Lý do TPHCM kiên định muốn giữ môn tiếng Anh trong kỳ thi lớp 10

Q.Huy Hoài Nam

(Dân trí) - Đứng đầu ngành giáo dục TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thể hiện kiên định muốn giữ môn thi tiếng Anh trong kỳ thi lớp 10 của thành phố.

Nội dung này được ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nêu tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 20 của HĐND thành phố, chiều 9/12.

Lý do TPHCM kiên định muốn giữ môn tiếng Anh trong kỳ thi lớp 10 - 1

Ông Nguyễn Văn Hiếu (Ảnh: Hữu Khoa).

"Tôi, với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục thành phố kiên định tham mưu UBND TPHCM tiếp tục thi vào lớp 10 bằng tiếng Anh cho đến khi Bộ GD&ĐT cho phép thành phố tự quyết định. Mình định hướng như vậy để đảm bảo sự ổn định trong việc dạy và học", ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, nhiều đại biểu và người dân đang rất quan tâm đến kỳ thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT theo chương trình mới bắt đầu từ năm 2025.

Đặc biệt là học sinh lớp 9, thời điểm này đang rất "rối" khi chưa biết phương án chọn môn thi thứ 3 trong kỳ thi lớp 10 như thế nào khi Bộ GD&ĐT chưa "chốt" phương án cuối. 

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, nhiều năm qua TPHCM tổ chức thi tuyển vào lớp 10 công lập với ba môn toán, văn, ngoại ngữ.

Trong đó, với riêng môn tiếng Anh, Chính phủ hai lần có đề án vào các năm 2008 và 2018 với trọng tâm đây không chỉ là môn học mà còn là ngôn ngữ. Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đã có kết luận từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Theo ông Hiếu, nhận thức về ngoại ngữ của người dân TPHCM rất tốt, học sinh không chỉ học để thi mà còn đầu tư cho con em học từ xa, từ sớm. Điều này giúp thành phố đạt được nhiều kết quả tốt trong các kỳ thi tiếng Anh. Do đó, nếu không có quyết định, quyết sách đúng thì việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường có thể khó được đầu tư đúng mức. 

Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cũng chia sẻ, khi học sinh xong lớp 9 là các em đã có nền kiến thức cơ bản đối với tất cả các môn học. Phụ huynh không nên quá lo lắng về lựa chọn môn thi nào, tránh áp lực cho con cái.

Đồng tình với ý kiến này, ông Dương Anh Đức, Bí thư quận 1, TPHCM cho rằng TPHCM phải là địa phương đi đầu và làm sớm trong việc phấn đấu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai theo chỉ đạo từ Trung ương.

Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, TPHCM thành công sẽ góp phần giúp đề án quốc gia thành công. Thành phố cần có đề án riêng để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai. Việc này cần có lộ trình như đơn vị, địa phương, trường nào có điều kiện sẽ thực hiện trước sau đó nhân rộng, cùng kéo các địa phương lên.

Theo ông Dương Anh Đức, từ cơ sở này, TPHCM sẽ chủ động đề xuất với Bộ GD&ĐT để tự chủ trong việc tổ chức các kỳ thi đầu, cuối cấp trên tinh thần phù hợp với sự phát triển của ngành giáo dục và điều kiện của thành phố.

Lý do TPHCM kiên định muốn giữ môn tiếng Anh trong kỳ thi lớp 10 - 2

TPHCM muốn giữ môn tiếng Anh trong kỳ thi lớp 10 (Ảnh: Hoài Nam).

Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo dự thảo từ Bộ GD&ĐT phương án thi lớp 10 của Bộ GD&ĐT, kỳ thi sẽ diễn ra với hai môn toán, văn và một môn thứ 3 phải được thay đổi qua các năm nhằm hướng đến giáo dục toàn diện. Môn này được công bố trước ngày 31/3 hàng năm, tránh cho học sinh học lệch.

Bên cạnh ý kiến đồng tình với phương án trong dự thảo, không ít ý kiến cho rằng, việc thay đổi môn thi thứ ba hằng năm và đến ngày 31/3 mới được công bố khiến các trường và học sinh bị động, tăng áp lực học tập ở nhiều môn.

Được biết, phương án thi lớp 10 sẽ được công bố trong tháng 12 này theo lịch dự kiến trong Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD&ĐT.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học được đề cập tại Kết luận số 91- KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành giáo dục.

Kết luận đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh với nội dung trọng tâm: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học...".

Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành giáo dục cũng đặt ra yêu cầu: "Nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học"