Kỳ thi tuyển sinh riêng "đua nở", lo ngại giảm tải thi cử ngày càng xa?
(Dân trí) - Mùa tuyển sinh năm 2023 sẽ có thêm một số trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để lấy cơ sở xét tuyển sinh. Tuy nhiên, các kỳ thi này liệu có tăng áp lực thi cử cho học sinh?
Cùng với nhiều trường đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực lâu nay, năm nay lần đầu tiên Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng.
Kết quả của kỳ thi này sẽ là một trong phương thức xét tuyển hơn 3.600 chỉ tiêu năm 2023 của trường cùng các phương thức xét tuyển khác như xét điểm tốt nghiệp THPT, tuyển thẳng, xét học bạ.
Với kỳ thi riêng này, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM sẽ không còn sử dụng phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM đã áp dụng nhiều năm qua.
Trước thắc mắc vì sao trường lại phải tổ chức kỳ thi riêng khi đã có rất nhiều phương thức xét tuyển, ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết, mục đích của kỳ thi riêng là trường muốn lựa chọn thí sinh phù hợp vào học tại trường.
Cụ thể là thí sinh có năng lực học tập phù hợp, thể hiện rõ ràng nhất thông qua năng lực học tập ở bậc THPT của thí sinh thông qua các môn học. Kỳ thi riêng của trường tổ chức thi các môn học phổ thông như toán, lý, hóa, sử, địa... theo chương trình học.
Theo ông Vũ, dù điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức tuyển sinh chủ yếu nhưng trường vẫn mong muốn có các phương thức khác phù hợp hơn để lựa chọn những thí sinh phù hợp nhất. Việc tổ chức kỳ thi riêng cũng tăng cơ hội vào trường cho nhiều em.
Đại diện nhà trường cũng cho biết, hiện có nhiều đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực với nhiều phương thức đa dạng. Nhưng, quan điểm của trường, việc đánh giá năng lực học tập của thí sinh quan trọng nhất vẫn là năng lực học tập thể hiện cụ thể qua các môn học ở bậc phổ thông. Nếu lựa chọn thí sinh vào học đại học quá khác biệt so với chương trình của bậc THPT sẽ ảnh hưởng đến cả thí sinh và nhà trường.
Đối với việc tổ chức một kỳ thi riêng đòi hỏi những điều kiện, năng lực tổ chức thi nhất định, ông Vũ khẳng định, trường đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho kỳ thi này, được tổ chức trên máy tính. Nhà trường cũng hy vọng kỳ thi sẽ được tin cậy, sau này các trường có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển nếu phù hợp.
Đại diện Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cũng khẳng định, nội dung thi gắn liền với các môn học trong chương trình ở bậc phổ thông. Thí sinh không phải luyện thi, luyện đề, chỉ cần giữ nguyên việc học và ôn tập tại trường phổ thông.
Tại TPHCM một số trường đại học cũng nghĩ đến tiêu chí riêng trong tuyển sinh nhưng "lắc đầu" với việc tổ chức kỳ thi riêng. Để tổ chức một kỳ thi đòi hỏi hàng loạt điều kiện, năng lực tổ chức, đội ngũ, ra đề thi, chấm thi...
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, trường dùng kết quả của kỳ kiểm tra năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM làm kết quả tuyển sinh chứ không tổ chức kỳ thi riêng.
Theo ông Sơn, việc tổ chức một kỳ thi riêng là việc không dễ dàng và còn rất nhiều yếu tố may rủi. Ngay như việc làm đề thi, trường không có đội ngũ giáo viên cấp 3 hay huy động được đội ngũ này ra đề, rồi có nhiều đổi mới trong việc ra đề các trường có thể không nắm bắt kịp thời.
TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức thông tin, năm 2023, trong các phương thức tuyển sinh của trường tiếp tục có bài kiểm tra TestAS đánh giá năng lực đầu vào hoàn toàn bằng tiếng Anh.
TestAS là bài thi đánh giá năng lực, không nhắm đến kiểm tra trực tiếp các kiến thức mà tập trung vào đánh giá kỹ năng nhận biết, suy luận và xử lý vấn đề.
Một trong những đặc thù của bài thi đánh giá năng lực là dự đoán khả năng thành công của thí sinh khi theo học một chuyên ngành nào đó. Bài thi được tổ chức tại trường Việt Đức và chuyển về chấm tập trung tại Viện TestDaF, Đức.
Theo lãnh đạo nhà trường, thực hiện bài kiểm tra này cho phép nhà trường so sánh công bằng năng lực của ứng viên khi được học ở hệ thống giáo dục tại các quốc gia trên thế giới.
Để xây dựng và tổ chức kỳ thi kiểm tra đầu vào như thế này, TS Hà Thúc Viên cho biết, phải chuẩn bị rất kỹ các mô thức test kiến thức nhằm tuyển chọn được thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất.
Ông Viên cho rằng, tổ chức kỳ thi riêng cần cân nhắc nhiều yếu tố. Dù phương thức xét tuyển riêng mang lại một số lợi ích cho đơn vị tổ chức nhưng không vì thế mà bỏ qua các yếu tố cần và đủ cho một kỳ thi có tính chất khảo thí, sàng lọc thí sinh tốt, giỏi.
Lãnh đạo một Trường ĐH ở TPHCM nêu quan điểm, đây là kỳ thi không bắt buộc, thí sinh có thể lựa chọn hoặc không để gia tăng cơ hội trúng tuyển cho mình. Tuy nhiên, thí sinh nên cân nhắc để tránh việc phải lao vào luyện thi, tham dự nhiều kỳ thi ảnh hưởng không tốt đến quá trình học tập.
Khi các trường đua nhau tổ chức kỳ thi riêng, theo ông có thể phát sinh nhiều vấn đề cần quan tâm như: chất lượng kỳ thi, thí sinh lao vào việc luyện thi, nhiều thí sinh ở xa không có điều kiện dự thi bị mất cơ hội...
"Với việc các kỳ thi riêng nở rộ, phải chăng con đường giảm tải trong thi cử của chúng ta dường như ngày càng xa?", ông băn khoăn.
Người này cho rằng, nếu trường đào tạo không mang tính đặc thù như sư phạm, y... việc lấy kết quả thi đánh giá năng lực từ các ĐH lớn tổ chức xét tuyển là cách vừa chọn được thí sinh chất lượng vừa giảm áp lực cho trường, giảm "rối" cho thí sinh.