Long đong tìm nhà trọ

Mùa nhập học đang đến. Với những sỉ tử ở các tỉnh, một trong những nỗi bận tâm nhất là tìm nơi ăn, chốn ở. Ký túc xá chỉ đáp ứng được nhu cầu của 20% sinh viên ngoại tỉnh. Vậy là không ít sinh viên vào cuộc hành trình long đong tìm nhà trọ.

Khan hiếm nhà trọ sinh viên

 

"Cháy” nhà trọ không chỉ là nỗi lo trong tiềm thức của sinh viên mới, mà đã trở thành thực trạng họ phải đối mặt khi ngày nhập học đang gần kề. Nhiều sinh viên đã gọi điện nhờ người thân ở Hà Nội tìm hộ chỗ trọ khi vừa biết tin mình đỗ ĐH.

 

Vũ Anh (SV ĐH Sư phạm HN) sau hai tuần chưa tìm được nhà cho người em họ, than: “Những khu gần trường thì nhiều tiền. Nhà vừa túi tiền thì lại ở quá xa (Giáp Bát, Tân Mai...), an ninh cũng không bảo đảm. Tìm nhà cho sinh viên khó quá!”.

 

Trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) có một khu nhà gồm 20 phòng lợp tôn, mỗi phòng chừng 10 - 12m2, rất ngột ngạt, có phòng chỉ ngăn cách bằng tấm liếp, nhưng cũng đến 400.000đ - 600.000đ/phòng. 40 - 60 người ở mà chỉ có hai nhà tắm, hai nhà vệ sinh (6m2/nhà), lối đi chung rộng chừng 1m và dùng nước chung.

 

Vậy mà những phòng trọ này đều đã có người ở hoặc có phòng đã được đặt tiền sẵn. Một nhà rộng rãi hơn ở đường Nhân Chính có giá lên tới 600.000 - 800.000đ. Còn những căn hộ độc lập, nhà chung cư, giá tính bằng  tiền triệu.

 

Không có ai thân thuộc ở Hà Nội, mẹ con chị Hậu (quê Nam Định) dắt díu nhau tìm nhà trọ cho con đỗ vào ĐH Bách khoa từ giữa tháng 8. Chị len lỏi vào từng ngõ ngách trên đường Tạ Quang Bửu, Thanh Nhàn, Đại  La, Minh Khai mà không tìm được cho con nhà nào ưng ý. Ngay những làng ven đô như Cầu Diễn, Kim Giang, Nhổn, Thanh Nhàn, Minh Khai... cũng không dễ mà thuê được nhà. Mặc dù nhà chất lượng kém, thiếu ánh sáng và không khí ẩm thấp nhưng giá cũng không dưới 300.000đ/tháng, chưa kể tiền điện, nước.

 

Mấy ngày nay, những thí sinh đã lên ôn thi ở Hà Nội cũng tỏa khắp nơi để tìm nhà. Nhà chị Hoa trong ngõ nhỏ sâu hun hút trên phố Hoàng Mai, Hà Nội vừa treo biển “Có phòng cho thuê” đã có 5 - 7 lượt khách vào hỏi.

 

Có nhà đang được nâng cấp, tu sửa, thậm chí vừa xây móng, đã có ngay người đến đặt tiền trước. Nhà anh Tùng (làng Phùng Khoang, Thanh Xuân) xây mới xong phần thô, mà khi được hỏi còn nhà cho thuê không cũng lắc đầu: “Các phòng được đặt cách đây hai tuần rồi”.

 

Đề phòng trung tâm môi giới nhà đất

 

Toát mồ hôi hột mà vẫn không tìm được nhà, Linh (SV ĐH Ngoại thương) đành “cầu cứu” trung tâm môi giới nhà đất. Nộp 50.000 đồng lệ phí cho một trung tâm trên đường Láng, Linh được dẫn đến một chỗ trọ vừa xa, vừa bẩn trong con ngõ sâu hút ở phố Trung Hòa.

 

Không ưng ý, Linh được đưa đến một căn phòng khác, cũng tồi tàn, nhếch nhác không kém. Chán nản, Linh quay về đòi tiền lệ phí vì trung tâm đã hứa sẽ có trách nhiệm đến cùng nếu không tìm được nhà, nhưng chỉ nhận được một lời nói xẵng: “Có nằm mơ không đấy. Mất công dẫn đi xem, không ưng thì thôi, ở đây không làm không công”.

 

Nắm bắt nhu cầu thuê phòng trọ của SV sắp nhập trường đang lên “cơn sốt”, các trung tâm nhà đất, bất động sản đã không bỏ lỡ cơ hội đăng quảng cáo về những phòng trọ, ngôi nhà khang trang với đầy đủ điện, nước, quạt, điện thoại ở Trung Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Phùng Khoang, Láng Thượng, Yên Hòa, Dịch Vọng... Tuy vậy, trên thực tế, không ít ngôi nhà ấy đều không bảo đảm các điều kiện để sinh hoạt và học tập, nhiều chỗ lại là tụ điểm của dân chơi, nghiện ngập.

 

Gần 80% sinh viên ngoại tỉnh của 50 trường ĐH, CĐ, THCN sinh sống, học tập ở Hà Nội đã tạo một sức ép lớn về chỗ ở, nhà trọ. Trong chiến dịch Tiếp sức mùa thi 2005, Đoàn Thanh niên, Hội SV các trường ĐH, CĐ đã tận tình giúp đỡ thí sinh và người nhà thí sinh tìm địa chỉ nhà trọ giá rẻ, an toàn, tin cậy. Giá như lúc này Đoàn, Hội lại tình nguyện tìm nhà cho các SV của trường mình thì hay biết mấy.

 

Theo Hà Nội mới