Luật sư phân tích: Vì sao cha của bé gái 8 tuổi tử vong do bạo hành bị bắt?

Mai Châm

(Dân trí) - Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng việc Viện KSND quận Bình Thạnh (TPHCM) ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Kim Trung Thái - cha của bé gái tử vong do bạo hành là có căn cứ.

Bắt khẩn cấp cha bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong là có căn cứ

Sáng nay, Viện KSND quận Bình Thạnh (TPHCM), cho biết cơ quan này vừa phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, ngụ quận 1). Ông Thái bị bắt khẩn cấp để điều tra do liên quan đến vụ Nguyễn Võ Quỳnh Trang (25 tuổi, quê Gia Lai, vợ sắp cưới của ông Thái) bạo hành làm cháu N.T.V.A. (8 tuổi, con ruột ông Thái) tử vong.

Đối với việc người cha trong vụ việc bé gái 8 tuổi tử vong do bạo hành bị bắt, Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) nhận định: "Việc cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái, là cha ruột của cháu bé bị bạo hành tử vong không phải là chuyện lạ, vấn đề này đã được nhiều luật sư đưa ra và kiến nghị trước đó".

Luật sư phân tích: Vì sao cha của bé gái 8 tuổi tử vong do bạo hành bị bắt? - 1

Đối tượng Trang tại căn hộ xảy ra vụ việc (Ảnh Công an cung cấp).

Theo thông tin ban đầu từ phía sự việc thì người "dì ghẻ" đã đánh đập cháu bé nhiều lần, nhiều ngày, để lại nhiều thương tích trên cơ thể cháu bé. Cha ruột của cháu bé là người sống chung nên không thể không biết về sự việc.

Luật sư cho rằng, đến nay, cơ quan điều tra có thể đã có chứng cứ chứng minh người đàn ông này có vai trò trong vụ án nên quyết định bắt khẩn cấp. Từ những tình tiết của vụ án được dư luận biết tới và lời khai của Quỳnh Trang, luật sư Đặng Văn Cường nghiêng về giả thiết người cha đóng vai trò đồng phạm.

Theo quy định của pháp luật thì người giúp sức sẽ là đồng phạm trong cùng một vụ án. Đồng phạm là có từ hai người trở lên cùng ý chí thực hiện tội phạm. Bởi vậy để kết tội người đàn ông này thì cơ quan tố tụng phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh người đàn ông này có cùng ý chí với người phụ nữ đó để gây ra thương tích, thiệt mạng cho cháu bé. Hành vi giúp sức có thể thể hiện là tạo những điều kiện vật chất, tinh thần thuận lợi như chuẩn bị hung khí, công cụ gây án, chuẩn bị thời gian, tạo điều kiện về tinh thần thuận lợi để đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến người bị hại.

Luật sư Đặng Văn Cường tiếp tục phân tích: Ngoài hành vi giúp sức để đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong các vết thương để lại trên cơ thể nạn nhân, có vết thương nào do chính người bố trực tiếp thực hiện hành vi gây ra hay không, vết thương đó có phải là nguyên nhân dẫn đến cháu bé tử vong hay không, để xác định người cha này còn có vai trò là người thực hành - trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội hay không.

Theo quy định của pháp luật, đồng phạm trong vụ án hình sự có thể thể hiện ở các vai trò khác nhau nhưng người khởi xướng, người thực hành, người giúp sức và người xúi giục, tất cả các hành vi khởi xướng, chủ mưu, thực hành, xúi giục đều được xác định là đồng phạm, cùng bị xử lý về một tội phạm.

Vấn đề quan trọng trong vụ án này là cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng sát thương của hung khí mà các đối tượng này sử dụng, tư thế, động tác và hành vi gây thương tích cụ thể diễn ra như thế nào. Đồng thời xác định nhận thức, ý thức chủ quan của đối tượng đã thực hiện hành vi đánh cháu bé như thế nào. Mối quan hệ giữa hành vi đánh đập với hậu quả cháu bé tử vong có mối quan hệ nhân quả như thế nào để xác định yếu tố lỗi trong hành vi vi phạm pháp luật.

Đến nay, kết luận của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chết là do phù phổi cấp, về các vết thương bầm tím gây ra. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai gây ra những vết thương này, vì sao cháu bé lại bị tổn thương ở phổi như vậy.

Bởi vậy, trường hợp kết quả điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng nhận thức được rằng hành vi có thể gây ra thương tích cho nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì sẽ chuyển tội danh sang tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với chế tài được quy định tại khoản 4, điều 134 bộ luật hình sự (Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người).

Trong trường hợp kết quả điều tra cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi đánh người, đối tượng nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, thực tế cháu bé đã tử vong thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố người đã đánh cho bé về tội giết người theo khoản 1, điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong vụ án này, hung khí gây án có kích thước như thế nào, tư thế động tác và lực đánh như thế nào, nhận thức ý thức chủ quan của đối tượng thực hiện hành vi đánh người như thế nào là những yếu tố rất quan trọng để xác định hành vi là cố ý gây thương tích hay giết người.

Luật sư phân tích: Vì sao cha của bé gái 8 tuổi tử vong do bạo hành bị bắt? - 2

Người thân làm lễ tưởng niệm cháu A. vào tối 27/12 (Ảnh: A.X.).

"Hành vi đánh đập cháu bé tàn nhẫn đến chết, tra tấn như thời trung cổ như vậy không thể xử lý vào tội hành hạ người khác theo điều 140 Bộ luật Hình sự được mà phải xử lý về tội cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả chết người) hoặc tội giết người mới phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi nguy hiểm và phù hợp với hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân", luật sư Đặng Văn Cường nêu.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ quá trình hành hạ, đánh đập cháu bé, việc sử dụng roi mây, gậy gỗ được thực hiện như thế nào, những vết thương trên cơ thể cháu là do hung khí nào gây ra, đối tượng nào thực hiện hành vi. Nhận thức, ý thức của đối tượng thực hiện hành vi đánh đập cho bé như thế nào. Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng nhận thức được hành vi có thể gây ra thương tích hoặc có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ chuyển tội danh.

Cần có những giải pháp tăng cường bảo vệ trẻ em

"Đây là một vụ án gây rúng động xã hội, gây lo lắng hoang mang trong cộng đồng. Bởi vậy ngoài việc lên án các đối tượng gây án, cần phải thực hiện tốt hơn các giải pháp phòng ngừa để tránh những nạn nhân tiếp theo có thể xảy ra.

Mỗi khi xảy ra vụ việc trẻ em bị sát hại, bị bạo hành, xâm hại thì cộng đồng xã hội bức xúc, phẫn nộ nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, vẫn tiếp tục những nạn nhân tiếp theo, cộng đồng lại phẫn nộ... rồi mọi chuyện lại chìm vào dĩ vãng, tiếp tục những nạn nhân tiếp theo, tính mạng, sức khỏe của trẻ em thường xuyên bị đe dọa, quyền trẻ em thường xuyên bị xâm hại...

Một xã hội văn minh, tiến bộ, công bằng thực sự thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó rõ nét nhất là Quyền trẻ em được ghi nhận đảm bảo như thế nào, ở mức độ nào", luật sư cho hay.

Qua thống kê những con số về việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bị sát hại ở Việt Nam trong những năm qua cho thấy đã đến lúc cần tăng cường hơn nữa các biện pháp để bảo vệ trẻ em. TS. LS Đặng Văn Cường cho rằng nên thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp như:

1. Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ Quyền trẻ em.

2. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là pháp luật về Quyền trẻ em cho trẻ em, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo và cộng đồng xã hội để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền trẻ em, sao cho mọi người đều nhận thức được các quyền trẻ em, hình dung được cái giá phải trả khi xâm hại trẻ em và sao cho trẻ em ý thức và có tự bảo vệ mình ở những mức độ, tình huống cụ thể.

3. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các đảm bảo để thực hiện quyền trẻ em trên thực tế, tránh tình trạng "quyền trẻ em trên giấy" mơ hồ, khó nhận thức, không khả thi, không thể vận dụng...

4. Kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức và các cán bộ có nhiệm vụ, chức năng bảo vệ trẻ em. tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, trình độ năng lực nghiệp vụ và thẩm quyền cho các lực lượng bảo trợ trẻ em để họ thực hiện tốt nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đồng thời cũng gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em.

Nếu có trẻ em bị sát hại, bị bạo hành, xâm hại trong phạm vi quản lý thì cá nhân, tổ chức quản lý phải chịu trách nhiệm kỷ luật, xử phạt hành chính và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Không thể để cả xã hội cào bàn phím mỗi khi trẻ em bị xâm hại nhưng không ai chịu trách nhiệm rồi đâu cũng vẫn vào đó... tiếp tục thêm các nạn nhân mới.

5. Xây dựng những lực lượng chuyên trách để bảo vệ trẻ em ở các cấp độ tư vấn hỗ trợ, phòng ngừa, can thiệp, trong đó có lực lượng cảnh sát chuyên trách bảo vệ trẻ em, chỉ cần có nghi vấn trẻ em bị xâm phạm quyền là can thiệp ngay.