Lớp chính khóa tan từ 15h, không học thêm ai đón được con giờ này?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Chị Ngọc Mai nhẩm tính, nếu không học môn liên kết, con trai sẽ tan trường từ 14h45. Giờ đó, hầu hết phụ huynh còn đi làm, lấy ai đưa đón. Chị Mai buộc phải đăng ký chọn thêm 12 tiết liên kết/tuần.

Lớp chính khóa tan từ 15h, không học thêm ai đón được con giờ này? - 1

Nhiều phụ huynh đến đón con từ 15h30 tại cổng trường (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Lớp tan sớm, phụ huynh không thể đón con

Năm nay, con chị Mai vào lớp 2 một trường tiểu học ở quận 1, TPHCM. Nhìn thời gian biểu, chị Mai thở phào vì được dời sang đến 16h10. Song, chị sẽ phải vất vả hơn để kiếm thêm tiền đóng 12 tiết liên kết/tuần.

Người mẹ trẻ tâm sự, chị làm việc công sở, 17h mới hết giờ làm, 17h30 đến trường đón con trong khi lịch học chính khóa sẽ tan từ 14h40.

"Học chương trình mới, các bé lớp 1 và lớp 2 có 25 tiết chính khóa/tuần, chia trung bình 5 tiết/ngày. Như vậy, lớp sẽ kết thúc từ 14h40. Giờ đó sao mà phụ huynh có thể đón con?

Trẻ con hiếu động, suốt 3 tiếng tự chơi ở trường cha mẹ không an tâm nên đành phải cho con học thêm môn liên kết. Chẳng biết có hiệu quả gì không nhưng trước mắt là có người trông con", chị Mai nói.

thoi-gian-bieu.png

Thời gian biểu các môn học tại trường học của con chị Mai (Ảnh: Phụ huynh cung cấp).

Lớp con chị Mai có 37 tiết/tuần , trong đó có 25 tiết học các môn bắt buộc, 12 tiết học tự chọn gồm: 8 tiết tiếng Anh (lớp 1 và lớp 2 chưa có môn tiếng Anh trong chính khóa), 1 tiết tin học vui, 1 tiết STEM, 1 tiết kỹ năng sống, 1 tiết luyện tập.

Chưa kể, sau tiết học trên lớp, phụ huynh nào chưa đến đón, trẻ phải tự chơi một mình hoặc tiếp tục tham gia thêm các câu lạc bộ có thu phí.

Tương tự chị Mai, anh Nam Trọng - phụ huynh có con học lớp 2, Trường Tiểu học Bình Trị 2 (quận Bình Tân, TPHCM) - cũng đăng ký thêm cho con các môn: tin học, tiếng Anh, STEM, kỹ năng sống vào cùng với học chính khóa. Tổng số tiết tăng thêm là 10 tiết/tuần.

"Đăng ký học thêm lên 10 tiết/tuần, lịch đưa đón con được dời đến 16h25 phút. Như vậy, con đợi thêm khoảng 1 tiếng thay vì 3 tiếng là bố mẹ sẽ đến đón", anh Trọng nói.

Trong khi đó, cứ đến tầm 16h là chị Phạm Minh - phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) - làm việc không yên tâm. Chị kể, con sẽ tan tiết từ sớm mà ba mẹ không thể đón nên chọn phương án học thêm các lớp kỹ năng khác và trả thêm tiền.

Lớp chính khóa tan từ 15h, không học thêm ai đón được con giờ này? - 3

Đăng ký thêm 10 tiết liên kết/tuần, thời gian tan trường được rời xuống 16h25 (Nguồn: Phụ huynh cung cấp).

Thực trạng trên xảy ra ở nhiều trường học, đặc biệt là bậc tiểu học khi số thời gian quy định tối thiểu thấp.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP Thủ Đức, TPHCM bày tỏ khó khăn trước tình trạng thiếu giáo viên nên các trường sẽ bố trí số tiết học tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, khối 1 và 2 là 25 tiết/tuần; khối 3 là 28 tiết/tuần; khối 4 và 5 là 30 tiết/tuần. Cấp tiểu học dạy học từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, mỗi ngày không quá 7 tiết, mỗi tiết 35 phút. Khối lớp 1 và 2 sẽ có 5 tiết/ngày, do đó, lớp sẽ kết thúc rất sớm.

"Nghịch lý ở chỗ nhà trường thiếu giáo viên hoặc không có kinh phí, điều kiện để tổ chức thêm các tiết ngoại khóa còn phụ huynh không thể đón con sớm. Các trường tổ chức thêm môn liên kết", vị này nói.  

Hiện nay, thiếu giáo viên là khó khăn chung của nhiều trường học trên cả nước; có những đơn vị, lãnh đạo trường kiêm luôn cả công tác chủ nhiệm, dạy học như giáo viên khác,... 

Bài toán khó là phụ huynh không thể đón con quá sớm, trường không có kinh phí chi trả cho giáo viên thực hiện các hoạt động khác. Nếu trường tự tổ chức dạy học các môn trong chính khóa, có thu phí nhằm tăng cường nhằm phát triển năng lực cho học sinh theo môn học sẽ vi phạm quy định cấm dạy thêm học thêm ở tiểu học.

Chính vì vậy, nhiều trường chọn giải pháp liên kết với các trung tâm dạy học tăng cường.

Dạy liên kết vì người lớn, đâu phải vì trẻ em?

Ông Trần Mạnh Tùng - giáo viên tại Hà Nội - nhận định việc các nhà trường liên kết với trung tâm tổ chức dạy học trong trường như hiện nay có nhiều vấn đề và thực chất chưa phải xuất phát từ nhu cầu của các em học sinh.

Đầu tiên, điều này xuất phát từ quan hệ cung - cầu. Khi học sinh học 2 buổi/ngày, với 5-7 tiết/ngày, các em sẽ tan vào khoảng 15h-15hh30. Điều này gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đón con. Từ đó, có những phụ huynh mong muốn con tiếp tục học thêm tiết ở trường để đón con vào khoảng 16h30 - 17h.

Thứ hai, các nhà trường không đủ năng lực, điều kiện để tổ chức dạy học các môn tự chọn, hoạt động trải nghiệm. Việc liên kết với các trung tâm sẽ giúp các nhà trường nhàn hơn.

Lớp chính khóa tan từ 15h, không học thêm ai đón được con giờ này? - 4

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đáng chú ý là vấn đề lợi nhuận. Theo tìm hiểu của ông Tùng, mức hoa hồng 20% khi đưa các chương trình liên kết vào dạy tăng cường trong nhà trường là mức phổ biến được các công ty tư nhân trả cho các trường học.

Tuy nhiên, con số này sẽ có sự tăng giảm, tùy thuộc vào lượng học sinh đăng ký học, càng nhiều học sinh học thì tỷ lệ "hoa hồng" càng cao.

"Điều này có lợi cho nhà trường và đặc biệt là các đơn vị liên kết. Chọn hợp tác, liên kết đào tạo là kiểu kinh doanh rất đơn giản và an toàn với khách hàng là rất nhiều nhà trường và hàng loạt học sinh", ông Trần Mạnh Tùng nói.

Theo nam giáo viên, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã tăng thời lượng học cho học sinh từ 5.600 giờ lên 6.200 giờ và cấp tiểu học đã được thiết kế theo hướng dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày.

Nhờ đó, có những môn học, hoạt động giáo dục trước kia là tự chọn thì nay đã thành bắt buộc như ngoại ngữ, tin học (từ lớp 3 trở đi), hoạt động trải nghiệm...

Ông Trần Mạnh Tùng nhận định: "Việc liên kết với các trung tâm để dạy học trong trường, đặc biệt là xếp lịch vào cả giờ chính khóa rõ ràng có ảnh hưởng đến vai trò, chức năng của chương trình giáo dục quốc dân, thậm chí phản giáo dục".

Dạy liên kết có vi phạm quy định dạy thêm?

Theo ông Trần Mạnh Tùng, Điều 4, Thông tư 17 của BGD quy định các trường hợp không được dạy thêm  gồm: Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Cần đánh giá lại việc dạy tiếng Anh, tiếng Anh trong toán, trong khoa học, dạy STEM trong trường có phải là loại hình "dạy thêm, học thêm" và không đúng với quy định của Thông tư 17.

* Tên các phụ huynh trong bài đã được thay đổi