Lớp luyện thi ê a tại Hà Nội: Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lên tiếng
(Dân trí) - Điều khiến những ai còn đau đáu với nền giáo dục nước nhà phải suy ngẫm, chính là hình ảnh cả nghìn học sinh xếp vòng trong vòng ngoài, đọc thuộc từng dòng ê ê a a đó.
Vận hội nước nhà, tương lai dân tộc phải là của người trẻ. Đất nước ta sẽ ra sao nếu có một lớp trẻ ù lì, chậm chạp, bảo gì nghe nấy?
PV: "GS đánh giá gì về cách dạy văn theo như hình ảnh phóng viên Dân trí ghi nhận được?
GS. TS Trần Hồng Quân: Đó là cách sai lầm. Ngay trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa rồi Bộ có cách cải tiến ra đề… Văn thì phải xuất phát từ nhận thức và cảm xúc. Ai cũng giống ai thì không ra gì cả. Cách luyện thi đó hoàn toàn không đúng, sai lầm. Xét về hiệu quả cho chính thí sinh cũng không tốt.
Về phương diện sư phạm thì cách dạy đó hoàn toàn sai lầm. Về phương diện các môn học cũng không thể có môn nào làm theo hướng như vậy được.
Về phía thí sinh đó là một cách lựa chọn hoàn toàn sai lầm. Đứng về phương diện giáo dục hoàn toàn không đúng và xét về hiệu quả với sinh viên cũng không hiệu quả. Do đó, ai lựa chọn vào lò luyện thi như vậy hoàn toàn là một sai lầm.
PV: Thưa giáo sư, phải lý giải sao đây khi phương pháp học văn thụ động, áp đặt một chiều, thiếu cá tính sáng tạo và tư duy độc lập như trên vẫn đang thu hút cả nghìn học sinh theo học? Phải chăng những nghịch lý đó lại trở nên có lý với nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
GS.TS Trần Hồng Quân: Đó là hậu quả của cách thi cử lâu nay. Hiện nay đã có nhiều thay đổi. Các thí sinh nếu vẫn theo kiểu như vậy đã tụt hậu với thời cuộc.
Trước đây ra đề thi đánh giá làm đúng đáp án và đề mẫu. Hậu quả là người ta muốn học thuộc bài mẫu nên các thí sinh phải hiểu ra điều này. Học vẹt không phải là kiến thức của mình. Điều đó khó có thể chấp nhận được vì ở Đại học là cấp học đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn.
Phải đào tạo những giáo viên ở ngay trong trường để tránh cách dạy phản khoa học đó. Mặt khác, thi cử cải tiến để đánh giá được trình độ của người đi thi.
PV: Xin cảm ơn giáo sư!
Xuân Ngọc - Hà Trang