“Mình không đứng được thì phải học được”

(Dân trí) - “Sinh ra tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng chỉ sau một đêm, tôi đã trở thành người khuyết tật. Số phận nghiệt ngã đã cướp đi đôi chân lành lặn của tôi, nhưng nó sẽ không làm tôi gục ngã. Tôi sẽ đứng lên bằng chính đôi chân tật nguyền này”.

Đó là những dòng nhật ký buồn nhưng đầy quyết tâm của em Nguyễn Văn Duy, cậu sinh viên lớp Công nghệ thông tin và truyền thông K12, Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa. Duy là con út trong gia đình có ba chị em. Bố là giáo viên Trường sỹ quan phòng hóa ở Sơn Tây đã về hưu, mẹ em ở nhà chăm sóc ông bà, nuôi các con ăn học với mấy sào ruộng.

Duy sinh ra vốn khỏe mạnh và khôi ngô. Niềm vui của gia đình cứ quấn quýt bên cậu con trai bé bỏng. Khi chưa tròn 8 tháng tuổi, Duy bị sốt cao, lên cơn co giật rồi biến chứng sang teo cơ, dần dần bị liệt nửa người bên trái. Gia đình đưa em đi khắp nơi, hễ nghe nơi nào có thuốc tốt là mẹ em lại lặn lội tìm đến, nhưng tất cả những nỗ lực của gia đình đều trở nên vô vọng. Nửa người bên trái của em đã bị liệt hoàn toàn, chân và tay phải cũng yếu đi. Các bác sĩ cho biết em bị ảnh hưởng bởi chất độc từ người bố di truyền sang. Bởi bố Duy làm việc trong môi trường thí nghiệm hóa học độc hại.

“Mình không đứng được thì phải học được” - 1
Hàng ngày Duy đến giảng đường ĐH Hồng Đức bằng đôi nạng gỗ.

Sau khi phát bệnh, sức khỏe của Duy yếu đi rất nhiều, em đau ốm triền miên và phải đi viện như cơm bữa. Cứ trái gió trở trời là bệnh tật của em lại tái phát, các cơ trong cơ thể cứ rút dần rồi teo lại. Năm lên 7 tuổi, Duy được mẹ đưa ra lớp đi học, nhưng thầy cô giáo không nhận với lý do sức khỏe em quá yếu. Nhưng khát khao được đi học cứ thôi thúc Duy, ngày nào em cũng đến đứng trước cửa lớp nhìn các bạn học bài với ánh mắt thèm thuồng. Sự kiên trì và quyết tâm của em khiến các thầy cô giáo cảm động và cho em vào học.

Buổi đầu đến lớp, Duy gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại, những ánh mắt tò mò, cười cợt của bạn bè khiến em bị tổn thương. Việc đi học và sinh hoạt của em cũng không dễ dàng. Tay em không cầm được ô hay tự lái chiếc xe lăn đi học nên phải nhờ đến bố mẹ. Nhưng không vì thế mà Duy nản chí, em luôn tự nhủ với bản thân “mình không đứng được thì phải học được, chỉ có học mới khẳng định được bản thân, thay đổi số phận và không muốn là gánh nặng của gia đình, xã hội”.

Những nỗ lực của em bắt đầu từ việc tập luyện đi lại và sinh hoạt bình thường. Hôm nào bố mẹ bận việc, Duy tự cắp sách tới trường trên chiếc nạng gỗ. Về nhà Duy chăm chỉ luyện tập. Nhiều lần được bạn chở đi học nhưng do trời mưa, đường trơn nên Duy bị té ngã. Mặc dù rất đau nhưng Duy vẫn gắng cười để bạn thấy yên tâm.

“Khó khăn nhất là mỗi lần phải leo lên cầu thang của lớp học, hay những hôm trời mưa to không ai đưa đi là em phải nghỉ học. Mỗi lần như vậy em thấy rất buồn và càng quyết tâm hơn để sau này không bị phụ thuộc vào ai nữa”, Duy tâm sự.

Thay vì kêu ca phàn nàn và than thở, Duy đã biết chấp nhận số phận và luôn phấn đấu trong học tập. 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, Duy đều đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của lớp. Năm nào Duy cũng được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi về các môn Toán, Anh, Vật Lý... nhưng do sức khỏe yếu nên em phải bỏ cuộc giữa chừng.
 
“Mình không đứng được thì phải học được” - 2
Duy luôn nỗ lực, cố gắng và chăm chỉ trong học tập.

Tuấn, người bạn cùng phòng với Duy, chia sẻ: “Tuy là một người khuyết tật nhưng Duy luôn cố gắng để không bị phụ thuộc vào ai. Ở phòng Duy tự nấu cơm và giặt giũ quần áo, chúng em bảo giúp nhưng Duy chỉ mỉm cười và nói “mình tự làm được mà”. May mắn hơn bạn ấy là em được lành lặn, nhưng những gì Duy đã làm được thật đáng để chúng em phải suy nghĩ”.

Vượt qua sự nghiệt ngã của số phận với nửa người bị liệt, Duy trở thành một sinh viên khoa Công nghệ thông tin và truyền thông của trường ĐH Hồng Đức. Năm 2009, em được nhận bằng khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa trong chương trình “Biểu dương những tấm gương có hoàn cảnh khó khăn trong học tập - lao động - sản xuất giỏi”. Duy còn được nhận quà của UBND tỉnh Thanh Hóa trong chương trình “Những tấm lòng nhân ái’ dành cho người khuyết tật vượt lên số phận”. Duy có sở thích đặc biệt với môn vẽ và chơi đàn. Lớp 1 Duy đã đoạt giải nhì cấp tỉnh môn vẽ.

Hàng ngày, mọi người vẫn thường thấy thấp thoáng bóng dáng cậu sinh viên bước đi khập khiễng bên chiếc nạng gỗ dưới sân trường.
 
“Ngồi nhìn các bạn chơi đá bóng trên sân trường, em luôn ước mình có thể chạy nhảy như các bạn. Mỗi lần như vậy em đều thấy buồn và tủi thân. Nhưng giờ em đã hiểu và biết chấp nhận số phận để phấn đấu. Em sẽ tự đứng lên bằng nghị lực với đôi chân tật nguyền này”, Duy chia sẻ.

Lan Anh - Duy Tuyên