“Loạn” đại học có đáng lo ngại?
(Dân trí) - “Nếu như học sinh tốt nghiệp lớp 12 mà về cày ruộng thì các em sẽ bỏ từ lớp 9, thậm chí từ cấp 1. Nếu như thế hệ thanh niên nông thôn chiếm 75% cư dân hiện nay mà bỏ học, làm sao chúng ta có công nghiệp hoá, hiện đại hoá!..”.
Trên đây là sự e ngại của giáo sư Nguyễn Lân Dũng khi bàn về giải pháp cho phát triển giáo dục cách đây khoảng hai năm. Cũng theo ông, nền giáo dục tốt phải “cố gắng đáp ứng nhu cầu học hành của các em. Phải mở rộng cửa!”.
Tại Việt Nam, quy mô và tốc độ phát triển các trường ĐH bình quân trong 10 năm qua là một năm có 7,8 trường ra đời. Riêng năm 2006, 2007 có 39 trường ra đời. Khối CĐ có tỷ lệ 13 trường ra đời/năm.
Đã có nhiều trí thức tỏ ý lo ngại về tốc độ phát triển quá nhanh này, cảnh báo về sự rối loạn vượt quá tầm kiểm soát, chạy theo số lượng, hy sinh chất lượng, bất chấp mọi chuẩn mực, thông lệ và kinh nghiệm quốc tế…
Nhiều nước trong đó có VN buộc phải chấp nhận những nhân nhượng
Ngay từ năm 1994, cùng với tuyên bố: “Giáo dục đại học đã lâm vào khủng hoảng trên toàn thế giới”, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định các nhà hoạch định chính sách như luôn gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa nhu cầu chất lượng và tính đại chúng. Trong một giai đoạn phát triển nào đó, do vậy, nhiều nước sẽ buộc phải chấp nhận nhân nhượng giữa số lượng và chất lượng.
Việt Nam dường như đang lựa chọn chính sách giáo dục ĐH theo hướng tăng nhanh quy mô. Lý do của sự lựa chọn này, theo lãnh đạo ngành giáo dục là xuất phát từ nhu cầu xã hội. Đến nay, Việt Nam chỉ có có tỷ lệ 190 sinh viên/1vạn dân.
Nước | Số sinh viên/1vạn dân |
Hàn Quốc | 670 |
Mỹ | 570 |
Australia | 500 |
Chilê | 400 |
Thái Lan | 374 |
Pháp | 355 |
Nhật Bản | 316 |
Việt Nam | 190 |
Nhìn vào bảng trên có thể thấy, tỷ lệ này so với một số nước mới chỉ bằng 1 nửa đến 1/3.
Mặt khác, các địa phương xuất phát từ nhu cầu của mình cũng muốn có trường đại học để nâng cao nhân lực. Đó là các yếu tố thuận lợi để phát triển trường đại học.
Việt Nam hiện nay có nhiều gia đình muốn con em mình học đại học, nên người học chưa thận trọng chọn lựa kỹ, dẫn đến tốc độ phát triển những trường chất lượng chưa cao chưa nhanh! Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng nhận lỗi về mình là cởi mở thông tin chưa tốt.
Để cải thiện tình trạng này, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân thì từ năm 2008, ngành giáo dục thực hiện 3 công khai:
Công khai cam kết chất lượng đào tạo, mỗi trường phải nói rõ sinh viên ra trường làm được việc gì? Làm ở đâu?
Công khai nguồn lực về cơ sở vật chất, đặc biệt là giáo viên. Mỗi một khoa phải có một bảng có ảnh của tất cả giảng viên của khoa, phân loại giảng viên cũ, giảng viên thỉnh giảng để sinh viên có thể kiểm soát được.
Công khai về thu, chi tài chính của đơn vị.
Những thông tin này sẽ được đưa lên trang web của Bộ. Người học có thể vào trang web của Bộ cập nhật thông tin về từng trường đại học, về những nguồn lực, cơ sở vật chất, trước khi đưa ra quyết định chọn trường.
Mai Minh