trợ, nên cũng chẳng quan tâm xem nội dung trong Atlat có những gì thì khi đi thi dù Atlat có mở ra cũng chẳng biết đâu mà chép. Trượt tốt nghiệp vì ảo tưởng vào cái “phao” Atlat là nguy cơ thật sự với các thí sinh này.

Giữa 4 khả năng đó, thí sinh chọn gì? Quyết định chính là ở hành động của các thí sinh hôm nay.

Kỹ năng để làm bài thi môn Địa lý đạt điểm cao, thí sinh có thể tham khảo tại đây.

Vũ Quốc Lịch
Giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amterdam
Dòng sự kiện: Tư vấn ôn thi