Lên đại học, "con ngoan trò giỏi" lao luôn vào... mại dâm, cờ bạc
(Dân trí) - Không ít "con ngoan trò giỏi" ở bậc phổ thông nhưng khi bước vào các trường đại học lại sa ngã ngay vào con đường mại dâm, cờ bạc...
"Tú bà" được giảm án vì... học giỏi
Thật khó hình dung những sinh viên vốn là "con ngoan trò giỏi" ở bậc phổ thông, khi bước vào đại học lại rơi ngay vào vòng xoáy tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc.
Ví dụ, cách đây vài năm, khi đường dây gái gọi của "tú bà" Nguyễn Thị Bích Phượng ở Hà Nội bị triệt phá thì nhiều người mới vỡ lẽ "chân rết" toàn sinh viên năm 2, năm 3 tại các trường đại học.
Chua chát thay, không phải ai mà chính các nữ sinh viên - những người được ăn học tử tế - lại chính là đối tượng được các "trùm" môi giới mại dâm nhắm đến.
"Má mì" Phượng khai thường lân la đến các tụ điểm vui chơi quanh các trường đại học, cao đẳng nhằm tiếp cận, dụ dỗ các nữ sinh rằng sau mỗi lần "làm thêm" sẽ nhận về số tiền lớn. Thế là, nhiều cô gái vướng ngay vào "bẫy".
Cuối năm 2023, công an TPHCM cũng phát hiện đường dây môi giới mại dâm của đối tượng Hồ Thị Hạnh (22 tuổi).
Hạnh "nắm" trong tay hơn 30 gái bán dâm, ngoài các hoa hậu, diễn viên điện ảnh, hot girl, còn có nhiều sinh viên… tham gia bán dâm với giá 14-50 triệu đồng mỗi lượt.
Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hai hot girl, trong đó có một sinh viên đại học đang bán dâm với giá 14 triệu đồng/lượt.
Gần nhất là trường hợp nữ sinh V.N.N.V. ở Tân Bình, TPHCM bị tuyên án 2 năm tù vì tội môi giới mại dâm.
Ở thời điểm phạm tội, V. là sinh viên năm nhất trường đại học trên địa bàn thành phố. V. được giảm nhẹ một phần hình phạt vì là học sinh giỏi liên tục 12 năm liền, đang là sinh viên đại học.
Bị cáo được giảm án vì... học giỏi như V. không còn là chuyện hiếm trong nhiều phiên tòa về mại dâm, cờ bạc, ma túy.
Nếu nhiều nữ sinh trượt theo đồng tiền bằng hoạt động bán dâm thì không ít nam sinh viên rơi vào con đường cờ bạc, đỏ đen.
"Cờ bạc là bác thằng bần" nhưng với sinh viên không chỉ dừng lại ở chỗ "bần" mà nhiều trường hợp đi thẳng đến cánh cửa nhà tù.
Mới đây, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử bị cáo N.V.A.Q., 23 tuổi, là sinh viên một trường đại học ở TPHCM cùng nhiều bị cáo khác về tội Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc và Gá bạc.
Cùng với Q., các bị cáo trong vụ án này phần lớn đang là sinh viên các trường đại học đóng trên địa bàn TPHCM.
Nhiều năm trước, vụ án nam thanh niên giết một phụ nữ tại chung cư cao cấp ở Hà Nội gây bàng hoàng dư luận. Khi gây án, thủ phạm P.T.T. là sinh viên năm 3 một trường đại học.
Trước đó, nhà trường đánh giá T. là một sinh viên ngoan, nhưng từ ngày sa vào cá cược bóng đá, T. đuối dần và bỏ học triền miên cho đến khi bị buộc thôi học.
Vướng vào trò thắng thua, T. bị đòi nợ liên tục nên đã ra tay sát hại người bạn quen qua mạng xã hội tại nhà riêng của nạn nhân để cướp tài sản về trả nợ, ăn tiêu.
Thiếu động lực từ bên trong?
"Con ngoan trò giỏi" ở bậc phổ thông khi bước vào đại học luôn mang theo nhiều mong đợi, kỳ vọng và cả sự tin tưởng của gia đình, bố mẹ.
Nào ai có thể tưởng tượng nổi khi đang ngồi trên ghế giảng đường, quãng thời gian mỗi người cần nỗ lực và rèn luyện nhất, nhiều sinh viên lại trượt dài bởi lối sống buông thả, chìm trong sa đọa…
Lý giải về điều này, ThS Nguyễn Mạnh Tuân, giảng viên một trường đại học ở TPHCM cho rằng, có một thực trạng rất nhức nhối ở nhiều người trẻ, kể cả những bạn có nền tảng học tập tốt ngày nay là tâm lý hưởng thụ, muốn giàu nhanh nhưng không muốn khổ luyện, nỗ lực.
Bên cạnh đó, ThS Tuân bày tỏ nhiều trường hợp các em ở bậc phổ thông học rất giỏi, rất ngoan, rất nề nếp nhưng khi vào đại học… trượt không phanh. Nhiều gia đình tiễn con vào đại học trong vẻ vang, đón con về trong tận cùng đau đớn.
Người này phân tích, ở bậc phổ thông, động lực học tập, sự ngoan ngoãn của con trẻ phần lớn đến từ bên ngoài - ở đây chính là sự kiểm soát từ gia đình, nhà trường. Nhiều em học để được phần thưởng, để không bị trừng phạt - những yếu tố đến từ bên ngoài - chứ không phải học cho bản thân.
"Nhiều học trò của chúng ta không có động lực học tập, rèn luyện lành mạnh đến từ bên trong. Khi vào đại học, động lực bên ngoài là sự kiểm soát của thầy cô, bố mẹ không còn, các em sẽ chới với, mất động lực hoàn toàn.
Chưa kể, nhiều học sinh, sinh viên còn kém về năng lực tự học, năng lực quản lý bản thân cho cuộc sống tự lập", vị giảng viên tâm tư.
Sinh viên trượt ngã, sa đọa, đạo đức tụt dốc là vấn đề được cảnh báo lâu nay . Nhưng suy cho cùng đó cũng chỉ là phần ngọn, quan trọng hơn phải là một hành trình giáo dục về những giá trị, phẩm chất, đạo đức, bản lĩnh cho con trẻ ngay từ nhỏ.