“May mà nhà trường mở lại dịch vụ bán trú”

(Dân trí) - Sau một ngày cắt dịch vụ bán trú, hôm nay các trường tiểu học ở TP Nam Định sẽ tạm thời khôi phục lại cho dù vẫn chưa có sự điều chỉnh về mức tiền ăn. Nguyên nhân dẫn đến trường phải hành động như vậy là do UBND TP Nam Định yêu cầu.

Phụ huynh vẫn nơm nớp lo

Hôm qua 3/1, chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản đúng vào giờ tan học buổi sáng của học sinh (HS). Cảnh tất tả chạy đón con về ăn cơm trưa rồi lại đưa đi học buổi chiều khiến phụ huynh nào cũng cảm thấy mệt mõi. Tuy nhiên điều khiến phụ huynh yên tâm phần nào khi trên bảng thông báo trước cổng trường có ghi Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố và Phòng GD-ĐT thành phố, ngày mai 4/1 nhà trường tạm thời vẫn tổ chức ăn nghỉ bán trú cho học sinh lúc chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên.

Chị Lan có con đang học ở ngôi trường này tâm sự: “May mà nhà trường mở lại dịch vụ bán trú. Khi nhận được thông báo nhà trường cắt dịch vụ này vợ chồng tôi đã lên các phương án khác nhau để đón con. Sau khi cân nhắc quyết định vợ chồng đón con xen kẽ nhau nhưng mới sau một ngày đã thấy không ổn”.
 
“May mà nhà trường mở lại dịch vụ bán trú” - 1

Sau một ngày cắt dịch vụ bán trú các trường phải gượng ép thông báo mở lại nhưng thông báo từng ngày một. (Ảnh chụp tại trường tiểu học Trần Quốc Toản trưa ngày 3/1)

Giải thích về việc vợ chồng xen kẽ đón con, chị Lan “dí dỏm” bật mí: “Chia ra như vậy để còn dễ xin lãnh đạo cơ quan cho nghỉ trưa sớm hơn thường lệ. Nếu chỉ tập trung vào một người mà ngày nào cũng xin về sớm thì e rằng không ổn”.

Trong khi đó, gia đình chị Hạnh (có con đang học ở Trường tiểu học Phạm Hồng Thái) khi nghe mở lại dịch vụ bán trú thì hoan hỉ ra mặt. Mặc dù không làm cơ quan nhà nước mà chỉ ở nhà mở cửa hàng nhưng cảnh cho con ăn trưa ngót cả tiếng đồng hồ cộng thêm trò “uốn éo” của cô con gái cưng khiến chị mệt nhoài sau một ngày nhà trường cắt dịch vụ bán trú.

“Ở trường cô giáo nói cháu ăn cơm ngay và sau đó đi ngủ, mọi sinh hoạt đều có giờ giấc. Bên cạnh đó với việc được ăn uống với các bạn cùng lớp nêu cháu cũng ăn được nhiều hơn chứ ở nhà như hôm nay cả tiếng mà ăn được có xét bát cơm. Thú thực nếu mà cắt dịch vụ này thì mọi sinh hoạt của cháu sẽ bị đảo lộn và ảnh hưởng đến kết quả học tập” - chị Hạnh bộc bạch.

Khi được chúng tôi hỏi các trường thu tiền ăn như thế nào thì hợp lý, nhiều bậc phụ huynh đều đồng quan điểm với mức thu hiện tại là hơi thấp, ấn định ở mức khoảng 20.000-22.000 đồng/HS/ngày thì hợp lý hơn.

“Chúng tôi không hiểu sao UBND tỉnh lại ban hành văn bản như vậy, trên thực tế khoản thu thỏa thuận này lâu nay không có gì khiến phụ huynh chúng tôi bức xúc. Mọi việc đang suôn sẻ lại “đẻ” ra cái văn bản nên mọi chuyện lại trở thành rắc rối” - phụ huynh tên Hà bực mình chia sẻ.

Mặc dù các trường đã thông báo mở lại dịch vụ bán trú nhưng phụ huynh vẫn nơm nớp lo bởi trường chỉ tổ chức từng ngày một chứ không khẳng định là duy trì những ngày sau đó. Chính vì thế ai cũng tính đến phương án dự phòng.

“Kiểu này chắc mình phải nhờ bà ngoại ở dưới quê lên đưa đón cháu trong giai đoạn “thấp thỏm” này. Hi vọng UBND tỉnh sớm đưa ra quyết định để ổn định dịch vụ bán trú cho các cháu để phụ huynh chúng tôi đỡ khổ” - chị Lan than thở.

Nhà trường “oằn mình”

Theo tìm hiểu của chúng tôi sau khi nhận được thông tin các trường cắt dịch vụ bán trú từ tháng 1/2012, UBND thành phố Nam Định đã “chỉ thị” cho các trường qua điện thoại yêu cầu tiếp tục duy trì.

Cô Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Viết Xuân cho biết: “Khi nhận được chỉ thị chúng tôi không thể bố trí ngày được dịch vụ bán trú vào ngày 3/1. Ngày hôm này sẽ cố gắng mở lại để phục vụ HS Thú thực vì cấp trên chỉ đạo thì chúng tôi phải thực hiện, chứ với mức tiền thu như vậy thì cũng chưa biết phải chế biến thế nào đây”.
 
“May mà nhà trường mở lại dịch vụ bán trú” - 2

Trường mở lại dịch vụ bán trú, phụ huynh đỡ cảnh tất tả đón con.

Cũng theo cô Hạnh: "Hiện nay có một số phụ huynh nghĩ các trường gặp khó khăn, người không hiểu chuyện thì cho rằng việc các trường cắt dịch vụ bán trú là nhằm "ép" phụ huynh nhằm tạo ra phản ứng chống lại quy định về việc quản lý thu trong các cơ sở giáo dục mà UBND thành phố ban hành. Tuy nhiên nếu đặt vào địa vị là người nội trợ thì thiết nghĩ họ sẽ hiểu được việc làm của chúng tôi. Tất cả đều là vì sức khỏe của HS để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Nếu cứ “cố” kiểu này thì nhà trường không thể yên tâm được".

Nhằm tìm hiểu cách giải quyết trong thời gian tới, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Minh Thắng - Chánh văn phòng, người được quyền phát ngôn với báo chí của UBND TP Nam Định. Ông Thắng cho biết, hiện tại thì UBND thành phố đã báo cáo lên tỉnh và tỉnh củng đã chỉ đạo cho Sở tài chính và Sở GD-ĐT ngồi lại để bàn bạc thống nhất chắc thời gian tới sẽ có thông báo mới.

“Tôi nghĩ chắc chắn là phải nâng mức tiền ăn lên thôi chứ cứ với mức hiện tại khó mà chế biến được suất ăn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ” - ông Thắng nêu quan điểm.

Nguyễn Hùng