Độc giả viết:
Giả nghèo để dạy con, nên chăng?
(Dân trí) - Bài ca "nhà mình nghèo lắm", "bố mẹ đang kẹt tiền"… thỉnh thoảng lại vang lên trước lời xin xỏ của con cái.
Dù gia đình thật sự không đến nỗi khó khăn về tiền bạc nhưng không ít bậc phụ huynh lại đang sử dụng chiêu "giả nghèo để dạy con".
Vợ chồng bạn tôi đều là kinh doanh buôn bán nên cuộc sống khá dư dả và tiện nghi. Dù vậy, nhìn cách anh chị dạy con, ai cũng khâm phục. Cháu lớn đang học cấp ba vẫn đến trường bằng chiếc xe đạp xin lại của anh em họ. Cháu nhỏ lớp 8 ăn mặc giản dị, ít đua đòi chưng diện như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Thỉnh thoảng, bố mẹ lại phải hối thúc các cháu đi siêu thị mua sắm cái này cái kia cho sinh hoạt cá nhân.
Anh chị bảo rằng cả hai vợ chồng từng đi qua gian khó suốt thời thơ ấu nên trân quý vô cùng từng miếng cơm, manh áo mình tạo dựng. Anh chị muốn con cái hiểu rằng tiền bạc do công sức lao động của ba mẹ không phải dễ dàng có được, đó là kết quả của sự siêng năng, chăm chỉ làm lụng của bố mẹ. Và khi con cái chi tiêu thì phải biết cân nhắc để tránh hoang phí.
Bên cạnh đó, anh chị vẫn thường đưa con đến các điểm từ thiện trong thành phố để bọn trẻ tiếp xúc, trực tiếp chứng kiến những cảnh đời khốn khó và học cách cho đi. Những bộ quần áo mới con vừa mặc vừa học cách gìn giữ cho bạn nghèo. Mấy món đồ chơi, sách vở, dụng cụ học tập không thật sự cần thiết con biết sẻ chia với các bạn.
Chính anh chị cũng là tấm gương sáng trong cách sống để con trẻ noi theo. Giản dị trong sinh hoạt, tiết kiệm trong chi tiêu cá nhân. Cuộc sống vừa đủ ấy khiến gia đình nhỏ luôn ngập tràn hạnh phúc bởi thay vì chạy theo các giá trị vật chất và hào nhoáng phù phiếm, họ nhận ra và trân trọng những điều dung dị quanh mình: tình bạn, tình thân, tình người.
Cuộc sống ngày càng đủ đầy hơn, người ta đang tiến dần từ giấc mơ "ăn no, mặc ấm" sang "ăn ngon, mặc đẹp". Mỗi gia đình cũng chăm chút hơn cho những đứa trẻ trong nhà: ăn uống đủ đầy, học hành chất lượng, sinh hoạt tiện nghi…
Có lẽ bao người đã từng khốn khó trong quá khứ nên giờ muốn con cái được sung sướng hơn. Vì vậy mà ra sức cung phụng và thỏa mãn mọi biểu hiện đua đòi của con cái chăng? Càng ngày tôi càng chứng kiến nhiều hơn những đứa trẻ trong gia đình quên mất sự vất vả của bố mẹ nên ra sức chưng diện và đua đòi cùng chúng bạn. Con trẻ không biết quý sức lao động của bậc sinh thành, quen hưởng thụ sẽ thế nào khi chẳng may rời tổ ấm gia đình?
Vậy nên, càng ngẫm nghĩ, tôi càng ngưỡng mộ cách nuôi dạy con cái khéo léo của đôi vợ chồng ấy. Giả nghèo để dạy con, nên chăng bạn nhỉ?