Bạn đọc viết:
“Ế” đầu ra, sao vẫn cố bước chân vào giảng đường?
(Dân trí) - Sức học bình thường nhưng ngay từ hồi mới vào cấp 3, đứa cháu ruột của tôi đã có suy nghĩ là sau này nhất định phải đi học đại học. Có học đại học thì mới có cơ hội mở mặt với đời và để cho bố mẹ được mở lòng với thiên hạ.
Vào đại học, đó là con đường duy nhất và cũng là tư tưởng “chủ đạo” của cả học sinh và phụ huynh đang có con học phổ thông. Bằng đại học dường như là tiêu chuẩn để đánh giá về văn hoá của một người, nhất là những người ở thế hệ trẻ. Không riêng gì cháu tôi mà nhiều bạn trẻ hiện nay đều có tư tưởng là phải “phổ cập” đại học mới yên tâm. Dù biết, hiện nay, tình trạng các “ông cử bà thạc” ra trường không có việc làm ngày càng nhiều nhưng người muốn vào đại học cũng không giảm đi. Đại học dường như là “tấm bùa hộ mệnh” lớn nhất cho mọi người, kể cả khi chỉ đi làm thợ hoặc công nhân.
Nhiều người thích “làm thầy” vì làm thầy sẽ được chỉ đạo thợ, lương của thầy có thể không cao bằng thợ nhưng vị thế sẽ “oai” hơn so với người lao động chân tay. Thế nên dễ hiểu là ở nước ta hiện nay luôn trong tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”. Ai cũng muốn con mình được học cao, được làm ông nọ bà kia chứ không tự hào khi nói về con mình hay bố mình là một người thợ trong nhà máy, xí nghiệp. Thực tế, có những người thợ trong tay có một bằng nghề giỏi, được làm việc trong môi trường tốt với lương thưởng tốt nhưng vẫn phải cố kiếm một cái bằng đại học tại chức bởi quan niệm về bằng cấp luôn nặng nề đối với người dân và cả xã hội.
Một mùa thi sắp đến, nhiều phụ huynh lại “sôi sục” lo cho con “một chân” vào trường đại học, to hay nhỏ, công lập hay dân lập đều được, miễn là có một cái bằng đại học cho chắc chân. Nhiều nhà, dù rất khó khăn, cho con đi học còn phải vay mượn nhưng vẫn cố liên thông lên cho được cái bằng “phổ cập” của xã hội. Để trả cho cái bằng ấy, nhiều gia đình, bố mẹ phải đổ mồ hôi làm việc mới có được, nhưng cái vất vả ấy còn chưa thấm vào đâu so với chặng đường xin việc gian nan khi xã hội chỉ cần đến những người thợ giỏi chứ không cần đến những ông thầy “lờ mờ”.
Nhiều em học không giỏi nhưng khéo tay và có tài lẻ, có thể hướng đến học nghề hoặc những công việc lao động phù hợp với khả năng và hoàn cảnh. Tuy nhiên, vì tư tưởng thích bằng cấp, vì muốn hư danh mà nhiều học sinh vẫn cố để vào được một trường đại học. Nếu không giỏi để đỗ vào trường lớn thì vẫn chấp nhận học một trường nhỏ của tỉnh, miễn sao có cái bằng phổ cập cho “chắc ăn”. Cứ học, rồi sẽ tính, tính đến lúc nào không được thì thôi, làm gì thì làm vẫn cần có cái bằng đại học đã dẫn đến “khủng hoảng thừa” cử nhân. Lãng phí và gánh nặng xã hội, kinh tế kém phát triển, một trong những nguyên nhân là do sự không cân đối giữa đầu ra và đầu vào. Sự học liên quan đến cả một hệ tư tưởng, không dễ để thay đổi nhanh chóng và dễ dàng.
Minh Minh
(Bắc Ninh)