Mẹ bị lừa mua đất nên quyết không cho con học ngành bất động sản
(Dân trí) - Đặt nguyện vọng vào ngành bất động sản, Tuấn nghe nhiều người nói ngành này cần gì học đại học, còn mẹ em cho rằng đây là nghề... "lừa đảo".
Mẹ mua đất bị hớ, nói con học nghề... lừa đảo
Sau nhiều cân nhắc, mới đây em N.T.Tuấn, ở Long An đặt nguyện vọng vào ngành bất động sản một số trường đại học ở TPHCM.
Tuấn cho biết, với điểm thi tốt nghiệp môn tổ hợp 23,5, em có khá nhiều lựa chọn nghành nghề. Trong đó, Tuấn đặt nguyện vọng ưu tiên vào ngành bất động sản và tự tin mình chỉ chờ đến ngày thông báo trúng tuyển.
Nói về lựa chọn này, cậu học trò 18 tuổi thật tình cho biết, em chọn nghề bắt đầu từ sự tò mò. Ban đầu, Tuấn nghĩ sẽ học quản trị kinh doanh nhưng cách đây hai năm em chuyển hướng khi chứng kiến sự sôi sục của thị trường đất đai ngay nơi mình sống.
Tuấn thấy người người nhà nhà đi buôn đất, thậm chí chú bác của em còn bỏ việc đi làm "cò". Em vô cùng ngạc nhiên khi mảnh đất vườn nhà mình từ vài chục triệu hoặc trăm triệu đồng lại có lúc nhảy lên cả tỷ đồng, rồi giờ lại "nằm chết" không ai hỏi tới.
Những sự việc này làm Tuấn thật sự bị kích thích, em không ngừng tìm kiếm thông tin, tài liệu về bất động sản. Càng đọc em càng thấy thích thú, cuốn hút và quyết định theo đuổi lĩnh vực này.
Khó khăn nhất của Tuấn là trước giờ, cậu chưa quen ai theo học về ngành này để tham khảo, mọi người xung quanh đều làm "cò đất" tay ngang. Chưa kể, khi biết Tuấn chọn học nghề lạ, nhiều người lắc đầu "cái này cần gì phải học, ai chẳng làm được".
Mẹ Tuấn là người phản đối kịch liệt nhất, bà muốn con trai phải học những ngành nghề quen thuộc. Cản con không xong, bà mỉa mai: "Học cái gì không học, học cái nghề... đi lừa đảo".
Theo Tuấn, mẹ mình có trải nghiệm khá tiêu cực về nghề con đang chọn có thể xuất phát việc bà bị một người quen "gạ" mua đất với giá cao, giờ bị hớ không bán được.
Bất động sản là ngành không cần học hành gì vẫn có thể bán nhà bán đất là cách hiểu của rất nhiều người về lĩnh vực này. Điều đó làm nhiều bạn trẻ không khỏi băn khoăn và cả hoang mang trước lựa chọn nghề nghiệp.
Tại chương trình hướng nghiệp tổ chức ở Trường THPT Gia Định, TPHCM cách đây không lâu, một học sinh đặt vấn nhiều người quen của em không hề qua trường lớp, đào tạo nhưng vẫn làm bất động sản "ngon ơ". Có người còn bỏ công việc chuyên môn để đi bán nhà bán đất rồi phất lên ầm ầm.
Có mong muốn theo đuổi lĩnh vực này một cách nghiêm túc, em học sinh hoang mang, liệu chăng ở nghề này không cần phải học hành gì nhiều, không cần qua trường lớp đào tạo, chỉ cần nắm thông tin sơ sơ là có thể... hành nghề kiếm tiền?
Thiếu nhân lực được đào tạo chuyên môn
Một chuyên gia bất động sản phân tích, có sự hiểu sai lệch hay coi thường ngành học bất động sản không phải là điều khó hiểu. Điều này phần nào xuất phát từ thực tế nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này rất đông nhưng đa phần là đội ngũ "cò", còn những người được đào tạo chuyên nghiệp rất hiếm.
Theo bà, rất nhiều người thất nghiệp, không tìm được việc cũng đi làm bất động sản với tâm lý tạm bợ, không có mục tiêu. Có thời điểm, nhiều người còn bỏ việc chính thức đi bán nhà đất theo kiểu "làm một lô, ăn cả đời".
Điều này đã làm nên bức tranh không mấy sáng sủa cũng như cách nhìn sai lệch về ngành bất động sản.
Theo chuyên gia tư vấn tuyển sinh trường đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM, hơn 80% học sinh tưởng rằng học ngành bất động sản ra là chỉ để đi bán đất, bán nhà... như hình ảnh mọi người hay gọi là "cò đất".
Ông nhấn mạnh, đây là cách hiểu chưa đúng, bán đất chỉ là một phần công việc trong ngành bất động sản. Lĩnh vực này còn rất nhiều mảng chuyên ngành như đầu tư, xây dựng và phát triển bất động sản, kinh doanh và dịch vụ bất động sản...
Dự báo nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm của ngành bất động sản khoảng 12.400 - 13.200 người, chiếm khoảng hơn 4% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 78,76%. Nhiều báo cáo cũng chỉ ra, nhu cầu nhân sự cho lĩnh vực bất động sản hiện đang xếp thứ 7/11 các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao.
Về nhân lực có chuyên môn ngành bất động sản, các chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp phải tự đào tạo hoặc tuyển đội ngũ nhân lực từ nước ngoài về.
Đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay, riêng tại TPHCM có hàng loạt trường đại học đã tham gia đào tạo ngành/chuyên ngành bất động sản như tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM.. .
Tại các trường, bất động sản là một trong những ngành có điểm chuẩn trúng tuyển ở mức khá, cao.
Chẳng hạn như tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM, năm nay điểm chuẩn trúng tuyển ngành bất động sản theo phương thức đánh giá năm lực là 800 điểm; tại Trường Đại học Tài chính - Marketing điểm chuẩn ngành này lần lượt là 25-27,5-710 theo các phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT, xét tuyển kết quả THPT theo tổ hợp môn và xét theo điểm đánh giá năng lực.