Thanh Hóa:

Một huyện miền núi dôi dư hơn 200 giáo viên

(Dân trí) - Nhiều năm qua, “bài toán” dôi dư giáo viên tại huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vẫn chưa có lời giải, hiện có hơn 200 giáo viên bậc THCS nằm trong diện này. Trong đó, đa phần giáo viên ở các trường có tình trạng dôi dư chỉ dạy trung bình 10 tiết/tuần.

Theo kết luận thanh tra chuyên ngành giáo dục huyện Ngọc Lặc của Thanh tra Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa ngày 22/1/2014, đối với giáo viên Tiểu học cả huyện thừa 66 người, THCS thừa 204 người.

Trong đó, trường THCS thị trấn Ngọc Lặc thừa 12 giáo viên (6 GV Ngữ văn, 2 Lịch sử, 2 Sinh học, 1 Hoá học và 1 Thể dục), nhưng lại thiếu 1 giáo viên Tin học. Trường THCS Quang Trung thừa 12 giáo viên (4 Ngữ văn, 3 Toán, 2 Sinh học, 1 Lịch sử và 2 Tin). Trường THCS Ngọc Trung thừa 3 giáo viên (1Ngữ văn, 1 GDCD, 1 Họa)... Một thực tế nữa là có trường thừa 2 giáo viên Tin, lại có trường thiếu giáo viên Tin.

Trường THCS thị trấn Ngọc Lặc dôi dư 12 giáo viên.
Trường THCS thị trấn Ngọc Lặc dôi dư 12 giáo viên.

Tại các trường THCS, do số giáo viên văn hóa thừa quá nhiều nên số giờ dạy của mỗi giáo viên ít đi. Cụ thể có giáo viên chỉ dạy 8 tiết/tuần, có giáo viên dạy 12 tiết/tuần. Trong khi đó theo quy định đối với giáo viên THCS dạy 18 tiết/tuần. Do tình trạng giáo viên dôi dư quá nhiều nên có những giáo viên dạy đủ tiết.

Nghịch lý xảy ra ở đây là giáo viên dù họ muốn cũng không có tiết để dạy, trong khi đó về chế độ họ vẫn được giải quyết đầy đủ khiến cho tâm lý giáo viên không được yên tâm. Cuối năm 2012, trong cơn “bĩ cực”, UBND huyện Ngọc Lặc ban hành công văn 1149 về việc “cắt” các chế độ phụ cấp ưu đãi của ngành và các chế độ khác theo quy định hiện hành đối với giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, Công văn này đã gặp phải sự phản đối gay gắt từ giáo viên nên sau đó đã không thực hiện được.

Trở lại câu chuyện năm 2008, tại thời điểm này, theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Lặc trên địa bàn huyện ở cả bậc tiểu học và THCS còn thừa giáo viên. Nhưng ngày 3/9/2008, ông Phạm Văn Phượng (hiện là Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa) vẫn ký tuyển dụng 142 viên chức khối THCS. Ngoài ra ông Phượng còn ký thêm 215 suất giáo viên hợp đồng thời hạn 3 tháng. Việc làm này khiến ngành giáo dục và đào tạo huyện Ngọc Lặc vốn đã thừa lại càng “bội thực” giáo viên.

Hiện nay trong số 142 trường hợp vẫn còn 124 giáo viên đang công tác và nằm trong diện dôi dư. Đầu năm 2014, một số giáo viên đã được luân chuyển lên các huyện miền núi như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát…Tuy nhiên con số được bố trí luân chuyển không thấm vào đâu so với số giáo viên dôi dư tại địa phương này.

Mặc dù tình trạng dôi dư giáo viên đã xảy ra trong nhiều năm qua, nhưng đến nay, chính quyền, cũng như ngành chức năng huyện Ngọc Lặc vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Bà Phạm Thị Ngân, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ngọc Lặc cho biết: “Ngay trong năm học này chúng tôi sẽ làm. Nhu cầu ít hơn mà phải sử dụng nhiều hơn như thế thì tất nhiên ảnh hưởng đến nguồn ngân sách rồi”.

"Bảo sai trái cũng không biết, được vào biên chế là con người của ngành, chúng tôi sử dụng bình thường thế thôi, những giáo viên này vẫn lên lương, lên bậc bình thường. Nhu cầu ít hơn mà phải sử dụng nhiều hơn như thế tất nhiên ảnh hưởng đến nguồn ngân sách rồi. Nếu tính theo công thức thì dôi dư và không đủ tiết được. Quan điểm của chúng tôi không dùng từ dôi dư để chấn an anh em (giáo viên). Chúng tôi đang đau đầu, nói chung đang rất vất vả", bà Ngân phân trần.

Trao đổi với Dân trí, ông Phạm Hùng Thư, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: “Tình trạng dôi dư giáo viên là toàn tỉnh chứ không mình Ngọc Lặc, do nhiều nguyên nhân như tỷ lệ sinh ngày càng giảm xuống, số giáo viên không theo kịp sự giảm xuống của học sinh. Giáo viên văn hóa dôi dư, còn thiếu cán bộ đoàn đội, hành chính. Huyện đang có phương án chuyển sang làm hành chính và xuống cấp mầm non, điều chỉnh hài hòa giữa các trường, tổ chức dạy thêm, bồi dưỡng học sinh yếu kém nhưng không thu tiền chứ không thể cho người ta nghỉ”.

Cô Bùi Thị Cay, Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Lặc chia sẻ với PV.
Cô Bùi Thị Cay, Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Lặc chia sẻ với PV.

Theo cô Bùi Thị Cay, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Ngọc Lặc, năm học 2012 - 2013 trường dôi dư 16 người nhưng hiện nay, một số giáo viên luân chuyển và về hưu còn lại 12 giáo viên. “Theo chỉ đạo của Phòng thì số giáo viên này vẫn được bố trí đứng lớp và được hưởng lương, phụ cấp bình thường như các giáo viên khác. Giáo viên toàn trường chỉ dạy trung bình 10 tiết/tuần, thậm chí có người chỉ dạy 7 tiết/tuần. Chỉ một số môn đặc thù như Ngoại ngữ là đủ tiết”.

Cũng theo cô Cay, từ đầu năm học 2013 - 2014, để giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên, theo sự chỉ đạo của Phòng GD-ĐT, số giáo viên chưa đủ tiết thì dạy thêm buổi chiều và hướng dẫn học sinh tại nhà.

Xem ra, vấn đề giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên dôi dư tại huyện Ngọc Lặc như một bài toán chưa có lời giải. Những biện pháp mà ngành chức năng cũng như chính quyền huyện này đưa ra chỉ là giải pháp tạm thời.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm