Mô hình giáo dục sau năm 2015 sẽ nhiều khác biệt

Chương trình giáo dục sau năm 2015 sẽ hướng đến hình thành năng lực người học thay vì tập trung vào nội dung kiến thức như hiện nay.

Chuẩn giáo dục không phải được đong đếm bằng lượng kiến thức văn hóa mà được xét trên ba phương diện là phẩm chất, kỹ năng học tập phổ quát và kỹ năng thuộc các lĩnh vực học tập.

Đây là một trong những điểm mới cơ bản của dự kiến chương trình giáo dục mới sau năm 2015 vừa được công bố tại Hội thảo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam.

Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và trẻ em Đan Mạch tổ chức sáng nay 10/12 tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đã trình bày những vấn đề chung về dự kiến đổi mới.

Theo đó, tư tưởng cốt lõi của chương trình mới là hướng đến quá trình giáo dục hình thành năng lực chung, năng lực chuyên biệt để con người có tiềm lực phát triển, thích nghi với hoàn cảnh sống, học tập, làm việc luôn biến đổi trong cả cuộc đời.

Điều này sẽ làm thay đổi một cách căn bản trong toàn bộ hoạt động giáo dục phổ thông, từ nội dung, phương pháp đến cách thức đánh giá.

Cụ thể, về phương pháp, quá trình giáo dục được tổ chức bằng các hoạt động của chính người học, tạo cơ hội hình thành và thể hiện kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Về nội dung, giáo dục tích hợp được quán triệt, kết hợp với phân hóa sâu dần để có một chương trình giảm số đầu môn học bắt buộc, tăng các môn học, chủ đề tự chọn, giúp học sinh có vốn kiến thức rộng, gắn với thực tiễn và chuẩn bị tâm thế hướng nghiệp, hướng nghề.

Phương pháp giáo dục mới sẽ gắn với chuẩn mới. Chuẩn giáo dục phổ thông được xem xét trên ba phương diện là phẩm chất, kỹ năng học tập phổ quát và kỹ năng thuộc các lĩnh vực học tập.

Về phẩm chất, gồm các tiêu chí: Tình yêu gia đình, quê hương đất nước; nhân ái, khoan dung, quan hệ thân thiện với con người và môi trường tự nhiên; trung thực trong học tập và trong các mối quan hệ; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội; tự chủ, tự tin và có tinh thần vượt khó; chấp hành pháp luật, nội quy, quy định nơi công cộng.

Năng lực chung gồm 7 kỹ năng: năng lực học tập chung, cơ bản; năng lực tư duy; năng lực thu thập (tìm kiếm, tổ chức, xử lý thông tin); năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề; năng lực giao tiếp; năng lực hợp tác; năng lực tự quản lý và phát triển bản thân.

Năng lực chuyên biệt gắn với các lĩnh vực học tập như ngôn ngữ, toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, công nghệ, nghệ thuật, đạo đức - giáo dục công dân, giáo dục thể chất.

Với tiêu chuẩn mới, cách đánh giá cũng thay đổi. Trong đánh giá truyền thống, học sinh càng đạt được nhiều đơn vị kiến thức kỹ năng được coi là có kết quả cao hơn, trong khi đánh gia năng lực thì học sinh hoàn thành được nhiệm vụ càng khó, càng phức tạp hơn sẽ được coi là có năng lực cao hơn, tức là kết quả đánh giá phụ thuộc vào độ khó của nhiệm vụ đã hoàn thành.

Cụ thể, bên cạnh việc thi cử, kiểm tra thì hệ hệ thống đánh giá mới còn có quan sát, làm báo cáo, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập.

Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, trưởng nhóm nghiên cứu về đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 thì những điểm trên đây còn ở mức phác thảo và sẽ cần thêm ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện thêm.
Theo Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm