Luyện thi cùng gia sư thủ khoa
Thí sinh có thể hỏi và học 24 giờ/7 ngày trong tuần với thầy giáo, được chăm sóc chế độ ăn đặc biệt với cấp dưỡng riêng, học phí chỉ thanh toán sau khi đỗ đại học... đó là những nét cơ bản về lớp học “gia sư thủ khoa”.
Lớp học đặc biệt này do một nhóm sinh viên (đều là thủ khoa đậu vào các trường đại học, đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và Olympic quốc tế) đang triển khai tại Hà Nội.
Giao “gà” trọn gói
Tháng cuối cùng ôn thi là cao điểm mệt mỏi với thí sinh thi đại học, có khi một ngày chạy ba “sô” khắp thành phố. Vậy tại sao không có một “lò cao cấp” ở đó các em vừa có thầy giỏi, ăn ngủ tại nơi học, không phải đi lại nhiều? Đinh Quang Cường, sinh viên K48 khoa Kinh doanh quốc tế - Đại học Ngoại thương Hà Nội chia sẻ với nhóm bạn sinh viên gia sư của mình ý tưởng này, và thế là lớp học gia sư cao cấp ra đời.
Cường cho biết, mô hình được triển khai từ năm ngoái với lớp học được trang bị hai phòng rộng: một để ở và học, một cho sinh hoạt ăn uống và cấp dưỡng ở, các phòng đều có máy điều hoà. Hàng ngày các em sẽ dậy từ 5 giờ 30, thể dục và ăn sáng, học chia ba ca sáng - chiều - tối ứng với các môn toán, lý, hoá. Đội ngũ thầy giáo đều là những gia sư uy tín như Minh Thông (thủ khoa Đại học Ngoại thương 2009), Hà Khương Duy, Nguyễn Hoàng Hải (lần lượt đoạt huy chương vàng, huy chương bạc Olympic toán quốc tế 2009), Thành Hưng (giải nhất Hóa quốc gia 2009) cùng trưởng nhóm Đinh Quang Cường. Không chỉ đỡ chi phí và thời gian đi lại, thí sinh sẽ được “giao lưu” cùng thủ khoa 24/24 giờ, thậm chí có thể hỏi bài bất kỳ lúc nào.
Chi phí trọn gói để được “sống cùng thủ khoa” cho một tháng học nước rút là 6 triệu đồng. Cường cho biết: “Nếu vì mục đích thương mại thì bọn em đã không làm như vậy. Hiện mỗi cá nhân đi dạy ngoài đều được trả 300.000 - 500.000 đồng/2 giờ/lớp. Tuy nhiên, chúng em muốn giúp sức cho các em mở thêm cánh cửa vào đại học vốn rất hẹp”.
Minh Thông, người đạt điểm tuyệt đối 30 trong kỳ thi 2009 cho biết, để đạt được thành tích cao trong các kỳ thi, không chỉ cần kiến thức mà phải biết kỹ năng làm bài, cách trình bày. Nếu các em được chăm sóc tốt, có chế độ ăn, nghỉ phù hợp, tiếp thu bài mạch lạc và cố gắng thì trong một tháng có thể tăng 1,5 - 2 điểm/môn.
Để tham gia khoá học, thí sinh sẽ phải qua ba lần kiểm tra. Các gia sư sẽ ra đề thi khó hơn so với đề bình thường. “Có nhiều đại gia muốn gửi con cho bọn em ôn nhưng bọn em từ chối vì học lực các em quá kém, rất khó có thể thay đổi kết quả trong vòng một tháng”, Thông nói. Lý giải về việc tại sao không sang nhà dạy các em để khỏi chuẩn bị cấp dưỡng rồi thuê nhà, Cường cho biết, các em trong một năm học phải đối diện với nhiều sức ép, có khi còn đến từ sự chăm sóc, kỳ vọng thái quá của phụ huynh. Nên việc để các em sống cùng nhau, chia sẻ với các anh đi trước sẽ giúp các em có tâm lý thoải mái trước kỳ thi.
Nguyễn Hoàng Hải, huy chương bạc Olympic toán quốc tế 2009, chia sẻ: “Bọn em đều là sinh viên năm thứ nhất, hoặc bảo lưu kết quả, học tiếng Anh để chuẩn bị đi du học nên có nhiều thời gian. Những kết quả chúng em đạt được trong các kỳ thi là tổng hợp của những kinh nghiệm suốt cấp ba, qua mô hình gia sư này sẽ truyền lại cho các em. Đặc biệt, ngoài giúp các em ôn thi, việc cùng ăn cùng ở, việc tiếp xúc hàng ngày từ thói quen học, đọc, cách làm bài, cách tư duy đề tài... sẽ là tấm gương cho các em học tập. Nếu sang năm mô hình được tiếp tục nhân rộng, em sẽ thu xếp về tham gia”.
Niềm vui và sự trưởng thành
Cô Linh (mẹ của một trong những học sinh đầu tiên của lớp, hiện đang học học viện Ngân hàng) cho biết, ban đầu cô rất lo lắng, nhưng khi thấy con vui vẻ, chăm chỉ học hành và trên cả là đạt kết quả như mong muốn thì cô quá đỗi vui mừng.
Bốn “gà” của lò “gia sư thủ khoa” năm ngoái hiện đang theo học Đại học Bách khoa, học viện Ngân hàng, Đại học Mỏ địa chất và đại học Chu Văn An - “kết quả thi của các em là niềm vui khôn tả của chúng em”, Cường chia sẻ.
Kể về hành trình những ngày đầu, Cường tâm sự: “Tháng 6 là mùa ôn thi tại Hà Nội, không ai cho bọn em thuê nhà một tháng mà chỉ cho thuê theo ngày, còn không, phải thuê ba tháng trở lên. Bí quá em đành vào nhà nghỉ hỏi và việc để các em vào nhà nghỉ ôn thi cũng khiến bọn em phải mất rất nhiều công thuyết phục phụ huynh” (cười).
Minh Thông bật mí, sau mùa tiếp sức, với số tiền được phụ huynh biếu cảm tạ, nhóm sẽ dành để làm từ thiện, đồng thời tổ chức một chuyến du lịch nhỏ để chia tay lên đường du học. Các năm tới, do thời gian nghỉ hè trùng với thời gian ôn thi ở Việt Nam, nên các bạn du học vẫn có thể tranh thủ về làm gia sư cho các em.