Môn học nào Bộ GD&ĐT đề xuất hạ chuẩn giáo viên, tuyển trình độ cao đẳng?
(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất cho phép tuyển dụng người tốt nghiệp cao đẳng ở những môn học mà địa phương đang thiếu giáo viên.
Đề xuất trên được nêu trong Dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố ngày 22/3.
Theo đó, Bộ đề xuất cho phép địa phương đang thiếu giáo viên và có chỉ tiêu biên chế được tuyển giáo viên có trình độ cao đẳng ở các môn lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, công nghệ, tiếng Anh, tin học, nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể hơn, hai môn tích hợp cấp THCS gồm lịch sử và địa lý và khoa học tự nhiên được tuyển giáo viên có bằng cao đẳng các ngành sư phạm vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý hoặc ngành ghép.
Riêng người có bằng cao đẳng chuyên ngành phù hợp cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định.
Tương tự, môn công nghệ cấp THCS được tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng các ngành kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp hoặc chuyên ngành phù hợp.
Môn tin học và công nghệ cấp tiểu học và môn tin học cấp THCS được tuyển giáo viên có bằng tốt nghiệp tin học hoặc chuyên ngành phù hợp.
Riêng môn tiếng Anh và môn nghệ thuật, giáo viên có bằng cao đẳng chuyên ngành tương đương hoặc phù hợp được tuyển dụng dạy ở các cấp.
Việc tuyển dụng giáo viên dưới chuẩn được thực hiện đến hết năm 2028.
Dự thảo được lấy ý kiến từ nay tới hết ngày 22/4.
Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 quy định giáo viên tiểu học, THCS và THPT phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trước đó, giáo viên tiểu học chỉ cần có bằng trung cấp sư phạm, giáo viên THCS có bằng cao đẳng sư phạm.
Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2023, cả nước thiếu 118.000 giáo viên. Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra cục bộ ở một số địa phương, tập trung ở các môn đặc thù như mỹ thuật, âm nhạc, tin học, ngoại ngữ và các môn tích hợp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại tọa đàm "Thách thức với đổi mới giáo dục" diễn ra tháng 9/2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, ngay cả các thành phố lớn như TPHCM cũng xảy ra tình trạng thiếu nguồn dự tuyển, trong đó thách thức lớn nằm ở các môn đặc thù như đã nêu ở trên.
Có địa phương thừa sinh viên cao đẳng sư phạm ra trường nhưng không tuyển dụng được do vướng quy định của Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học trở lên, điển hình là Yên Bái.
Với việc thiếu giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng cần cho phép sinh viên tốt nghiệp trường nghệ thuật bổ sung chứng chỉ sư phạm là đủ điều kiện dạy học để tăng nguồn dự tuyển cho các địa phương.
Theo số liệu thống kê về quy mô đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT, năm học 2022-2023, khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên giảm sâu tới 41,04%. Năm học 2021-2022, khối ngành này có 151.504 sinh viên, nhưng tới năm 2022-2023, số sinh viên giảm gần một nửa, còn 89.321.
Trong khi đó, khối ngành nghệ thuật là một trong hai khối ngành có quy mô đào tạo thấp nhất. Năm học 2022-2023, khối ngành này chỉ có 24.347 sinh viên, kém khối ngành giáo dục gần 4 lần.
Theo dự báo, năm học 2024-2025, cả nước thiếu 12.400 giáo viên tiểu học và 18.200 giáo viên THCS.