Lên kế hoạch xây mới Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ở ngoại thành
(Dân trí) - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn nhiều tòa nhà xây cách đây vài chục năm, ký túc xá chỉ đáp ứng khoảng 1/6 nhu cầu. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị, cần xây mới trường này ở khu vực ngoại thành.
Tại lễ công bố quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, tân hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài những thành quả nhà trường đạt được, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn nhiều hạn chế.
Ngoài tòa nhà A1 vừa xây mới sắp sửa đưa vào sử dụng, hiện còn một loạt tòa nhà rất cũ như A2, A3, đã xây dựng vài chục năm nay.
"Vừa qua, nhà trường rất áy náy khi đội tuyển học sinh giỏi quốc gia ở tại đây nhưng nhà trường chưa bố trí được cho các em tốt nhất bởi điều kiện KTX còn nhiều thiếu thốn.
Hiện ký túc xá của nhà trường chỉ đáp ứng cho 2.700 sinh viên trên tổng số 17.000 sinh viên của cả trường (chỉ đáp ứng khoảng 1/6), vì vậy trong tương lai, nhà trường mong mỏi đc đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên", tân Hiệu trưởng Nguyễn Đức Sơn cho hay.
Nhắn gửi tới tân hiệu trưởng, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, trước mắt không nên xây phòng học mới nữa mà phải ưu tiên chuẩn bị cho kế hoạch lớn về việc hiện đại hóa các trường đại học.
Biết là khó, có thể làm được hoặc không nhưng nếu không đặt mục tiêu, không chuẩn bị tốt cho kế hoạch này sẽ không bao giờ có được.
"Về cơ sở vật chất của trường Sư phạm nhìn cũng tàm tạm nhưng với một trường trọng điểm đầu ngành, số một của Bộ GD&ĐT, không chỉ có thế này.
Chúng ta đi thăm một số trường sư phạm ở nước lân cận sẽ thấy quy mô của họ thế nào. Vậy nên, trong xu thế di dời các trường đại học ở khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành hiện nay, chúng ta phải nghĩ đến việc xây trường mới trong nhiệm kỳ tới", Bộ trưởng nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, hiện thành phố Hà Nội rất ủng hộ về địa điểm. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần rà soát hiện trạng, đề xuất nhu cầu đầu tư cụ thể cho giai đoạn 2026-2030, gửi Bộ GD&ĐT để tổng hợp, xây dựng kế hoạch trung hạn.
Nhắn gửi tới tân hiệu trưởng tại lễ công bố quyết định, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, làm lãnh đạo luôn khó, làm lãnh đạo trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ tự chủ này lại càng nhiều cái khó, nhiều sức ép, nhiều vất vả.
Làm hiệu trưởng một trường mà bề dày thành tích nhiều, một trường là mẫu mực cho các trường khác và mô phạm trong sự mô phạm là việc khó, nên càng cần chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong tân hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm sẽ vượt qua được khó khăn thử thách, tận dụng điều kiện thuận lợi từ công cuộc đổi mới giáo dục để phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo nhà trường rà soát và điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu và tình hình mới; đề ra chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở vật chất theo định hướng đồng bộ, hiện đại…
"Làm hiệu trưởng không nên chỉ dừng lại ở tư duy nhiệm kỳ trong vòng một năm rưỡi, không phải xây thêm một tòa nhà hay nhận thêm được một vài người mà phải có điều chỉnh đường hướng, có tầm nhìn sâu rộng, đổi mới tư duy đào tạo giáo viên, phải nhanh hơn nữa trong tiến trình đổi mới, để không thua kém các trường nhỏ khác", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Từ 1/5, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn giữ chức vụ Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn từng là Phó Hiệu trưởng nhà trường. Trước đó, năm 2003-2004, ông là giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội.
Từ năm 2005 đến năm 2009, ông là Phó trưởng bộ môn, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Trong khoảng thời gian 2009-2012: PGS.TS Nguyễn Đức Sơn là Phó trưởng khoa, Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐHSPHN và là trưởng khoa này từ năm 2012 đến nay.
Ở cương vị Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực: Đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí; nghiệp vụ sư phạm; nội chính; phòng chống tham nhũng; tài chính; tổ chức cán bộ; thi đua khen thưởng; cơ sở vật chất; kế hoạch phát triển nhà trường hàng năm và dài hạn; chiến lược phát triển nhà trường…