Mẹ GS Ngô Bảo Châu: “Đột ngột dừng chương trình SGK Công nghệ là đáng tiếc!”
(Dân trí) - “Từ thực tiễn những năm học của Châu tại Trường Thực Nghiệm Hà Nội, tôi thấy điểm được nhất của chương trình Công nghệ giáo dục đó là dạy học sinh phát triển tư duy và rất thích học” - PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền, mẹ của GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Trước sự kiện bộ SGK lớp 1 Công nghệ Giáo dục do GS. Hồ Ngọc Đại làm chủ biên không vượt qua thẩm định, đồng nghĩa với năm học sau chương trình sẽ không được áp dụng tại các trường phổ thông, PGS. Trần Lưu Vân Hiền - mẹ của GS.Ngô Bảo Châu cho rằng chương trình dừng đột ngột như vậy là đáng tiếc, nếu được có thể áp dụng nhiều bộ sách để phụ huynh tham khảo, lựa chọn.
Cũng theo PGS Hiền, hiện tại chương trình Công nghệ Giáo dục đã mở rộng ra mấy chục tỉnh có trường thực nghiệm, áp dụng chương trình Công nghệ Giáo dục, được đón nhận. Thậm chí, có cô giáo dạy trường Thực nghiệm Hà Nội khi về hưu mở trường Công nghệ giáo dục, chỉ sau một năm đã rất đông phụ huynh cho con theo học. Như vậy, có thể thấy cách dạy, cách học mà phụ huynh đã tin tưởng chứ không phải vì cá nhân nào như Ngô Bảo Châu mới tạo ra sức hút như vậy.
Chia sẻ về câu chuyện hồi con đi học trường Thực Nghiệm Hà Nội, mẹ của GS. Ngô Bảo Châu kể, hồi ấy được người quen chỉ giúp có ngôi trường mới, dạy theo phương pháp “hay lắm”, nên quyết định cho Châu vào trường. Hồi đó, hàng ngày Ngô Bảo Châu được ông ngoại đạp xe đạp sáng đưa đi, chiều đón về là chủ yếu, quãng đường cũng khá xa từ Hàng Bài đến tận Giảng Võ. Hồi đó, trường học bán trú, khác hẳn với các ngôi trường khác.
Trường Thực Nghiệm Hà Nội theo chương trình do GS. Hồ Ngọc Đại biên soạn theo chủ trương dạy logic về việc học, chứ không phải là học thuộc lòng. Chủ trương của GS. Đại là không ép học sinh phải gò bó trong lớp học, thậm chí ngồi xuống gầm bàn chơi đùa cũng không sao. Đối với môn Toán, không cần cộng trừ, nhân chia mà diễn giải theo các cách khác nhau để ra kết quả…
Theo bà Hiền, chủ trương của thầy Đại là không ép học, cũng không nhiều yêu cầu đối với học sinh, bởi theo ông, đã có máy tính rồi, không nhất thiết phải viết chữ đẹp. Có máy tính rồi, không nhất thiết phải cộng trừ, nhân chia nhiều… Học đi học là để vui, để phát triển tư duy, năng lực là chủ yếu.
GS Ngô Bảo Châu và mẹ (Ảnh: NVCC).
PGS. TS Trần Lưu Vân Hiền chia sẻ: "Cũng chính triết lý và cách học này lại khá phù hợp với Châu, bởi vì hồi mẫu giáo, Châu cũng đã có tố chất thông minh rồi, các cô giáo trường mầm non coi là “viên ngọc” trong hội thi, hội diễn của giáo viên. Thậm chí, đến lúc lên 4 tuổi Ngô Bảo Châu đã biết đọc, biết viết.
Khi vào lớp 1, được học phương pháp như vậy, rất thích đi học, ngồi học trong lớp, rất thích học, các đoàn vào thăm lớp là luôn giơ tay đầu tiên, đến nỗi muốn được gọi vừa giơ vừa lắc tay để gây sự chú ý để được gọi phát biểu. Châu thích học đến nỗi mỗi lần mẹ “dọa” không cho đi học là sợ lắm."
Theo đánh giá của PGS. Hiền, phương pháp dạy và học của trường Thực nghiệm rất phù hợp với Ngô Bảo Châu, cho dù sau này lên lớp 5 Châu chuyển sang học trường khác để phát huy tố chất của môn Toán, tại ngôi trường mới, Châu còn phải luyện lại chữ viết, làm Toán theo các bước giải tuần tự… song chính việc học phát triển tư duy thời tiểu học đã hình thành nên Ngô Bảo Châu sau này.
“Theo cảm nhận của tôi, các bạn của Châu - những học sinh khóa đầu tiên trường Thực Nghiệm Hà Nội ai cũng thành đạt, tất nhiên không phải là tất cả, nhưng nhiều lắm. Mà mọi người yêu quý trường, hàng năm đều tụ họp lại về trường, tự hào về trường.
Tôi không phải là nhà nghiên cứu sâu về chương trình, nhưng cái mà điểm phù hợp là không dạy học sinh nhồi nhét, để học sinh phát triển tư duy là điểm rõ nét của trường Thực Nghiệm Hà Nội.
Hiện nay, ở nước ngoài vẫn có trường thực nghiệm, như ở Chicago (Mỹ) chẳng hạn, vẫn có trường có các lớp thực nghiệm theo chương trình nào đó... Vậy nên, theo tôi nghĩ, chương trình phổ thông cần có những bộ sách chính, còn lại sẽ là những bộ sách để phụ huynh, học sinh lựa chọn, tham khảo, miễn sao đạt được tiêu chuẩn của học sinh tiểu học đề ra” - PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền chia sẻ.
Anh Minh