Làm thêm không chỉ để kiếm tiền
(Dân trí) - Các bạn sinh viên khi mới ra trường (nhất là những bạn ở tỉnh xa muốn trụ lại thành phố) chưa tìm được việc làm chính thức phù hợp với chuyên ngành đã học thường đi làm thêm với tâm lý kiếm tiền để trang trải cuộc sống trước mắt, thực hiện chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”.
Nhưng thực ra làm thêm đâu chỉ có mỗi lợi ích ấy, nó còn bao hàm những “tầng sâu” giá trị khác nữa mà nhất thời các bạn chưa nhìn ra.
Trước tiên, sau mười mấy năm miệt đèn sách trên ghế nhà trường, những công việc làm thêm sẽ giúp bạn trải nghiệm thực tế. Kiến thức học được trong thời gian này đôi khi có giá trị bằng tất cả những năm tháng bạn cắp sách đến lớp. Bạn sẽ biết được cuộc sống không phải là những trang vở thơm mùi giấy mà cuộc sống là mồ hôi, nước mắt, là cả những đắng cay, nhọc nhằn. Thực tế ấy sẽ mài sắc nhận thức vốn còn mơ hồ, ảo tưởng của tuổi trẻ. Va chạm thực tế còn nhằm rèn giũa sức chịu đựng để bạn vững vàng hơn trước những khó khăn sẽ gặp phải trong công việc mai sau.
Làm thêm giúp bạn mở rộng mối quan hệ xã hội. Nếu công việc bạn đang làm chỉ đơn giản, nhẹ nhàng là gia sư thì đối tượng mà bạn biết cũng không dừng lại ở một học sinh bạn dạy mà còn là cả một gia đình. Nếu bạn dạy tốt thì gia đình ấy lại giới thiệu bạn sang một gia đình khác, cứ như vậy mối quan hệ của bạn dần dần được tăng lên lúc nào không biết.
Làm thêm còn giúp bạn tích lũy kinh nghiệm cho công việc sau này, đây là điều đặc biệt quan trọng. Đã xa rồi cái thời làm nghề nào chỉ biết nghề ấy. Mỗi công việc bạn làm dù nhiều, dù ít đều có liên quan đến những ngành nghề khác. Ví như không thể nói tôi dạy học chỉ cần biết dạy học là đủ mà người làm nghề giáo còn phải am hiểu tâm lý tuổi học trò, có năng lực quản lý số đông, khả năng thuyết trình, lan truyền cảm hứng, kiên trì, nhẫn nại, lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác… Giả sử trước đó bạn đã từng làm thêm việc bán hàng (một công việc chả liên quan gì đến dạy học) thì vẫn có tác dụng nhất định bởi tiếp xúc nhiều với những khách hàng khó tính, hay hạch sách sẽ giúp bạn không bị “sốc” khi gặp phải những học sinh cá biệt, khó bảo để tìm ra phương cách “điều trị” hiệu quả.
Sẽ tốt hơn, hữu dụng hơn nếu khi làm thêm bạn lựa chọn được một công việc gần gũi nhất với chuyên môn của mình để sau đó có thể tận dụng ngay mà không bị thời gian làm cho hao mòn, uổng phí. Ví dụ nghề của bạn là dạy học thì nên chọn công việc làm thêm là gia sư để làm quen trước.
Nếu nghề của bạn là kĩ sư xây dựng hãy thử sức với thợ xây, thợ sơn xem thế nào; nghề của bạn là nghiên cứu môi trường đô thị sao không làm một chân lao công quét dọn đường phố.; chuyên ngành quản lý khách sạn thì hãy là tạp vụ, bồi bàn trước đã… Chắc hẳn bạn sẽ phát hiện được khối điều hay mà đứng từ ngoài nhìn vào không thấy được.
Nói vậy nghe có vẻ lý thuyết suông, bởi bao năm chỉ quen cầm bút, cầm thước, quần áo không dính một vết bẩn, tay chân không một vệt chai sạn nay lại bảo bạn đầu tắt mặt tối với những công việc lao động nặng nhọc thì làm sao quen được. Bao năm ăn học hao tiền tốn của chỉ mong đến lúc thành tài nay lại bảo bạn hãy bắt đầu từ những việc nhỏ bé, tầm thường thì thật vô lý quá. Nhưng bạn ơi, đừng vội nghĩ vậy!
Điều quan trọng là khi làm những công việc đó bạn vẫn phải không ngừng nuôi dưỡng ước mơ và đam mê của mình. Mắt vẫn luôn nhìn thẳng và hướng về phía trước. Đừng để công việc hiện tại cuốn bạn đi theo ý của nó mà hãy luôn nhớ bạn đang điều khiển nó để đi đến cái đích mà mình đã vạch sẵn. Đừng để những khó khăn, mệt mỏi của công việc tạm thời này nhấn chìm bạn, làm bạn chán nản, thui chột ý chí, nhiệt tình với cuộc sống (vì điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc chính thức bạn làm sau này). Cũng đừng dậm chân tại chỗ khi công việc làm thêm tạm ấy đã có vẻ ổn định (thường là do sức ỳ, ngại thay đổi, ngại phải lao vào một điều gì đó nữa, bạn sẽ bằng lòng ngay cả với công việc mà mình đang ghét để đổi lấy sự yên ổn, rồi tặc lưỡi cho qua ước mơ về một công việc bạn hằng ấp ủ).
Việc làm thêm có thể chẳng đạt được mục đích nào trong tất cả những điều đã nêu trên. Nhưng ít nhất nó cũng chứng tỏ rằng bạn đang cố sống, cố vật lộn với đời để tồn tại, để khẳng định sự không vô nghĩa của bản thân. Ngoài ra còn cho thấy bạn là người chăm chỉ, yêu lao động, biết trân quý thời gian, không đành lòng để những tháng ngày của tuổi trẻ trôi đi xa xỉ phí hoài, không yếu mềm để những cuộc chơi bời, nhậu nhẹt, tán gẫu... vô bổ cám dỗ mình.
Vì thế, xin đừng “nằm dài” chờ việc, bạn nhé! Cứ dấn thân khi còn có thể, tuổi trẻ phải đâu là ngồi một chỗ, ở một nơi duy nhất. Và người ta thường hối hận vì những việc mình đã không làm, chứ ít ai hối hận vì những việc mình đã gắng hết sức để làm.
Dư Phương Liên
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ emailgiaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!