Mang điện vào rừng cho những đứa trẻ Raglai học tập

(Dân trí) - Nhà lọt thỏm giữa đại ngàn bao la, không đường và không điện, ánh sáng duy nhất mà bé Kato Thị Khiễng dùng học tập là chiếc đèn pin sạc. Lúc đèn hết pin, Khiễng phải lội bộ 40 phút đường rừng để ra chợ sạc pin cho đèn, rồi lại lội bộ về để đêm có đèn mà học…

Những căn nhà giữa rừng thẳm

Ở huyện miền núi Bác Ái của tỉnh Ninh Thuận, hoàn cảnh như Kato Thị Khiễng không phải là hiếm. Chỉ riêng 2 xã Phước Thành, Phước Đại đã có hàng trăm hộ đang định cư tại các mảnh rừng già cạnh rừng quốc gia núi chúa phải sống trong cảnh không đường, không điện như nhà Kato Thị Khiễng.

Mặc dù điện lưới quốc gia đã về đến 100% các thôn ở huyện miền núi này nhưng do tập quán canh tác của đồng bào Raglai, họ vẫn đi sâu vào các cánh rừng cách các thôn bản đến hàng chục km để phát nương làm rẫy, làm nhà sinh sống trong các thung lũng, trên những ngọn đồi… Mỗi hộ cách nhau hàng km, không hề có đường dân sinh mà chỉ đi lại bằng đường rừng, băng đèo, lội suối nên chính quyền địa phương không thể đầu tư kéo điện về cho các hộ dân nơi đây.

điện cho raglai (1).jpg

Cha con anh Chamalé Triều bên “ngôi nhà” của mình

điện cho raglai (2).jpg
Tài sản quý giá nhất trong nhà này là 2 chiếc xe đạp chỉ dùng được trong mùa khô, vì mùa mưa nước suối dâng cao, không đi xe qua được

 

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, cùng đoàn thực hiện chương trình Thắp sáng buôn làng đến thăm các gia đình chưa có điện ở 2 xã Phước Thành và Phước Đại, chúng tôi phải băng qua hàng loạt đèo dốc trên những tuyến đường mòn, lội qua những con suối, đi bộ cả chục km đường rừng mới đến nơi cần đến. Qua những dấu chân ấy, cuộc sống nghèo khó của người dân nơi đây cứ hiện dần ra và thắc mắc “tại sao đến bây giờ vẫn còn có hộ không có điện sinh hoạt” mới dần được lý giải rõ hơn.

Anh Chamalé Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết: “Xã Phước Thành có 5 thôn không tập trung gồm Ma Nai, Ma Dú, Suối Lớ, Đá Ba Cái và Ma Rớ. Dân tộc Racglai chiếm 96%. Toàn xã có 890 hộ, trong đó có 439 hộ nghèo và 219 hộ cận nghèo. Hệ thống điện đã được đầu tư kiên cố. Các hộ thì đã có điện sử dụng hết rồi, nhưng vẫn còn một số hộ do làm rẫy trên rừng, trên núi và họ sinh sống ở đó để canh giữ nương rẫy. Do các hộ đó ở quá xa nên không thể nào kéo điện tới được”.

điện cho raglai (3).jpg
Đường vào nhà các hộ dân này chỉ là những lối mòn giữa rừng sâu
điện cho raglai (4).jpg
Đầy dốc đứng
điện cho raglai (5).jpg
Và suối chắn ngang

Lội bộ 2 tiếng mới có đèn pin để học

Bé Hè nói: "Mấy năm nay con chỉ học bài bằng đèn pin, đèn pin hơi mờ nên khó đọc chữ lắm. Có khi đang học giữa chừng lại bị hết pin".

Nhà đầu tiên chúng tôi đến là nhà của anh Chamalé Triều (37 tuổi, thôn Ma Dú, xã Phước Thành). Mọi người trong đoàn đều ngỡ ngàng khi anh chỉ đây là “ngôi nhà” của mình. “Ngôi nhà” đó đúng nghĩa là một cái chòi, rộng khoảng hơn 6m2, được che chắn bởi những tấm tôn, bạt và vải cũ mèm.

Anh Triều kể: Sau khi lấy vợ và ba đứa con lần lượt ra đời, không thể ở chung nhà vợ do quá chật và nhiều người, hai vợ chồng anh lên rẫy, dựng “nhà” này để ở. Vì xa khu dân cư và không có tiền kéo dây điện nên nhiều năm qua gia đình anh chỉ dùng đèn pin để thắp sáng.

điện cho raglai (6).jpg
Nhà chị Katơ Thị Vớt (mẹ bé Kato Thị Khiễng, học sinh lớp 3 trường tiểu học Phước Thành A) thì "khá" hơn nhà anh Triều vì... có thêm mấy chân cột
điện cho raglai (7).jpg
Vì quá xa khu dân cư nên không kéo đường điện vào được, ánh sáng duy nhất của các hộ này là những chiếc đèn pin sạc được treo giữa nhà như thế này

Sau khoảng 10 phút, đoàn đã lắp xong cho gia đình anh Triều chiếc máy phát điện năng lượng mặt trời nhỏ được chương trình Thắp sáng buôn làng hỗ trợ. Sau khi được hướng dẫn cách sử dụng, đèn được bật sáng lên, anh Triều và bé Hè (con gái anh Triều) đều vui mừng vì nhà đã có điện.

Bé Hè nói: “Mấy năm nay con chỉ học bài bằng đèn pin, đèn pin hơi mờ nên khó đọc chữ lắm. Có khi đang học giữa chừng lại bị hết pin. Bây giờ có điện như thế này, con vui lắm, con sẽ cố gắng học giỏi hơn”.

Anh Triều cũng nói trong niềm vui: “Lâu nay, gia đình sử dụng đèn pin để chiếu sáng vào buổi tối cho con học. Ngày nào cũng đem đèn pin về làng sạc, nhưng có khi đang học giữa chừng thì hết pin, tội con lắm. Rồi điện thoại hết pin cũng không có điện sạc, chủ gọi đi làm thì không liên lạc được, nay có điện như thế này thì rất là vui!”.

Ánh sáng duy nhất trong nhà là đèn pin và mỗi ngày phải mang đèn xuống làng sạc vào buổi sáng, đến chiều tối đem về để dùng là hoàn cảnh chung của các hộ sống trong cánh rừng này. Đặc biệt, có những hộ nằm quá sâu trong rừng, đường sá khó khăn phải đi bộ lại càng vất vả hơn.

Điển hình như gia đình chị Katơ Thị Vớt (mẹ bé Kato Thị Khiễng, học sinh lớp 3 trường tiểu học Phước Thành A), nhà nằm khá sâu trong rừng thuộc thôn Ma Dú. Từ quốc lộ 27B phải đi hết 1 con dốc, băng qua nương rẫy và nhiều con suối nhỏ, chúng tôi mới tới được nhà chị.

Chị Vớt chia sẻ: “Nhà ở xa quá, không có điện, chỉ dùng bằng đèn pin, nhà cũng không có xe đạp, ngày nào cũng mất 40 phút để đi bộ xuống làng để sạc pin, có mà dùng vào buổi tối cho con học, khổ lắm!”.

Sau khi được lắp đặt và hướng dẫn sử dụng máy phát điện năng lượng mặt trời, trực tiếp bật công tắc, bóng đèn sáng lên, gia đình chị Vớt phấn khởi vô cùng. Anh Chamelé Song (chồng chị Vớt) vui mừng nói: “Cảm ơn các anh chị rất nhiều! Từ nay không phải mất công đi bộ để sạc pin nữa mà vẫn có điện cho con gái học rồi. Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều!”.

điện cho raglai (8).jpg
Đoàn công tác lắp đặt hệ thống sản xuất điện năng lượng mặt trời cho các hộ dân
điện cho raglai (9).jpg
Nghe tin nhà Kato Thị Khiễng được lắp điện, bà con xung quanh háo hức đến xem và ao ước nhà mình cũng được lắp

Thêm ánh sáng vì tương lai cho trẻ Raglai

Trong chương trình Thắp sáng buôn làng năm nay tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận), đoàn được một doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương tài trợ 30 máy phát điện năng lượng mặt trời để cài đặt cho 30 hộ nghèo nằm sâu trong rừng, có con em đang ở độ tuổi đi học tại 2 xã Phước Đại và Phước Thành; trong đó, xã Phước Đại có 10 hộ và xã Phước Thành là 20 hộ.

Dù phải vượt suối băng rừng cả ngày trời mới lắp đặt hết cho 30 hộ này nhưng anh Ca Mau Khánh - Phó chủ tịch UBND xã Phước Đại, vẫn hồ hởi và nuối tiếc vì xã của anh có đến 442 hộ nghèo, trong đó có đến 35 hộ nằm trong rừng sâu chưa có điện mà chỉ mới có 10 hộ được lắp.

Anh Khánh tâm sự: “Xã tôi vẫn còn nhiều hộ ở xa khu dân cư không có điện sinh hoạt. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm những chương trình như thế này để giúp bà con nơi đây!”.

điện cho raglai (10).jpg
Với bà con ở sâu trong rừng, hệ thống điện mặt trời rất tiện dụng, đầu tư ít mà lợi ích nhiều
điện cho raglai (11).jpg

Đại diện đơn vị tài trợ hướng dẫn bà con cách sử dụng

Còn ông Phạm Nam Phong - đại diện đơn vị tài trợ, thì lại tiếc vì đơn vị chỉ có thể hỗ trợ mỗi hộ 1 hệ thống năng lượng mặt trời nhỏ, chỉ đủ để cung cấp điện thắp sáng và sạc điện thoại vì kinh phí hạn chế. Tuy nhiên, ông Phong hy vọng món quà này sẽ giúp được những đứa trẻ Raglai sống trong rừng thẳm này có được chút thuận lợi để học tập, đổi đời.

Ông Phong chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn góp phần giúp bà con nơi đây thuận lợi hơn trong cuộc sống. Đặc biệt là giúp các em học sinh có điều kiện và động lực để học tập tốt hơn, hướng các em đến một tương lai tươi sáng hơn!”.

điện cho raglai (13).jpg
Niềm vui trong ánh mắt khi đèn được bật sáng của bé Chamale Thị Kim (học sinh lớp 4) và mẹ cùng em trai
điện cho raglai (14).jpg
Chỉ với tấm pin năng lượng mặt trời nhỏ như thế này cũng đủ cho người dân thắp sáng đèn, sạc pin điện thoại và dùng các vật gia dụng nhỏ khác

 

Còn với 30 hộ đồng bào Raglai ở huyện Bác Ái được nhận máy phát điện năng lượng mặt trời năm nay, đó không chỉ là những bóng điện thắp sáng đơn thuần mà còn là ánh sáng ấm áp giúp cuộc sống của họ thoải mái hơn, sáng sủa hơn, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán đã cận kề.

Đức An

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục