Ngành bị gọi là "vô dụng" có điểm sàn cao, thí sinh cẩn thận... trúng gió
(Dân trí) - Nhiều ngành học bị Tiktoker bêu rếu là vô dụng ở các trường có mức điểm sàn xét tuyển cao hoặc cào bằng, thí sinh cần cẩn trọng tránh "trúng gió".
Những ngày qua, hàng loạt trường đại học công bố điểm sàn theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tại nhiều trường, một số ngành từng bị các Tiktoker gọi khắp mạng xã hội là những ngành "vô dụng" như quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing, quản trị nhân sự... có điểm sàn xét tuyển cao ở top đầu.
Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, điểm sàn xét tuyển thấp nhất 16 và cao nhất 20 thì các ngành bị gọi "vô dụng" đều rơi vào nhóm cao nhất.
Cụ thể, ngành ngôn ngữ Anh, quản trị kinh doanh, marketing tại trường này chỉ nhận hồ sơ xét tuyển từ mức điểm 20.
Tương tự, tại Trường Đại học Mở TPHCM, các ngành trên cũng thuộc nhóm có điểm sàn top đầu.
Ngành ngôn ngữ Anh và ngành quản trị kinh doanh tại trường này cùng có điểm sàn 20, còn ngành marketing và ngành quản trị nhân lực nằm trong nhóm những ngành có mức điểm sàn cao nhất là 22.
Tại nhiều trường khác có các ngành bị gọi tên nói trên, điểm sàn xét tuyển được công bố theo mức chung cho tất cả các ngành của trường, không phân biệt điểm sàn giữa các ngành.
Theo thông báo của Trường Đại học Kinh tế TPHCM, điểm sàn xét tuyển theo phương thức điểm tốt nghiệp THPT vào trường là 20 cho tất cả ngành, các chương trình đào tạo.
Trường Đại học Tài chính - Marketing TPHCM công bố mức điểm sàn cho tất cả các ngành là 19 điểm; còn tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, mức điểm sàn 18 được áp dụng chung cho tất cả các ngành.
Tuy trường đưa ra khung điểm sàn chung nhưng các chuyên gia tuyển sinh cảnh báo, mức điểm chuẩn có thể có sự chênh lệch lớn giữa các ngành.
Đối chiếu điểm chuẩn các phương thức tuyển sinh khác vào các trường nói trên, có thể thấy các ngành quản trị kinh doanh, ngôn ngữ Anh, marketing, quản trị nhân sự có điểm trúng tuyển ở mức cao.
Như ở Trường Đại học Kinh tế TPHCM, điểm chuẩn theo phương thức học sinh giỏi/phương thức tổ hợp môn và điểm đánh giá năng lực của ngành marketing lần lượt là 73-74-930 điểm, tiếng Anh thương mại lần lượt là 62-63-845 và ngành quản trị nhân lực lần lượt là 60-66-865.
Tại Trường Đại học Tài chính - Marketing TPHCM, điểm chuẩn 2023 theo các phương thức xét học bạ/xét kết quả học tập theo tổ hợp môn và phương thức kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, ngành marketing có mức điểm chuẩn dẫn đầu với lần lượt 28-28,7-870; ngành quản trị kinh doanh là 27-28,2-780, ngành ngôn ngữ Anh dễ thở hơn với mức điểm 26,5-27,5-710.
Năm 2022, tại trường này, ngành quản trị kinh doanh có điểm chuẩn là 25, ngành marketing là 26,7, ngành ngôn ngữ Anh là 23,6 theo điểm tốt nghiệp THPT.
Tại Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, điểm chuẩn trúng tuyển năm 2022 theo điểm tốt nghiệp THPT của ngành quản trị kinh doanh là 25,35, ngôn ngữ Anh 22,56. Theo điểm thi đánh giá năng lực điểm chuẩn 2 ngành này lần lượt là 875 và 834, đều nằm ở nhóm cao.
Thời gian trước, trên mạng xã hội, các Tiktoker liên tục gọi tên, hô hào về những bằng tốt nghiệp đại học "vô dụng" về một số ngành nói trên ít nhiều gây hoang mang cho học sinh.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ, trên mạng có không ít clip thường nói về vấn đề tuyển sinh "bậy bạ", nhiều người "tư vấn" về ngành nghề nhưng không hiểu về ngành nghề đó có thể tác động tiêu cực đến học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề.
Ông Sơn nhấn mạnh, các thí sinh cần lưu ý, các Tiktoker nói lên trải nghiệm cá nhân, cũng có thể đúng cho một vài trường hợp nhưng không đúng cho tất cả.
Còn thực tế, theo học ông Sơn, học ngành nào cũng sẽ có người thế này thế kia, quan trọng nhất là bạn có thật sự nghiêm túc với việc học, luôn có ý thức trau dồi kiến thức, học đi đôi với hành để rèn luyện các kỹ năng thực tế. Còn một khi người học thiếu các yếu tố này thì theo bất cứ ngành nghề nào cũng sẽ thành vô dụng.
Chuyên gia tuyển sinh tại một trường đại học ở TPHCM lưu ý, thí sinh đừng nghe theo trên mạng tư vấn hướng nghiệp, chọn nghề không có cơ sở; tránh nhầm tưởng "trên mạng nói vậy" về một số ngành nghề thì sẽ ít người đăng ký vào nên điểm chuẩn sẽ giảm.
Học sinh tin theo "nghe nói" có thể rơi vào tình trạng "trúng gió".
Bà nhấn mạnh, thí sinh chọn nguyện vọng cần tập trung vào kết quả thi của mình, đối chiếu với điểm chuẩn của các ngành mình yêu thích ở các năm trước cũng như ước lượng bằng việc đối chiếu điểm chuẩn vào ngành đó qua các phương thức xét tuyển khác để đánh giá mức độ cạnh tranh.