Kỳ thi đại học lớn nhất nước đổi cấu trúc đề thi, có gây khó cho học sinh?
(Dân trí) - Từ năm 2025, kỳ thi đại học có quy mô lớn nhất nước này thay đổi cấu trúc đề thi với mục tiêu để tuyển được những học sinh phù hợp học đại học.
Sau 7 năm tổ chức ổn định, từ năm 2025 Đại học Quốc gia TPHCM chính thức thay đổi cấu trúc đề thi kỳ thi đánh giá năng lực.
Không tính kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM là kỳ thi trực tiếp xét tuyển vào đại học có quy mô lớn nhất trong cả nước.
Năm 2024, kỳ thi thu hút gần 107.000 thí sinh tham gia (tăng hơn 21 lần so với lần tổ chức đầu tiên vào năm 2018) và được hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Theo lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM, việc điều chỉnh cấu trúc đề thi để phù hợp với bối cảnh áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TPHCM, thông tin, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh chọn 4 môn trong số 9 môn học gồm địa lý, giáo dục kinh tế pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, âm nhạc, tin học, mỹ thuật. Tính ra sẽ có đến 126 tổ hợp chọn môn, cách lựa chọn của học sinh rất đa dạng.
Theo số liệu tại TPHCM mà đại học này có được, ở khối 10 có 87.000 học sinh, trong đó 64.976 học sinh chọn học môn vật lý, 58.481 học sinh chọn học môn hóa, 43.816 học sinh chọn học môn sinh, 41.075 học sinh chọn học môn địa lý, 39.900 học sinh chọn học môn giáo dục kinh tế pháp luật.
Khối 12 có 90.000 học sinh có 59.319 học sinh chọn học môn lý, 52.006 học sinh chọn học môn hóa, 38.779 học sinh chọn học môn sinh, 40.729 học sinh chọn học môn địa lý, 39.152 học sinh chọn học môn giáo dục kinh tế pháp luật.
Từ năm 2025, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời thêm số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.
Đề thi đánh giá năng lực năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi.
Điểm thi được quy đổi theo từng phần. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm tiếng Việt là 300 điểm, tiếng Anh là 300 điểm; toán học là 300 điểm và tư duy khoa học là 300 điểm.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, thay đổi cấu trúc đề thi đánh giá năng lực để phù hợp với xu hướng chọn lựa các môn học đa dạng của thí sinh trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Qua đó để đánh giá chính xác năng lực của thí sinh cũng như bảo đảm sự công bằng tiếp cận với giáo dục đại học cho tất cả thí sinh.
"Đề thi cung cấp đầy đủ thông tin, dữ kiện để đảm bảo thí sinh có thể hoàn thành bài thi. Thí sinh sẽ dùng chính dữ kiện được cung cấp trong đề thi để suy luận và tìm ra quy luật.
Điều này không yêu cầu thí sinh phải học chuyên sâu về các môn như lý, hóa, sinh, sử, địa... mà phải dựa vào năng lực đọc hiểu, suy luận, tư duy khoa học để làm bài", TS Nguyễn Quốc Chính thông tin.
Cách tiếp cận này, theo ông Chính tương đồng với các đề thi chuẩn hóa quốc tế như Scholastic Assessment Test (SAT) của Hoa Kỳ, Psychometric Entrance Test (PET) của Israel và General Aptitude Test (GAT) của Thái Lan.