Bạn đọc viết:

Lòng quý trọng dành cho các thầy cô sẽ không bao giờ đổi thay

(Dân trí) - Ở đâu đó có những “con sâu” làm vẩn đục môi trường sư phạm khi có những hành xử không phù hợp, nhưng đó cũng chỉ là rất nhỏ và không làm ảnh hướng tới truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người dân Việt Nam. Điều quan trọng là phụ huynh và học sinh vẫn luôn tin tưởng vào các thầy cô.

Vậy là sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày lễ của một ngành nhưng không khí lại tưng bừng như một ngày hội với hoa tràn ngập khắp nơi và rộn ràng muôn vàn lời chúc. Người ta có thể không nhớ nhiều ngày kỉ niệm khác trong năm nhưng Ngày Nhà giáo Việt Nam thì từ già tới trẻ chẳng ai quên…

Nhân ngày hội của những người làm nghề giáo, xin được chia sẻ vài dòng tâm sự như một món quà gửi tới thầy cô, những người vẫn được coi là chuẩn mực nhất từ trước tới nay. Ngày nay, xã hội đã có nhiều đổi thay, thậm chí ở nơi này nơi khác có lúc đồng tiền “lên ngôi” thay cho đạo đức thì trong mặc định của xã hội, những người thầy luôn là tấm gương về nhân cách, phẩm chất và trí tuệ. Tôi không quá ngạc nhiên khi một gia đình trung lưu ở ngoại ô mổ lợn khao họ hàng khi người con của họ được giữ lại làm giảng viên của một trường đại học. Lương của một cử nhân vừa ra trường, lại trong ngành giáo dục thì ai cũng biết thấp như thế nào, nhưng với cha mẹ và người con của họ thì trước mắt là tất cả niềm tin, niềm tự hào với nghề nghiệp, vào những suy nghĩ tích cực mà mọi người dành cho.

Tôi cũng là một viên chức, cũng lên bậc lương định kỳ và hiểu được sự eo hẹp của đồng lương nhà nước nhưng nghề nghiệp của tôi không được cả xã hội ghi nhớ và tôn vinh như của các bạn. Xin mạn phép cho tôi được gọi là các bạn để có cảm giác được cùng nhau chia sẻ thực sự. Tôi chưa già, cũng không còn trẻ, mà đang ở tuổi ra đường có người gọi là chị, người gọi là cô. Đôi lúc tôi cảm thấy ghen tị với các bạn, những người được đón nhận niềm vui tưng bừng, hoan hỉ trong suốt cả tháng 11, tháng chỉ có một ngày hội lớn và dường như tất cả đều để dành cho các thầy cô. Đó là niềm hạnh phúc nhất mà không có tiền bạc nào so sánh được, cũng không có ngành nghề nào nhận được như thế.

Các thầy cô kính mến! Ở đâu đó có những “con sâu” làm vẩn đục môi trường sư phạm khi có những hành xử không phù hợp, nhưng đó cũng chỉ là rất nhỏ và không ảnh hướng tới truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người dân. Điều quan trọng là cả học sinh và phụ huynh vẫn luôn tin tưởng và gửi gắm vào thầy cô những mong muốn về con em họ. Mối quan hệ giữa thầy cô và học trò vẫn là mối quan hệ trong sáng nhất trong các mối quan hệ xã hội. Dù khi lớn lên, mỗi người chúng ta có thể trở thành ông này bà nọ, nhưng đứng trước thầy cô của mình, họ vẫn là người học trò ngoan ngoãn, lễ phép như thuở xưa kia. Những người giáo viên khi đã về hưu thì vẫn còn tiếng nói trong tổ dân phố, trong thôn xóm để các gia đình  làm tấm gương cho con cháu noi theo. Dù họ không còn đứng trên bục giảng nữa vẫn được mọi người trân trọng gọi bằng “ông giáo”, “bà giáo” để hàm ý rằng sự giáo dục không chỉ nằm trong nhà trường, mà ở đâu có mặt của những con người này, ở đó có môi trường sống tốt nhất.

Không phải ai cũng biết Ngày nhà giáo Việt Nam bắt đầu được ấn định từ năm nào, nhưng suốt bao năm qua, người ta luôn nhớ đến nó và dù không phải là người trong ngành cũng có cảm giác hân hoan trong không khí chào mừng diễn ra ở khắp mọi nơi.  Không phải đến khi đất nước giàu có lên thì lễ kỉ niệm mới được tổ chức long trọng với nhiều quà và hoa, mà ở thời bao cấp khó khăn, ngày này vẫn đúng ý nghĩa là một ngày hội của các nhà giáo - rộn ràng và đầy cảm xúc.

Ngày nay do áp lực của xã hội khiến việc học thêm và dạy thêm tràn lan, thiếu kiểm soát, là một giáo viên nhưng đồng thời cũng là một phụ huynh nên cũng khiến cho những người trong ngành không thể không bị ảnh hưởng trong tư tưởng và công việc. Đôi khi họ cũng cảm thấy bất lực trước việc học giống như kiểu “chạy đua” này mà buồn thay cho giáo dục thời đổi mới.

Người đời thường mặc định cho những người làm nghề giáo là phải hoàn hảo theo kiểu hội tụ đầy đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhưng “nhân vô thập toàn”, đã là con người, lại trong xã hội đầy những phức tạp này tránh sao khỏi những lời ra tiếng vào. Như người khác thì chẳng sao đâu, hoặc có lỗi lầm cũng là rất nhỏ, còn với người làm nghề giáo, dường như đó là một tai nạn khó sống bên cộng đồng. Chúng ta hãy đơn giản mọi điều với mọi người, kể cả với những người thầy, người cô để họ luôn làm tốt nhiệm vụ của mình với tinh thần say mê nhất.

Ngày 20/11 sắp đến, xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất dành cho tất cả các thầy, mong các thầy cô luôn yêu nghề, dạy tốt hơn nữa và nhận được nhiều tình cảm của các thế hệ học trò. Chúc các thầy cô ở vùng sâu, xa, vùng còn khó khăn vượt lên hoàn cảnh để đem con chữ tới cho những học trò nghèo. Cho dù có như thế nào thì niềm tin và lòng quý trọng của mọi người và của toàn xã hội cho các thầy cô sẽ không bao giờ đổi thay.

Minh Minh

(Bắc Ninh)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm