Lấy chỉ số hạnh phúc, chỉ số tiến bộ làm thước đo chất lượng giáo dục
(Dân trí) - Thầy Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy nói: “Chúng tôi lắng nghe cảm xúc của học sinh, hiểu được từng cá thể học sinh, tôn trọng học sinh và từ đó giúp cho các con tiến bộ. Chúng tôi không tạo áp lực học tập, không tạo áp lực kiến thức. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy lấy chỉ số hạnh phúc và chỉ số tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục”.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (1993-2018). Ngày 17/11/2018, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Sơ kết 5 năm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013; Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - 25 năm giáo dục vì sự nghiệp phát triển con người”.
Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện, chương trình hoạt động nhằm tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm trong quá trình 25 năm xây dựng và phát triển Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đồng thời vinh danh đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ nhân viên có nhiều cống hiến xây dựng trường, gương mặt học sinh tiêu biểu nhằm khẳng định các giá trị đã làm nên sự khác biệt của nhà trường, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Mở đầu buổi Hội thảo, thầy giáo Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy có bài báo cáo về lịch sử 25 năm phát triển của trường, đồng thời thầy Nam cũng trình bày triết lý giáo dục và xu hướng phát triển trong tương lai của hệ thống giáo dục này.
Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy đã đạt được nhiều thành tích song đối với nhà trường việc quan trọng hơn cả là không ngừng sáng tạo đổi mới, đặt ra những mục tiêu lớn lao hơn, đưa nhà trường bước lên một tầm cao mới, “Giữ trọn niềm tin, nâng tầm thương hiệu”, hoàn thành sứ mệnh giáo dục để phát triển con người.
Triết lý giáo dục xuyên suốt của Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm – Cầu Giấy là: “Mỗi đứa trẻ đến trường đều tiềm ẩn những giá trị và khả năng riêng biệt. Tìm hiểu, phát hiện, khơi dậy và bồi dưỡng, phát huy tối đa những giá trị, những tiềm năng của mỗi học trò, làm cho mỗi học sinh trở thành con người, có trí thức, tự tin, năng động và sáng tạo hơn khi bước tới tương lai là mục tiêu của nhà trường phổ thông. Chất lượng giáo dục của một nhà trường được đánh giá thông qua sự tiến bộ của mỗi học sinh”.
Giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn xây dựng cho học sinh một ngôi trường giống như ngôi trường của cô bé Totto-chan trong cuốn sách được cả thế giới yêu mến “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”. Nơi mà học sinh không phải học quá nhiều, được sống vui vẻ bên bạn bè, được vui chơi, dã ngoại và khám phá thế giới bên ngoài sách vở.
Triết lý giáo dục của nhà trường được tiếp thêm động lực bởi Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Với phương châm của nhà trường là “Dạy là để làm người, học là để làm người”, chăm lo tới từng học sinh, giúp cho mỗi trò đều tiến bộ, làm cho mỗi học sinh đều nên người. Kim chỉ nam này vẫn luôn được nhà trường kiên định, ngay cả trong giai đoạn xã hội học để chạy theo thi cử.
“Chỉ tiêu về hạnh phúc và chỉ số về sự tiến bộ là hai chỉ số được nhà trường quan tâm nhất để đánh giá kết quả giáo dục. Theo kết quả nghiên cứu khảo sát của phòng Tâm lý học nhà trường, số học sinh cảm thấy hạnh phúc là 88-92% và chủ số tiến bộ là 100%.”, thầy Đàm Tiến Nam nói.
Chia sẻ sâu hơn về triết lý giáo dục của nhà trường, TS. Nguyễn Văn Hoà - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị nói: “Chúng tôi muốn giáo dục cho học sinh có ước mơ, để các em xây dựng tương lai cho chính mình chứ không đuổi theo thành tích. Thành tích của học sinh và nhà trường có được đều là tự nhiên mà tới. Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành những chương trình riêng để giáo dục học sinh có ước mơ, như là chương trình mời 100 người thành đạt tới trường gặp gỡ, truyền cảm hứng cho học sinh...”.
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận thức được cần phải “dạy học để hình thành nhân cách, phẩm chất và phát triển năng lực” từ 15-20 năm nay. Nhà trường không muốn học sinh chỉ biết học, cho rằng nếu chỉ biết học các em sẽ không thể thành công khi ra xã hội.
“Chúng tôi lắng nghe cảm xúc của học sinh, hiểu được từng cá thể học sinh, tôn trọng học sinh và từ đó giúp cho các con tiến bộ. Chúng tôi không tạo áp lực học tập, không tạo áp lực kiến thức. Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy lấy chỉ số hạnh phúc và chỉ số tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục”, thầy Nguyễn Văn Hoà cho biết.
Mai Châm