Lợi ích từ việc rèn con làm việc nhà từ nhỏ
(Dân trí) - Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có 1-2 con, lại có điều kiện kinh tế tốt hơn nên cha mẹ thường yêu thương, chiều chuộng, thậm chí là chăm sóc con quá mức cần thiết, không để con học làm việc nhà.
Hiện nay, rất nhiều phụ huynh phàn nàn rằng con mình không biết làm việc nhà và lười giúp đỡ bố mẹ. Ngoài giờ học, cháu chỉ biết "ôm" TV hoặc dán mắt vào máy tính, smartphone. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Về vấn đề này, tôi có cuộc trao đổi nhanh với cô Nghiêm Thị Bích Diệp, một giảng viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội để được lắng nghe ý kiến của chị vừa ở góc độ là một nhà giáo vừa ở góc độ là một người mẹ đã có hai con đang ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Do bố mẹ
Nhiều phụ huynh có chung suy nghĩ rằng lịch học văn hóa của con kín cả ngày chẳng khác gì người lớn đi làm, chưa kể còn học thêm, học kỹ năng, học năng khiếu, tập thể thao, tham gia các hoạt động ngoại khóa. Thấy con vất vả như vậy, cha mẹ thường làm hết việc nhà để con có thể chuyên tâm học hành.
Tuy nhiên, những suy nghĩ này của cha mẹ đã vô tình cướp đi của con trẻ nhiều điều thú vị mà chỉ khi con tự làm, tự lao động thì mới cảm nhận được. Điều này cũng khiến trẻ trở nên lười biếng, ỷ lại và dựa dẫm vào người khác.
Cô Nghiêm Thị Bích Diệp chia sẻ: "Tạo điều kiện cho con cái học tập là điều nên làm, nhưng song song với đó, cha mẹ cũng nên dạy con làm việc nhà. Có như vậy, con cái mới trở nên tự lập. Nên hướng dẫn các bé làm việc nhà từ sớm để hình thành thói quen cho trẻ. Lợi ích lớn nhất khi cho con làm việc nhà là giúp con cảm nhận được giá trị của lao động. Chính nhờ làm việc nhà, con sẽ có cơ hội được rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản và cảm thấy tự tin hơn".
Với vai trò là một nhà giáo, cô Nghiêm Thị Bích Diệp cho rằng: "Con người tiến hóa thông qua lao động. Việc rèn luyện tính tự lập, tự giác, cách thích nghi và hòa nhập cho trẻ có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống trưởng thành sau này. Trong đó, làm việc nhà là một trong những kỹ năng sống cơ bản cần được cha mẹ chú ý sớm.
Vì thế, có hai việc tôi vẫn luôn cố chấp không làm là thuê người dọn nhà và mua máy rửa bát. Trẻ con cần lao động để phát triển. Tôi luôn rèn hai con của mình làm việc nhà như quét nhà, lau nhà, rửa bát, nấu ăn, giặt quần áo, tưới cây… giúp đỡ bố mẹ dù con gái lớn đang học lớp 10, con trai út học lớp 6 cũng rất bận bài vở. Những kỹ năng sống này sẽ rất quan trọng sau khi học trung học để con có thể sống tự lập".
"Tranh thủ thời gian trẻ nghỉ Tết, học online ở nhà do dịch Covid-19, cha mẹ hãy dành thời gian hướng dẫn con làm việc nhà. Khi con làm, bố mẹ đừng quá cầu toàn, hãy chấp nhận mọi việc không như ý muốn có thể xảy ra do con chưa quen việc, chẳng hạn như rửa bát đũa không sạch, làm vỡ bát, nấu cơm nhão, giặt quần áo bẩn, lau nhà chưa sạch", cô Nghiêm Thị Bích Diệp nhắn nhủ.
Trẻ ỷ lại vào người giúp việc
Theo cô Nghiêm Thị Bích Diệp, một trong những sai lầm của các bậc làm cha, làm mẹ là thuê người giúp việc trong nhà khi con đã lớn. Có người giúp việc thì trẻ thường ỷ lại, không chịu làm gì cả. "Sở dĩ hai con tôi biết làm tất cả những việc nhà thông thường như nấu cơm, rửa bát, lau nhà, tưới cây, giặt quần áo... là vì tôi không thuê người giúp việc. Các phụ huynh phải dạy con làm việc nhà, dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ.
Để con cái biết chia sẻ công việc nhà với cha mẹ, phụ huynh nên hạn chế trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, phân công lao động rõ ràng, cân đối thời gian học thêm và giải trí cho con. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cần biết gợi mở, trò chuyện với con, khích lệ tinh thần khi trẻ làm tốt", cô Diệp tư vấn.
Cho con làm việc nhà sớm là một trong những hình thức giáo dục con cái được đánh giá cao hiện nay. Các nhà nghiên cứu lại chứng minh khác, trẻ nếu được dạy làm việc nhà sớm sẽ ảnh hưởng rất tích cực tới trẻ trong tương lai, giúp bé rèn luyện tính cách và học thêm nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Lợi ích từ việc rèn con làm việc nhà từ nhỏ
Thứ nhất, làm việc nhà giúp trẻ hình thành lối sống có trách nhiệm với gia đình.
Lợi ích thứ hai là rèn tính tự lập cho trẻ, giúp trẻ có sự độc lập, không dựa dẫm hay phụ thuộc vào người khác.
Thứ ba, làm việc nhà giúp trẻ học cách sống chủ động, dễ dàng thích nghi với môi trường sống mới nếu có thay đổi. Sau này trẻ có đi học cấp 3, đại học xa nhà, thậm chí đi du học nước ngoài thì trẻ cũng đủ khả năng thích nghi với môi trường sống mới.
Lợi ích thứ tư là rèn tính kỷ luật cho trẻ. Thông qua công việc mà bạn giao cho con, trẻ sẽ học cách hoàn thành nó dù có thích hay không. Nhờ đó, trẻ hiểu được cần có tính kỷ luật khi gặp bất kỳ trở ngại trong học tập/công việc hay các mối quan hệ.
Thứ năm, làm việc nhà chính là cách rèn sự khéo léo và cẩn thận, những tính cách cần thiết cho con khi trưởng thành.
Lợi ích thứ sáu là rèn cho trẻ có thói quen giúp đỡ người khác. Khi bạn dạy con làm việc giúp trẻ hình thành tư duy quan tâm đến những người xung quanh. Khi ai đó gặp khó khăn, trẻ sẽ chủ động đề nghị giúp đỡ và dần trở thành người sống có ích và tốt bụng.
Thứ bảy là làm việc nhà rèn cho trẻ có kỹ năng làm việc nhóm, biết phối hợp khi làm việc chung với người khác.
Thứ tám, làm việc nhà khiến trẻ sống có mục đích. Lao động giúp trẻ hình thành sự tự tin, trưởng thành và chăm chỉ. Dù là việc nhỏ cũng cho trẻ cảm giác đạt được thành tựu lớn và đóng góp niềm vui cho mọi người. Các bậc phụ huynh cũng nên thể hiện sự khen ngợi, đánh giá cao những gì trẻ đã cố gắng làm. Điều này sẽ sớm nuôi dưỡng cho bé tính trách nhiệm, mục đích sống lành mạnh và có ý nghĩa ngay từ nhỏ.
Cuối cùng, làm việc nhà giúp trẻ rèn luyện thể chất, sáng tạo trong lao động và cũng là một hình thức thư giãn sau những giờ học tập căng thẳng.
Trẻ không làm việc nhà dễ hình thành tâm lý ỷ lại, thiếu sẻ chia và ngại va chạm trong tương lai. Việc rèn luyện cho trẻ làm việc nhà từ sớm sẽ giúp ích cho trẻ biết sống có trách nhiệm, có tính tự lập, biết cách thích nghi với mọi hoàn cảnh, có tính kỷ luật, có sự khéo léo và cẩn thận, có thói quen giúp đỡ người khác, có kỹ năng làm việc nhóm, sống có mục đích có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống trưởng thành sau này. Đây là những kỹ năng sống cơ bản và cần thiết cần được cha mẹ chú ý rèn luyện sớm.
TS. Vũ Thị Minh Huyền
Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam