Bình Định:

Món quà lớn nhất của thầy cô giáo "cắm bản" là học sinh đến trường mỗi ngày

Doãn Công

(Dân trí) - Nghề giáo, đặc biệt là với những thầy cô giáo "cắm bản" ở vùng sâu, vùng xa thì hạnh phúc lớn nhất là học sinh đến trường mỗi ngày.

Ngày 17/11, UBND huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) tổ chức buổi lễ gặp mặt tri ân và biểu dương 46 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển ngành giáo dục huyện trong giai đoạn 1982 - 2022.

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Thắp đèn dầu gieo chữ cho học sinh vùng cao

Gần 12 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người" ở nơi vùng cao ở xã Bok Tới (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), cô giáo Phan Huỳnh Phương Thoa, giáo viên Trường Mẫu giáo vùng cao Bok Tới, thổ lộc: "Ngày đó khó khăn lắm, còn thắp đèn dầu, soạn giáo án bằng tay, không có đường bê tông như bây giờ nên đi lại vất vả, mỗi tháng chỉ về thăm nhà một lần".

Món quà lớn nhất của thầy cô giáo cắm bản là học sinh đến trường mỗi ngày - 1

Lãnh đạo huyện Hoài Ân tri ân các thầy cô giáo vì sự nghiệp "trồng người" (Ảnh: Doãn Công).

Cô Thoa chia sẻ cô là giáo viên người Kinh đầu tiên về công tác ở xã miền núi nên có rất nhiều bỡ ngỡ.

"Khi ra trường, tôi không hình dung sẽ về giảng dạy ở một ngôi trường xa xôi như vậy. Tuy nhiên, tôi may mắn có gia đình là chỗ dựa và tôi cũng may mắn khi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phân công tôi về dạy ở đây", cô Thoa tâm sự.

Cô Thoa chia sẻ thêm, khi cô mới về công tác ở điểm trường miền núi Đak Mang rất khó khăn. Ăn uống khổ cực, ăn cá khô cả tháng. Đắp đổi lại, phụ huynh hiểu được công việc của thầy cô đã mang con chữ đến với học sinh nên dần dần hiểu và rất quý. Từ đó, cô Thoa càng thêm yêu nghề giáo.

Món quà lớn nhất của thầy cô giáo cắm bản là học sinh đến trường mỗi ngày - 2

Hạnh phục của những giáo viên "cắm bản" là học sinh đến trường mỗi ngày (Ảnh: Đinh Thị Hoại).

Với cô Đinh Thị Hoại, giáo viên Trường Tiểu học Bok Tới, có 5 năm gắn với học sinh ở đây chia sẻ: "Phương pháp dạy học hiện nay là giáo viên làm ít nói ít. Thế nhưng với học sinh miền núi thì phải giảng dạy từng em một thì các em mới tiếp thu được. Giọng của tôi khàn tiếng đến nay là vì lúc nào cũng phải nói", cô Hoại nói.

Hệ thống giáo dục phủ kín bản, làng

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Bí Thư Huyện Ủy huyện Hoài Ân, ghi nhận, đánh giá cao và gửi lời tri ân đối với các thế hệ nhà giáo đã có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp "trồng người" trên địa bàn huyện tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương.

Món quà lớn nhất của thầy cô giáo cắm bản là học sinh đến trường mỗi ngày - 3

Lãnh đạo huyện Hoài Ân tặng bằng khen cho giáo viên tiêu biểu vì sự nghiệp giáo dục (Ảnh: Doãn Công).

Bà Hạnh cho biết, đến nay, hệ thống trường học được phủ kín đến bản, làng, đáp ứng nhu cầu học tập của con em và nhân dân trong huyện. Hiện toàn huyện có 31 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt cao, 100% học sinh 5 tuổi, học sinh tiểu học được đến trường; đội ngũ thầy cô giáo vững vàng.

Dịp này, UBND huyện Hoài Ân trao tặng bằng khen cho 46 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển ngành giáo dục huyện trong giai đoạn 1982 -2022 và tri ân nguyên lãnh đạo phòng giáo dục huyện qua các thời kỳ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm