Nghi án bé 7 tuổi bị xâm hại tại trường học:
Luật sư đề nghị niêm phong chiếc camera bị mất dữ liệu
(Dân trí) - Từ một số nhận định ban đầu của cơ quan điều tra quận Thủ Đức thông tin trong cuộc họp báo ngày 13/3 về nghi án bé 7 tuổi bị xâm hại tại trường, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TPHCM) đã đưa ra ý kiến phản bác. Trong đó tập trung nhiều vào chi tiết chiếc camera bị mất dữ liệu.
Kết quả điều tra giống hoàn toàn báo cáo của nhà trường
Trong buổi họp báo chiều 13/3, Thượng tá Đoàn Văn Phê, Phó Trưởng Công an quận Thủ Đức, TPHCM giải thích về việc camera số 4 (trong số 8 camera lắp đặt ở trường) bị mất dữ liệu trong khoảng thời gian từ giờ nghỉ trưa đến đầu giờ chiều cùng ngày mà gia đình phản ánh bé bị xâm hại là do do nữ lao công của trường, trước khi ra về giờ nghỉ trưa, đã vô ý ngắt cầu dao nguồn điện camera số 4 chung với hệ thống điện ở hội trường.
Ông Phê cũng khẳng định, cơ quan điều tra đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ chuyên môn, điện lực xác định nguyên nhân này.
Ngay từ ngày đầu diễn ra sự việc đau lòng với con gái, chị C. rất quan tâm đến chi tiết dữ liệu camera đúng ở vị trí con mình, đúng thời điểm cháu kể mình bị xâm hại tại trường học vào ngày 14/2 bị mất dữ liệu. Cụ thể dữ liệu bị mất vào lúc 11h18 đến 12h22 mà chị thấy bất thường. Để kiểm tra chị đã xem các camera khác vào thời điểm trên thì đều có dữ liệu bình thường.
Trong ngày cùng cơ quan công an làm việc với nhà trường, chị C. đã đặt câu hỏi về chiếc camera số 4 cho hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh nhưng ông hiệu trưởng không trả lời.
Từ ngày nộp đơn tố cáo lên cơ quan công an quận Thủ Đức, thấy cơ quan điều tra không liên lạc, thông tin gì đến mình, nhiều lần chị C. chủ động liên hệ để hỏi về tiến độ, đặc biệt là về nguyên nhân dữ liệu bị mất ở chiếc camera số 4.
Và hai lần chị đến hỏi, phía công an đều trả lời... đang yêu cầu nhà trường báo cáo nguyên nhân bằng văn bản. Đến lần thứ 3 chị lên hỏi, thì phía công an nói nhà trường đã trả lời bằng văn bản, nguyên nhân là vì cô lao công dập cầu dao, mà cầu dao này không nối với các máy khác, chỉ nối với camera số 4.
Lúc đó, chị có hỏi lại, có tên cụ thể của cô lao công không thì được phía công an trả lời là có nhưng chị không được tiếp cận với văn bản báo cáo của nhà trường.
Thông tin này chị C. đã chia sẻ với nhiều phóng viên báo chí trước khi cơ quan điều tra công bố kết quả. Ngay trong buổi sáng 13/3, khi đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM kêu cứu, chị C. cũng nhắc lại sự việc.
Như vậy, kết quả điều tra về nguyên nhân mất dữ liệu của chiếc camera số 4 của công an Thủ Đức hoàn toàn trùng khớp với báo cáo của nhà trường.
Ngày 14/3, luật sư Nguyễn Văn Đức, người bảo vệ quyền lợi của bé gái, con chị C. cho biết, sau khi đến trường cùng cơ quan điều tra vào ngày 15/2 xem lại toàn bộ hệ thống camera tại trường, chị C. khẳng định chiếc camera số 4 chạy hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, ở thời điểm lúc 11h18 đến 12h22, đúng với thời gian bé kể mình bị người xấu làm hại của ngày được cho là xảy ra vụ việc màn hình bỗng nhiên bị đen thui, không có hình ảnh.
Trước và sau thời điểm này, camera phát hình ảnh hoàn toàn bình thường. Chính vì vậy, luật sư Nguyễn Văn Đức đánh giá, cơ quan điều tra nói do cầu dao tổng bị cúp điện, camera không ghi được hình ảnh là chưa chính xác.
Ông Đức bức xúc nêu quan điểm đối với chi tiết của camera số 4, cơ quan Công an dựa vào lời giải thích của trường đưa ra nguyên nhân mà tại sao lại không tiến hành niêm phong và giám định, thậm chí cần thiết thì sẽ khôi phục dữ liệu camera số 4? Bởi đây là những dữ liệu vô cùng quan trọng, ghi vào đúng thời điểm xảy ra vụ việc đối với nạn nhân.
“Các bộ phận nghiệp vụ của Bộ Công an hãy vào cuộc để hỗ trợ, cần phải niêm phong lại camera số 4 này ngay lập tức, đưa đi giám định và cần thiết phục hồi dữ liệu, thì mọi việc sẽ rõ ràng” – luật sư Nguyễn Văn Đức đề xuất.
Gia đình không bất ngờ với kết quả giám định
Với kết quả giám định ban đầu mà cơ quan công an công bố là màng trinh của bé L. không bị rách, không phát hiện thấy có tinh trùng trong âm đạo, luật sư Nguyễn Văn Đức cho biết việc này hoàn toàn bình thường, không có gì ngạc nhiên. Ngay sau khi sự việc mới xảy ra, khi bé được đưa vào Bệnh viện Từ Dũ khám, các bác sĩ đã nhận định là màng trinh của bé không bị rách.
Đối với kết quả không phát hiện thấy có tinh trùng trong âm đạo, vị luật sư bảo vệ quyền lợi của bé gái giải thích bé đi học về đã tắm rửa, đến tối chị C. mới phát hiện sự việc và đưa con vào Từ Dũ kiểm tra. Khi cháu tắm đã bị xóa dấu vết là bình thường.
Ông Đức cũng nhận định nếu nói cháu bị té như Phòng GD-ĐT Thủ Đức nhận định hay là cháu tự làm mình chảy máu là không thể xảy ra. Vết xước của bé L. nằm sâu bên trong vùng kín, mà cơ chế gây ra việc té ngã, hay việc bị xâm hại là hoàn toàn khác nhau. Việc này cơ quan điều tra chỉ cần tổ chức giám định sẽ thấy ngay.
Ngoài ra, ông Đức cũng bày tỏ trong vụ việc này, liên quan đến tội lạm dụng trẻ em, Công an quận Thủ Đức vào cuộc quá chậm. Nhất là kết quả giám định pháp y đối với bé gái cũng mất cả tháng mới có, mới công bố là quá lâu.
Sau ngày nộp đơn tố cáo, không nhận được một thông tin hay động thái nào từ cơ quan điều tra, nhiều lần lên hỏi đều nghe cơ quan điều tra nói chưa có kết quả giám định pháp y, chị C. đã lên cơ quan pháp y để hỏi. Ngày 8/3, chị được cơ quan pháp y khẳng định đã trả kết quả, nhưng ngày 9/3 chị lên công quan Q. Thủ Đức hỏi thì vẫn nghe trả lời... chưa có kết quả.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)