"Ký nợ cho giáo viên có túi quà về quê ăn Tết"
(Dân trí) - Đó là kỷ niệm của những người làm công tác giáo dục nơi huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) khi nhắc đến chuyện thưởng Tết.
Đối với nghề giáo, việc được thưởng tiền triệu là hơi khó
Sinh ra và lớn lên ở huyện miền biển Hoằng Hóa, Thanh Hóa nhưng cô Vũ Thị Kim Thoa, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Giao An, huyện Lang Chánh đã có 15 năm gắn bó với học sinh miền núi.
Những ngày này, thời tiết rét cắt da, cắt thịt và điều kiện đi lại khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, cô Thoa cũng như những đồng nghiệp của mình vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhớ lại những ngày đầu lên công tác ở huyện miền núi Lang Chánh khi chưa có điện, cuộc sống của bà con rất vất vả: "Nhiều lúc thấy tội học sinh ăn, ở thiếu thốn, các em có khi ăn cơm trắng với cá khô.
Ngày đó đường xá không như bây giờ, cả tuần mới đi chợ được một lần để cải thiện bữa ăn. Giáo viên phải thắp nến soạn giáo án. Khó khăn là vậy nhưng nhiệt huyết thầy cô luôn căng tràn".
Nói đến thưởng Tết, cô Thoa chia sẻ: "Tôi đã có 15 năm công tác, việc thưởng Tết phần lớn do nhà trường và công đoàn trích ra một phần quỹ, số tiền không nhiều, nhưng đủ để khích lệ, làm ấm lòng giáo viên trong ngày Tết.
Đối với nghề giáo, việc được thưởng tiền triệu là hơi khó, phần lớn các nhà trường còn khó khăn về mặt tài chính nên món quà chủ yếu chỉ mang tính khích lệ.
Tôi xem ti vi thấy các doanh nghiệp thưởng cho người lao động có khi bằng cả năm công tác của mình, đôi khi cũng thấy chạnh lòng. Nhưng cũng biết khó khăn chung của ngành giáo dục, nhà trường, công đoàn và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho được cái gì là quý cái đó.
Tôi mong sắp tới, cả xã hội cùng quan tâm, khuyến khích đối với ngành giáo dục của chúng tôi để các thầy cô cũng phần nào yên tâm trong công tác và đời sống cũng được nâng lên hơn".
Nhớ lại trước đây, những ngày lễ tết, các bậc phụ huynh học sinh cũng rất quan tâm đến thầy cô giáo. Có những năm, thầy cô được phụ huynh tặng măng rừng, kẹo nhãn, tuy giá trị không lớn nhưng đó là tấm lòng của phụ huynh dành tặng mà cô Thoa không bao giờ quên.
Với thầy Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Giao An đã có gần 28 năm công tác trong ngành, trong đó, có 22 năm ở xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh. Ngần ấy năm công tác nhưng với thầy Linh, khái niệm thưởng Tết vẫn là điều gì đó còn rất xa lạ.
Theo thầy Linh, Trường Tiểu học và THCS Giao An hiện có 30 cán bộ, giáo viên với 332 học sinh, chiếm 99% là con em đồng bào dân tộc Mường.
"Nói đến thưởng Tết, có nhiều doanh nghiệp, xí nghiệp, các cơ quan đơn vị khác được thưởng khá nhiều. Tuy nhiên, đối với những người công tác trong ngành giáo dục, việc thưởng Tết rất ít hoặc gần như không có.
Nguồn thưởng chủ yếu là do nhà trường tiết kiệm trong chi tiêu, nghiệp vụ như: Tiết kiệm trong sử dụng điện, nước…, cùng với tổ chức công đoàn nên nhiều lắm thì cũng động viên cán bộ giáo viên 100 - 200 nghìn đồng gọi là.
Trước đây, nhà trường thậm chí phải đi ký nợ các quán hàng để có tờ lịch, chai nước mắm, hay chai dầu ăn cho giáo viên khi rời vị trí công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, về quê nội ngoại có được một túi quà mang hương vị Tết", thầy Linh chia sẻ.
Với thầy Linh, kỷ niệm sau hàng chục năm công tác, những ngày lễ như 20/11, ngày Tết, phụ huynh đến thăm có bông hoa rừng tặng thầy cô cũng là niềm vui, niềm an ủi rất lớn.
Mặc dù thưởng Tết gần như không có, nhưng với những người làm nghề giáo dục như thầy Linh, cô Thoa… không bao giờ ghen tỵ với các ngành, nghề khác. Các thầy cô cũng xác định tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng khó, nơi mà các em học sinh đang thua thiệt rất nhiều thứ.
"Dành hết tâm huyết, những cái chúng tôi có để giúp các em học sinh. Trường chúng tôi hiện nay đã đạt chuẩn quốc gia. Mong muốn, thời gian tới, Tết nhất chúng tôi sẽ được xã hội quan tâm và sẽ được các ngành chức năng có được phần thưởng nào đó theo quy định của ngành chứ không chỉ là từ nguồn tiết kiệm như hiện nay", thầy Linh mong muốn.
Gần 30 năm công tác, thưởng Tết 200.000 đồng
Cô Đặng Thị Thắm, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Trí Nang, huyện Lang Chánh, cũng từng có 28 năm cống hiến cho ngành giáo dục. Bấy nhiêu năm công tác nhưng trong suy nghĩ của cô Thắm với giáo viên không có thưởng Tết. Hàng năm, nhà trường tiết kiệm lắm thì cho được mỗi giáo viên 200 nghìn đồng.
"Giáo viên chủ yếu là lương thôi, các ngành nghề khác, doanh nghiệp họ thưởng Tết, còn giáo viên chúng tôi không được thưởng, cũng thấy thiệt thòi. Mong muốn chung của giáo viên là được thưởng Tết. Nhiều giáo viên trẻ lương còn thấp, so với giá cả hiện nay tăng lên nên cũng vất vả", cô Thắm chia sẻ.
Chia sẻ kỷ niệm gần 30 năm công tác về những ngày lễ tết, với cô Thắm: "Những ngày lễ, ngày Tết, phụ huynh cũng quan tâm, đến chúc mừng bằng cách mời thầy cô bữa cơm hoặc tặng ít gạo nếp của nhà làm ra.
Còn có học sinh mang phong bì tặng thì thầy cô cũng gửi lại, không lấy vì rất thương học sinh, các em rất nghèo, rất khó khăn, các em đến với thầy cô là vui rồi".
Thầy Đỗ Đông Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trí Nang cho biết, nhà trường có 31 cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái.
Ấn tượng sâu sắc nhất của thầy Hòa mỗi khi Tết đến, xuân về trong hơn 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục là nhiều năm, bà con tặng các thầy cô bó lá dong hoặc cành đào để về quê ăn Tết.
Còn với thầy Nguyễn Văn Quảng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Giao An, từ khi công tác đến nay gần 30 năm, điều để lại ấn tượng nhất là năm 2000, chuyển giao thế kỷ, mỗi cán bộ công nhân viên được thưởng 100 nghìn đồng ăn Tết. Với thầy Quảng, đó là món quà Tết lớn nhất trong đời làm giáo dục của mình.
"Khoảng 10 năm trở lại đây, ngày lễ, Tết, cố gắng tặng mỗi thầy cô 200 nghìn đồng gọi là từ tiết kiệm chi thường xuyên của nhà trường. Thường tháng 1 và tháng 2 được lấy lương 2 tháng để các thầy cô có thêm khoản tiền tiêu Tết. Còn nói đến khái niệm lương tháng 13 thì mơ hồ lắm", thầy Hòa chia sẻ.