Lập trang trại trong trường để cải thiện bữa ăn học sinh

Để cải thiện bữa ăn cho học sinh, thầy và trò các trường phổ thông dân tộc nội trú đã thành lập trang trại ngay tại trường với vườn rau trái sum sê, lợn, gà, vịt từng đàn. Mô hình trường học-trang trại vừa giúp học sinh ăn uống đủ chất hơn, vừa là môi trường giáo dục kỹ năng sống hiệu quả.

Trường thành trang trại

Nếu ở vùng xuôi, học sinh bán trú chỉ ở lại trường buổi trưa thì tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, do điều kiện địa hình đi lại phức tạp, các em ở lại trường cả tuần, chỉ về nhà vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, nhưng để cải thiện chất lượng bữa ăn cho các em cũng là vấn đề nan giải với các thầy cô giáo khi đa số người dân đều là hộ nghèo, kinh tế khó khăn.

Trước bài toán khó, ở nhiều trường, giáo viên và học sinh đã cùng xắn tay làm vườn trồng rau, làm chuồng nuôi gà, lợn để bữa ăn học sinh đủ rau, đủ thịt, hình thành mô hình trường học-trang trại.
 
Lập trang trại trong trường để cải thiện bữa ăn học sinh
Bữa ăn của học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Tân Tiến, Lào Cai. (Ảnh: TTXVN)


Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, ông Đỗ Lê Tín, phấn khởi cho biết, ở Lào Cai, mô hình này khá phổ biến. Các thầy cô đã học hỏi cách nuôi trồng của người dân tộc thiểu số và cùng với phụ huynh, học sinh xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp với đặc thù địa phương.

Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, nơi cách trung tâm thị trấn đến 80 km, người dân xếp đá thành vòng tròn, đổ đất vào giữa, tạo thành vườn trồng rau, đổ bê-tông làm cột và bắc dàn trồng su su.

Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Lùng Phình, huyện Bắc Hà, thay vì làm chuồng, giáo viên đào hào để vật nuôi không ra ngoài được. Thầy và trò cùng đào hầm ở vách núi làm chỗ trú cho vật nuôi vào ban đêm cũng như những khi mưa gió.

Với những nỗ lực đó, các trường đã tự đảm bảo được rau ăn. Vào mỗi dịp lễ tết, như Tết Nguyên đán, nhà trường lại tổ chức liên hoan văn nghệ và mổ lợn ăn mừng, vừa để học sinh được hưởng không khí Tết, vừa góp phần duy trì tốt hơn tỷ lệ chuyên cần.

“Các hoạt động này cũng là cách rèn luyện cho các em kỹ năng sống như trồng trọt, chăn nuôi, tình yêu lao động, tình đoàn kết, tinh thần tập thể...” ông Lê nói.

Ở Yên Bái, theo bà Đồng Thị Anh Ngọc, chuyên viên Phòng giáo dục Dân tộc và công tác học sinh sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, mô hình này cũng được triển khai khá tốt ở nhiều trường.

Giờ thể dục của học sinh Lào Cai. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Giờ thể dục của học sinh Lào Cai. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Nậm Lành, huyện Văn Chấn, mỗi năm thu hoạch được hơn một tấn rau và trên 500 kg thịt lợn, gia cầm. Phân gia súc thải ra được sử dụng làm bioga, phục vụ việc đun nấu. Học sinh là đội ngũ chính tham gia vào mô hình này dưới sự hướng dẫn các thầy cô giáo sau những buổi học chính khóa.

Theo bà Ngọc, bên cạnh việc học trên lớp thì những kỹ năng học được trong quá trình tham gia lao động tại trường sẽ rất có ích cho các em sau này, nhất là với những học sinh không có định học lên sau bậc trung học cơ sở.

Với nhiều lợi ích mang lại, mô hình này hiện đang được nhân rộng tại Yên Bái. Mỗi năm, huyện và tỉnh đều tổ chức các hội nghị học tập và đưa các trường về tham quan học hỏi kinh nghiệm ở những trường làm tốt. Hiện ở Yên Bái có 20 trường trên tổng số 40 phổ thông dân tộc bán trú đã làm được mô hình chăn nuôi trồng trọt.

Tuy nhiên, bà Ngọc cũng cho biết, việc áp dụng mô hình này không đơn giản, đòi hỏi nhiều yếu tố, nhất là cần có quỹ đất. Chẳng hạn ở Nậm Lành, có gia đình đã hiến 4.000 mét vuông đất cho trường. Có trường không có đất đã phải đi thuê của dân, sau khi có thu nhập từ việc chăn nuôi trồng trọt thì trả tiền thuê đất.

Linh hoạt trong xã hội hóa giáo dục

Mô hình trường học-trang trại với sự vào cuộc của thầy cô giáo, học sinh và sự hỗ trợ của cả người dân trong việc đóng góp công sức lao động và như quỹ đất cũng là ví dụ tiêu biểu cho việc huy động xã hội hóa một cách linh hoạt ở các trường khu vực miền núi.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, ông Đỗ Lê Tín, việc xã hội hóa giáo dục đối với miền núi không thuận lợi và đơn giản như miền xuôi là phụ huynh đóng góp tiền.

“Người dân ở đây rất khó khăn. Xã hội hóa cũng có giới hạn và cần linh hoạt, có thể đó là sự đóng góp ngày công, có khi chỉ đơn giản là bó củi để nấu ăn cho học trò,” ông Tín nói.

Cụ thể như ở Lào Cai, xã hội hóa chỉ xây dựng được nhà tạm cho học sinh bán trú như làm nhà ở, bếp ăn, khu trồng rau, giáo dục kiến thức tăng gia sản xuất cho học sinh, hình thành trường học nông trại, hỗ trợ nước sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp thì rất khó.

Thuận lợi nhất là trong công tác nuôi dưỡng. Trên thực tế, chính mô hình trường bán trú dân nuôi đã là tiền thân cho sự ra đời của mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú. Các địa phương xây dựng kho thóc, người dân góp gạo, góp củi, học sinh có cơm ăn để đi học. Những bữa ăn không chỉ phục vụ học sinh bán trú mà cả những em không thuộc diện bán trú nhưng có nhu cầu ăn trưa tại trường.

“Ở đây, chúng tôi không thuê người ngoài mà chủ yếu là phụ huynh tự nấu cho con em mình. Cách làm này có nhiều thuận lợi ở chỗ họ là người địa phương và nấu ăn cho chính con mình nên rất có trách nhiệm. Tiền công trả cho họ không nhiều, chỉ chỉ mang tính động viên,” ông Tín cho biết.

Giống như Lào Cai, tại Yên Bái, theo bà Ngọc, sự đóng góp xã hội hóa cũng chỉ trên tinh thần tự nguyện góp công hơn là góp của. Ở nhiều nơi, người dân tự xây dựng các nhà ở tạm cho con quanh trường, góp gạo để học sinh ăn.

Đây cũng là chia sẻ của thầy Nguyễn Hữu Đoan, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. “Người dân ở đây rất nghèo, họ cũng muốn đóng góp nhưng không đáng gì, chẳng hạn như mỗi tháng góp củi đun. Đầu năm học, thầy cô vẫn phải góp tiền để mua đồ dùng học tập cơ bản cho các em,” thầy Đoan chia sẻ.

Vì thế, theo thầy Đoan, để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc bán trú, bên cạnh sự nỗ lực của các thầy cô giáo và học sinh, vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước.
 
Theo Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm