Bạn đọc viết:

Lớp 1 đông học sinh, thương cả cô lẫn trò

(Dân trí) - Ở Hà Nội, học trường công lập, nhất là bậc tiểu học thì việc mỗi lớp có từ 50 đến 60 học sinh là chuyện thường tình. Phụ huynh nào có con đi học cũng biết và phải chấp nhận thực tế đó dù biết rằng số sĩ học sinh cao thì chất lượng học tập sẽ giảm.

Cách đây 5 năm, khi cậu con trai lớn của tôi vào lớp 1, nhà trường đã phải tăng thêm một lớp khối 1 vì số lượng học sinh (HS) tăng so với năm học trước. Thế nhưng, sĩ số trung bình mỗi lớp vẫn khoảng 60 HS. Năm ngoái, con trai thứ hai vào lớp 1, vẫn tiếp tục tình trạng một lớp trên dưới 60 HS. Và năm nay, nhiều trường phải tăng từ 2 đến 3 lớp 1 mới đáp ứng đủ nhu cầu HS. Tôi biết có những trường HS phải nghỉ học luân phiên một ngày trong tuần vì trường không có đủ lớp học.

Vẫn biết số lượng HS sau mỗi năm học tiếp tục tăng liên quan đến vấn đề dân số cơ học tại các thành phố lớn tăng nhanh. Nhưng trong các nhà trường, tình trạng số lượng HS vượt quá chỉ tiêu dẫn đến lớp quá đông thực sự là một vấn đề nan giải.

Mỗi lớp 1 chỉ có một cô giáo phụ trách chính, vừa giảng dạy vừa rèn luyện nền nếp, ý thức, tổ chức các hoạt động sinh hoạt, ăn, ngủ... Không cần phải tưởng tượng chắc hẳn chúng ta đều hiểu giáo viên thì sẽ “đuối” như thế nào khi phải quản lý đến 60 đứa trẻ. Mà HS lớp 1 đang ở giữa rất nhiều thay đổi, từ một đứa trẻ được bao bọc trong vòng tay ông bà, bố mẹ nay phải tự lập từ chuyện đi vệ sinh đến việc ăn uống, ngủ nghỉ. Phần lớn trẻ ngoan nhưng cũng không ít trường hợp quá nghịch ngợm, hiếu động khiến cô giáo phải “đau đầu”.

Học sinh lớp 1 (ảnh minh họa)
Học sinh lớp 1 (ảnh minh họa)

Tôi tin rằng hầu hết phụ huynh đều đã từng chứng kiến cảnh tượng gần như cả lớp đều sụt sịt hoặc khóc lóc ầm ĩ những ngày đầu đến lớp, khi vừa dứt tay bố mẹ ra. Có con không ăn cơm, không ngủ được vì chưa quen... thậm chí có nhiều bé lớp 1 rồi nhưng cô giáo vẫn phải dỗ dành và đút cơm cho ăn. Bởi nếu cô không giúp con ăn thì con sẽ đói, không đủ sức để học bài. Thời gian và công sức cô giáo phải bỏ cho việc động viên, an ủi các con trong giai đoạn đầu lớp 1 không hề nhỏ.

Trong không gian lớp học, tất cả các chỗ ngồi đều lấp kín, đáng lẽ ngồi hai thì tăng lên ba. Lối đi nhỏ hẹp, cộng với việc những chiếc cặp to tướng treo lủng lẳng cạnh bàn khiến cho không gian lớp học căng cứng.

Khi lớp học quá đông, không khí trong lớp cũng bí bách. Sau một ngày đi học, quần áo, đầu tóc của con thường có mùi rất khó chịu chứ không còn thơm tho, sạch sẽ như buổi sáng. Điều đó cho thấy vệ sinh lớp học không được đảm bảo bởi ngoài việc học, lớp học chính là nơi các con ăn, ngủ, rất nhiều thứ mùi trộn lẫn.

Để “ứng phó” với việc này, năm học vừa qua, cô chủ nhiệm lớp con tôi đã có sáng kiến cho các con để toàn bộ sách vở ở lớp, khi đi học con chỉ mang theo một túi Myclear (túi đựng tài liệu) trong đó có cuốn vở viết và bút để “giải phóng” không gian bàn học, giúp các lối đi không bị vướng, không gian lớp học cũng rộng rãi, thông thoáng hơn.

Trẻ lớp 1 rất hiếu động nên việc trêu đùa, cười nói trong lớp là không tránh khỏi. Lớp càng đông HS, tiếng ồn càng tăng, cô giáo càng phải cố hết sức để nói to hơn, rõ ràng hơn. Thiết nghĩ, nếu không có chiếc loa hỗ trợ thì chắc hẳn chỉ sau một ngày lên lớp cô giáo sẽ mất giọng. Có những lần tôi gọi điện thoại cho giáo viên của con vào giờ tan học để nhờ cô báo cho con biết mẹ sẽ đón muộn, tôi phải nói thật to vì ở đầu dây bên kia những tiếng ồn ào của HS lấn át cả tiếng cô giáo.

Học sinh lớp 1. (ảnh minh họa)
Học sinh lớp 1. (ảnh minh họa)

Tôi nhớ, những lần đón con muộn tưởng rằng cô giáo đã về từ lâu nhưng cô vẫn đang miệt mài kiểm tra lại vở viết của các con, chỉnh sửa từng lỗi sai để phục vụ cho buổi học ngày mai. Những bạn chưa hoàn thành bài, trong lúc chờ bố mẹ các con đến đón, cô tranh thủ hướng dẫn viết cho xong. Tôi chợt nghĩ, ngoài việc giảng bài và quản lý các con trong giờ học, cô còn việc kiểm tra vở viết, rồi nhận xét vào từng trang mỗi ngày để biết được tình hình học tập cụ thể của từng HS và có biện pháp hỗ trợ kịp thời thật vất vả. Hết giờ làm, mọi người thường ra về thật nhanh để lo toan cho gia đình, con cái, nhưng các cô giáo, nhất là giáo viên lớp 1 thì phải nán lại để trông chừng HS, khi nào các con được bố mẹ đón về thì cô mới yên tâm về nhà.

Lớp đông nên việc quản lý HS của cô giáo cũng vất vả hơn, mất nhiều thời gian hơn nên chất lượng giảng dạy cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Cô không có đủ thời gian để kiểm tra, quan tâm đến từng HS hay cho HS phát biểu trong giờ học, như vậy sự chủ động, sáng tạo của HS sẽ không có điều kiện phát triển. Những HS tiếp thu bài chậm hơn các bạn cũng sẽ phải “tự bơi” để theo kịp cả lớp. Nếu ở lớp các con không theo kịp các bạn thì sẽ dẫn tới việc phải đi học thêm...

Điểm qua một vài chi tiết như vậy để thấy rằng, một lớp học có quá đông HS sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề mà cái mất nhìn thấy rõ nhất là HS sẽ không nhận được sự quan tâm đầy đủ, kịp thời, chất lượng từ phía giáo viên. Đó là một thiệt thòi rất lớn mà lẽ ra, với một sĩ số bình thường, các con sẽ được quan tâm, kèm cặp sát sao hơn.

Khi tôi kể với một người bạn ở quê rằng lớp học của con có 60 HS, còn trung bình cũng phải trên 50, người bạn đó hết sức ngạc nhiên. Theo đó, lớp của con chị chỉ có khoảng 40 HS và chị không tưởng tượng được nếu hơn 60 HS một lớp thì việc dạy và học của cả cô và trò sẽ vất vả dường nào.

Ở những thành phố lớn, nơi mà chung cư cao tầng mọc lên như trăm hoa đua nở, trong khi số lượng trường học chỉ có hạn thì tình trạng những lớp học đông đúc, nhồi nhét từ mẫu giáo đến tiểu học sẽ là câu chuyện không hồi kết. Cần lắm những giải pháp tích cực, thiết thực của ngành Giáo dục để mọi trẻ em đều được hưởng thụ không gian học tập rộng rãi, sạch sẽ đúng chuẩn.

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm