Ông Lê Như Tiến - phó Chủ nhiệm UB VHGD thanh thiếu niên và nhi đồng của QH:

"Lớp học theo kiểu ê a sẽ không thể tồn tại"

(Dân trí) -“Tôi bất ngờ khi xem video lớp học ê a mà <i>Dân trí</i> đăng tải. Bộ trưởng Luận cho tôi biết sẽ thay đổi hoàn toàn cách ra đề, kiểu học thế này không thể tồn tại", ông Lê Như Tiến - phó Chủ nhiệm UB VHGD thanh thiếu niên và nhi đồng của QH nói.


 


 

Thưa ông, ông suy nghĩ gì sau khi xem những hình ảnh mà PV Dân trí ghi nhận được tại một lò luyện thi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội khi giáo viên đọc lại những ý chính và học sinh ê a theo để học thuộc lòng?

 

Tôi thực sự bất ngờ. Trong luyện thi đại học, mục tiêu chính phải là rèn luyện cho các em sự vận dụng sáng tạo kiến thức đã học ở nhà trường, biến thành kiến thức của chính mình chứ không phải đọc lại, nhại lại một cách máy móc. Như thế người ta gọi là học vẹt.

 

Vậy phải lý giải sao đây khi vẫn có hàng nghìn học sinh sẵn sàng đứng vòng trong vòng ngoài để tiếp thu kiến thức bằng phương pháp học triệt tiêu sự sáng tạo này, thưa ông?

 

Tôi nghi ngờ những lò luyện thi này họ thổi phồng lên để quảng cáo nhằm mục đích thu lợi, làm giàu, chứ thực tiễn chưa được kiểm chứng là cứ học kiểu học vẹt thì sẽ thi đỗ 80 - 90% đại học.

 

Mặt khác, đúng là trong những năm vừa rồi có hiện tượng ra đề thi vẫn còn có cái kiểu là nếu như thuộc lòng thì có thể sẽ đạt điểm cao hơn. Nhưng trong tương lai, xu hướng lâu dài là sẽ không có cách ra đề thi cũng như phương pháp giáo dục đào tạo nhồi nhét “thầy đọc, trò chép”. Đó là yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng ta không cần các em như  những máy quay phim, chụp ảnh mà muốn các em trở thành những chủ thể sáng tạo.


Ông Lê Như Tiến - phó Chủ nhiệm UB VH GD Thanh thiếu niên nhi đồng trao đổi với phóng viên
Ông Lê Như Tiến - phó Chủ nhiệm UB VH GD Thanh thiếu niên nhi đồng trao đổi với phóng viên.
 
Trong các cuộc trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng cách giáo dục này đã thụt lùi so với thế giới hàng trăm năm. Vậy thời của ông có được dạy môn Văn theo phương pháp này không?

 

Tôi học văn thời phổ thông ở các lớp năng khiếu, vào đại học tổng hợp chuyên văn - ngôn ngữ cũng học tại các lớp năng khiếu. Nhưng thú thật, chưa bao giờ tôi học theo kiểu cô giáo, thầy giáo đọc đến đâu nhại lại đến đó mà chủ động tiếp thu các kiến thức của các thầy cô truyền đạt cho mình. Những kiến thức đó qua quá trình cọ xát trong cuộc sống bản thân mình bổ sung thêm kiến thức mới và biến kiến thức trong nhà trường thành kiến thức của chính mình. Phương pháp giáo dục hiện đại mà nhiều nước trên thế giới thực hiện là chỉ gợi mở một số ý, một số nội dung có tính chất bản chất nhất rồi bản thân học sinh tự học hoặc là học theo nhóm rồi lấp đầy kiến thức đó một cách sáng tạo.

 

Phải chăng trường hợp như cô giáo dạy tại lớp học ê a này cũng chỉ là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục chậm đổi mới, chưa phát huy được tính độc lập, sáng tạo của giáo viên và học sinh?

 

Theo tôi, có thể lý giải một phần sự việc là: từ cấp 1, cấp 2 cấp 3 rồi vào đại học họ được các thầy cô giáo dạy học như thế, tức là cách học, dạy thụ động, đọc - chép tiếp thu một cách máy móc. Và đến bây giờ, đến lượt những người đó mang trong mình trọng trách là giáo viên và họ lại phổ biến hướng dẫn dạy các em đúng như cái mà mình đã tiếp thu được. Tôi cho rằng, rõ ràng phương pháp giảng dạy những năm vừa qua đã có ảnh hưởng tiêu cực để những hình ảnh hàng trăm em học sinh phát âm lại đúng những gì cô giáo nói.

 

Theo ông, cách ra đề thi và chấm thi theo ba-rem sẵn có có phải là nguyên nhân để hiện trạng học tủ học vẹt vẫn luôn là căn bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam?

 

Trong thời gian đã qua thì đúng là có cách ra đề như thế nhưng nay đã khác rồi. Cách tiếp cận, tư duy của người ra đề hiện nay đã khác. Tôi tiếp xúc với một số nhà quản lý giáo dục, một số thầy cô thường nhận nhiệm vụ ra đề, họ đều hướng tới việc ra những đề đòi hỏi các em phải tăng cường khả năng tư duy sáng tạo hơn là ghi ra những gì mình nhớ. Tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD - ĐT PhạmVũ Luận cách đây mấy ngày, Bộ trưởng có cho tôi biết sẽ thay đổi hoàn toàn cách ra đề trong năm nay và trong thời gian tới.

 

Rõ ràng, Bộ GD-ĐT đã thay đổi cách luyện thi rồi nhưng lò luyện thi đấy không hiểu được, không nắm bắt được cứ nghĩ rằng như cách ra đề thi của các năm trước. Sau khi xem video được đăng tải trên báo Dân trí, tôi sẽ tiếp tục trao đổi với các đồng chí bên Bộ Giáo dục phải ra đề thi thế nào để khuyến khích tính sáng tạo của học sinh chứ không phải học thuộc lòng bài giảng một cách thụ động.

 

Xin cảm ơn ông!

Hà Trang - Xuân Ngọc