Nghi án bé lớp 1 bị xâm hại tại trường: Cần làm rõ chi tiết camera bị mất dữ liệu

(Dân trí) - Vì sao camera số 4 ở vị trí cháu bé vào thời điểm được cho là cháu bị xâm hại lại bị mất dữ liệu? Đó là vấn đề được nhiều người đặt ra khi theo dõi thông tin về vụ việc gia đình phản ánh bé lớp 1 bị xâm hại ở trường học.

Camera mất dữ liệu là do... cô lao công?

Sáng 13/3, khi làm việc với Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn luật sư TPHCM, bảo vệ quyền lợi của bé N. trong vụ việc gia đình phản ánh bé bị xâm hại tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q. Thủ Đức, TPHCM đã đặt ra nhiều vấn đề, khúc mắc cần được làm rõ.

“Theo như gia đình chị C. làm việc với nhà trường và cả cơ quan điều tra ngày 15/2 tại trường thì camera an ninh số 4 ở vị trí cháu bé vào đúng thời điểm bé khai mình bị xâm hại lại bị mất dữ liệu? Vấn đề đặt ra tại sao dữ liệu mất? Ai là người quản lý hệ thống camera đó? Và có hay không việc dữ liệu bị xóa?”, ông Đức đặt câu hỏi.

Gia đình chị C. làm việc với Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM sáng 13/3
Gia đình chị C. làm việc với Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM sáng 13/3

Theo ông Đức, cái này cơ quan điều cần phải vào cuộc làm rõ bị mất hay bị xóa? Ai xóa? Công tác quản lý dữ liệu an ninh ở trường như thế nào?

Về phía chị C., chị khẳng định chị cũng đã đặt câu hỏi này ngay tại ngày làm việc với nhà trường và cơ quan công an. Tại sao chiếc camera từ 11h18 đến 12h22, đúng ở vị trí con chị lúc đó, vào thời điểm cháu khai bị hại lại bị mất dữ liệu? Thậm chí, chị đã cẩn thận yêu cầu được xem tất cả các máy camera khác vào thời điểm này thì dữ liệu vẫn bình thường. Khi đó, hiệu trưởng nhà trường không trả lời câu hỏi này.

Sau đó, nhiều lần chị C. chủ động liên hệ với cơ quan công an để hỏi thì họ trả lời sẽ yêu cầu nhà trường trả lời bằng văn bản. Đến lần thứ 3 chị đến hỏi thì công an cho biết nhà trường đã trả lời bằng văn bản lý do là cô lao công dập cầu dao, mà cầu dao này chỉ nối với camera số 4.

Kết quả pháp y đã có, cơ quan công an nói chưa?

Chị C. kể, từ khi chị gửi đơn tố cáo và cùng cơ quan công an xuống làm việc tại trường vào ngày 15/2 thì không một ai liên lạc hay thông tin gì cho gia đình. Chị đã tự mày mò tìm hiểu, liên lạc để hỏi thông tin, nhiều lần chị hỏi thì cơ quan điều tra đều nói chưa có kết quả giám định pháp y.

Chiếc quần cháu N., con chị C mặc bị dính đầy máu sau ngày cháu kể mình bị hại ở trường
Chiếc quần cháu N., con chị C mặc bị dính đầy máu sau ngày cháu kể mình bị hại ở trường

“Ngày 8/3, tôi lên hỏi cơ quan pháp y thì được khẳng định là đã trả kết quả giám định. Nhưng ngày 9/3, khi lên cơ quan công an (công an Q. Thủ Đức) thì người trực tiếp quản lý hồ sơ vụ việc con tôi vẫn trả lời là chưa có”, chị C. nói. Những cuộc trao đổi với cơ quan điều tra chị C. đều có ghi âm lại.

Luật sư Nguyễn Văn Đức cho biết, từ mấu chốt này, ông đã tư vấn gia đình gửi đơn lên các cơ quan chức năng cao hơn là Công an TPHCM và các cơ quan báo chí vào chiều 9/3. Từ đây thì thấy sự việc bắt đầu được quan tâm hơn, có chuyển biến còn gần 3 tuần trước đó thì hoàn toàn im lặng, không thấy một động thái nào từ cơ quan điều tra.

Theo ông Đức, giờ điều quan trọng nhất là họ phải tiếp cận được với kết quả pháp y. Từ kết quả pháp y thì mới biết có khởi tố vụ án hay không.

Sau khi gửi đơn tố cáo lên Công an TPHCM, các cơ quan truyền thông, ngày 13/3, chị C. tiếp tục cầu cứu nhờ sự hỗ trợ của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm