GS Tôn Thất Tùng: Thiên tư trác việt - Tính cách mạnh mẽ (kỳ 3)

Một chiến sĩ Điện Biên Phủ, một hồn thơ

(Dântrí)- Được Bác Hồ cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế năm 35 tuổi, nhưng nhà phẫu thuật ấy không muốn rời bệnh viện lên làm việc ở cơ quan lãnh đạo Bộ. Sau này, ông không chịu đổi tấm Huân chương Kháng chiến hạng ba do Bác tặng để lấy Huân chương Kháng chiến hạng nhất.

 >> Kỳ I: Tuổi thanh xuân nhiều khám phá, sáng tạo

>> Kỳ II: “Ma Tùng” rừng Chiêm Hoá

Không chịu đổi tấm huân chương Bác Hồ tặng

Là Thứ trưởng Bộ Y tế, mỗi tháng GS Tôn Thất Tùng đi họp Hội đồng Chính phủ một lần, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ toạ. Ông không muốn chuyển lên cơ quan Bộ, mà vẫn ham làm việc tại Trường Y và bệnh viện. Vậy nên hằng tháng cứ phải đạp xe đi, về khoảng 200 cây số giữa Chiêm Hoá và Tân Trào.

Ông đã hợp tác với GS Đặng Văn Ngữ điều chế thành công thuốc kháng sinh penicillin. Đánh giá thành công ấy, Bác Hồ nói với ông:

- Bác cho phép chú chọn một huân chương nào mà chú muốn, chú tự bình bầu đi!

Vì GS Ngữ đã nhận Huân chương Kháng chiến hạng ba, nên GS Tùng đề nghị cũng được như vậy. Vàì hôm sau, Bác mời Hội đồng Chính phủ đến dự một bữa cơm thịt gà để trao huân chương cho GS Tùng.

- Chú Tùng là một ci-devant mà nay được Chính phủ Cách mạng tặng huân chương! Chú hãy cố gắng hơn nữa! - Bác nói.

Ci-devant là một từ ra đời thời Cách mạng Pháp 1789, để chỉ "người đời trước", thuộc giới quý tộc "đã bị cách mạng lật đổ"!

"Đó là kỷ niệm đẹp nhất đời tôi - GS Tùng kể. Năm 1954, sau khi trở về Hà Nội, Bộ Y tế đề nghị tôi đổi tấm huân chương hạng ba này lấy huân chương hạng nhất. Nhưng tôi từ chối! Bởi vì, đây là tấm huân chương duy nhất trong số năm huân chương mà tôi có, do chính Bác Hồ tặng tôi và cụ Tôn Đức Thắng gắn lên ngực áo tôi trong rừng sâu Việt Bắc, một vinh dự mà ngay trong mơ tôi cũng chưa hề nghĩ tới!"

Rời trường Y, xuôi dòng Lô, đi chiến dịch

Ngày 23/3/1954, GS Tùng nhận được một lá thư cho biết: Bác Hồ chỉ thị cho GS Tùng và BS Vũ Đình Tụng lên ngay Điện Biên Phủ, tham gia mổ xẻ cho thương binh. Rời Chiêm Hoá bước xuống chiếc thuyền nan để kịp đi Tuyên Quang, ông thầm cảm phục sự giản dị mà đầy hiệu lực của Chính quyền kháng chiến.

"Lúc sáng, tôi chỉ nhận được một lá thư - GS Tùng ghi. Phải nói đó là một mảnh giấy thiếu sạch sẽ, trong một cái phong bì lộn lại, với mấy câu cho biết phải đi ngay lên mặt trận, và một chữ ký quen thuộc. Thế là, chiều đến, đợi máy bay "đi ngủ", cùng đoàn mổ xẻ riêng, tôi đáp thuyền nan xuôi dòng Lô chảy xiết, vượt qua bao núi xanh, thác bạc để đến dúng giờ ở chỗ hẹn. Chúng tôi biết Chiến dịch Điện Biên Phủ sắp bước vào giai đoạn 2, ác liệt hơn...".

Đến Tuyên, có ô-tô chờ sẵn, đoàn mổ xẻ đi ngay Chợ Hiên. Qua đèo Lũng Lô, gặp hàng nghìn dân công tay cầm đuốc. Và gặp cả một đoàn dài tù binh Pháp đi ngược chiều, xanh, gầy, râu quai nón xồm xoàm, buồn bã nhìn những chiếc Mô-lô-tô-va (một loại xe tải Liên Xô thời ấy) rọi đèn pha rực sáng tiến ra mặt trận.

Ghi danh trong lán mổ tiền phương

Cuối tháng 3/1954, vượt đèo Phạ Đin (phạ là trời, đin là đất), GS Tùng đến một bản nhỏ phía bắc thung lũng Mường Thanh. Sống và làm việc trong một cái lán bên bờ suối, thâu đêm nghe tiếng suối đổ và thỉnh thoàng tiếng bom nổ gần rung cả sạp nứa. Con suối chảy giữa hai bờ đá lô nhô, um tùm cây lá, rồi đổ vào sông Nậm Rốm.

Cảnh sắc thiên nhiên nơi đây gợi nhớ vùng Bạch Mã. Thuở nhỏ, GS Tùng sống ở Huế, trong một gia đình hoàng phái, bên bờ sông Hương, trên đường đi Nguyệt Biều. Một ngôi nhà vườn rộng cách cầu Bạch Hổ vài trăm mét, trước mặt là cồn Dã Viên. Nhớ những bạn bè thời trung học, và những ngày hè chói chang, đạp xe xuôi Vỹ Dạ, ngắm hoa, hay ra Thuận An, tắm biển...

"Các bạn xưa nay đã xa rồi! Mà nhớ làm gì những ngày xưa! (...) Hướng tới tương lai!" GS Tùng ghi nhật ký vào một cuốn sổ bìa cứng màu xanh lơ mà đến nay bà quả phụ Vi Nguyệt Hồ vẫn còn giữ được.

Tiếng pháo lớn ầm ì vọng lại từ miệt Mường Thanh. Số thương binh cáng về đội điều trị 1 ngày càng nhiều. Ông ghi tiếp những dòng ngắn:

"Ngày 5/4/1954: Chuẩn bị đi thăm trọng thương. Đêm qua, mưa, nghĩ đến thương binh ở tiền tuyến dưới hào giao thông mà ứa nước mắt, nôn nao trong ruột như có cơn đau. Chưa bao giờ cảm thấy thương bộ đội như hôm nay. Sáng sớm, trời tạnh rồi. May cho các anh đang giao chiến...

Ngày 9/4: Tối qua, mưa bão. Tiếng sấm và tiếng súng hoà vào nhau. Cây đổ, đè chết 2 y sĩ, 1 sinh viên.

10 giờ: Mổ luôn một đợt để thanh toán hết các trường hợp ứ đọng. Máy bay ném bom chung quanh. Mổ xẻ, vẫn cứ mổ xẻ.

11 giờ 30: Mưa bão liên miên, làm anh em mệt. Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu. Ruồi vàng cắn đau quá! Chân ai cũng sưng vù. Thấm thía một trong ba cái khổ của miền Tây Bắc: ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên...

19 giờ: Mổ xong, buổi tối về, không nuốt nổi bát cơm! Mổ não, mệt quá, vì phải luôn tay tiêm thuốc tê, liên tục cắt gân, xương đầu. Mỏi nhức mười ngón tay, dau hết các bắp thịt. Số thương binh lên tới 700, thế mà chỉ có 6 y sĩ, 20 y tá. Anh em trong đội điều trị 1 ai cũng bã người, không ăn được cơm...".

Mưa dầm dề dai dẳng suốt ngày đêm, suốt tuần. Ngoài kia, các anh bộ đội ngâm mình trong bùn chiến hào lõng bõng.

Chuông điện thoại reng reng. GS Tùng bật dậy. Mới 0 giờ 45 phút. Chờ y tá sửa soạn dao mổ, thuốc tê, ông ngồi trầm ngâm trong gian lán trống trải, trước ngọn đèn con lung lay vì gió núi, lắng nghe tiếng suối đổ, tiếng dế kêu, tiếng chim "bắt cô trói cột". Xưa, ở Huế, ông vẫn gọi con chim này là "tre già măng mọc". Nay, anh em dân công đặt cho nó cái tên mới: "khó khăn khắc phục"...

Một anh chiến sĩ, tuổi trạc 20, nói giọng miền Trung trọ trẹ: "Bác sĩ ơi, đừng làm tui đau mà tội tui!" Bụng anh thủng, ruột thối làm cho cả ổ bụng thối theo. Tiêm hết các thứ thuốc. Mổ đến cùng. Ông quyết cứu anh!

"Nếu không có cuộc kháng chiến vĩ đại này thì có lẽ chẳng bao giờ mình thấu hiểu tinh thần anh dũng của nhân dân ta (...). Kháng chiến, chiến trường đã thay đổi rất nhiều con người mình, đã cách mạng rất mạnh mẽ tư tưởng và hành động của mình. Cách mạng đã thấm vào tình cảm mình...".

Tiếng "hoan hô! hoan hô!" vang dội núi rừng

Và sau đây là một đoạn đặc biệt quý trong cuốn nhật ký của GS Tùng:

"Ngày 7/5/1954: Anh em cho biết, Tổng Tư lệnh sắp đi thăm các đội điều trị 2, 3 và một đơn vị chiến đấu.

Đang sửa soạn ra ô-tô đi đến một bản cháy ở cây số 64 để đón anh Văn, thì bỗng nghe một đồng chí đạp xe qua nói to: "Điện Biên Phủ giải phóng rồi!" Có thể lắm? Vì từ trưa đến giờ, lạ quá, không nghe tiếng súng! Vừa ra đến đường cái, khoảng 6 giờ rưỡi chiều, thấy anh Ch. tất tả chạy đến nói: "Anh Tùng ơi, ta chiếm Điện Biên Phủ rồi!" Mình ôm chầm lấy anh Ch. và cụ Vũ Đình Tụng mà hôn. Rồi hét to: "Hoan hô! Hoan hô!" như một người điên. Trong rừng xanh có tiếng dội lại: "Hoan hô! Hoan hô!". Thôi, chạy mau về, báo cho đội điều trị 1 biết. Chạy nhanh, chạy nhanh qua suối, qua đèo!

Bước vào phân khu của đội, mình hỏi một anh đang đứng đấy:

- Anh biết tin chưa?

- Tin gì?

- Đờ Cát hàng rồi!

Anh ta bổ ngửa người ra, hét tướng:

- Thật không anh? Hoan hô! Hoan hô!

Các chị dân công từ trong rừng già chạy ùa ra đường, hét váng lên:

- Hoan hô! Hoan hô!"

Những dòng nhật ký không vẽ vời thêu dệt, ghi ngay tại chiến trường, cho ta thấy rõ hơn tầm vóc lớn lao của một chiến công.

Dịch thơ Tố Hữu ra tiếng Pháp

Tôn Thất Tùng, Phan Nhuận, Kỳ Anh, Jacques Gaucheron và Georges Boudarel là những người dịch thơ Tố Hữu ra tiếng Pháp, in trong tập Depuis (Từ ấy), do Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới) ấn hành tại Hà Nội năm 1968, với nhiều bức minh hoạ đẹp của Trần Văn Cẩn.

Những năm tháng sống ở Việt Bắc, những ngày và đêm trong lán mổ tiền phương, những con đường chiến dịch "dân công đỏ đuốc từng đoàn/ bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay/ nghìn đêm thăm thẳm sương dày/ đèn pha bật sáng như ngày mai lên"... đã để lại trong lòng nhà phẫu thuật ấy bao cảm xúc thâm trầm... Chính nhờ những cảm xúc ấy, Tôn Thất Tùng mới "sáng tạo lại" được bài thơ Việt Bắc bằng Pháp ngữ.

Khi GS Tùng còn sống, tôi may mắn được đôi lần trò chuyện cùng ông. Qua câu chuyện, tôi biết ông mê thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Và ông lấy làm tiếc rằng mình đã không sớm tập làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ! Trong những năm trẻ trung sôi nổi, ông "trót" quen gieo vần thơ Pháp!

Và, hẳn là cũng muốn gửi gắm chút tâm sự riêng tư, ông dịch bài Gửi cụ Nguyễn Du (Dédié à Nguyen Du) của Tố Hữu:

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày...

(Mille ans dans le futur rediront ton poème
Dont nous berce la voix comme une mère aimée...) 

(Còn nữa) 

Hàm Châu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm