Kiến nghị sinh viên ngành "ít người học" được hưởng chế độ như sư phạm

PV

(Dân trí) - Sinh viên theo học nhóm ngành ít người đăng ký học, điểm chuẩn còn thấp được kiến nghị hưởng chế độ như sinh viên ngành sư phạm.

Đó là một trong những nội dung kiến nghị của Câu lạc bộ Khối đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thuộc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Kiến nghị sinh viên ngành ít người học được hưởng chế độ như sư phạm - 1

Sinh viên ngành nông nghiệp (Ảnh: CTV).

Nội dung kiến nghị nhằm đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp. 

Theo câu lạc bộ này, nông nghiệp và nông thôn Việt Nam có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đang là thế mạnh, là trụ đỡ cho nền kinh tế nên rất cần được phát huy. 

Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đang và sẽ thiếu hụt rất nhiều cả về số lượng và chất lượng so với nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Thực tế, nhu cầu người học theo khối ngành này trong những năm gần đây  thấp. Kết quả tuyển sinh đại học của khối ngành này có xu hướng giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt 30-50% so với chỉ tiêu cần tuyển và tuyển từ điểm sàn, dẫn đến chất lượng sinh viên đầu vào thấp.

Trong khi đó, nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng đối với người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên rất cao, khoảng 46.000 người/năm.

Thực tế số lượng tuyển sinh hằng năm chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% so với nhu cầu. Điều này dẫn tới nguy cơ tụt hậu về phát triển của nông nghiệp và nông thôn trong 5-7 năm tới.

Để sớm có giải pháp xử lý vướng mắc trong đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản nói riêng và quá trình phát triển của nông nghiệp và nông thôn nói chung, Câu lạc bộ Khối đào tạo nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản kiến nghị một số nội dung: 

Đề nghị có chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học, có chính sách đặt hàng đào tạo đối với những ngành nghề truyền thống thiết yếu và khó tuyển sinh như: khoa học cây trồng, khoa học đất, lâm nghiệp, chế biến lâm sản, chăn nuôi, thủy sản…

Đặc biệt, câu lạc bộ còn kiến nghị Chính phủ và các ban, bộ, ngành thành lập quỹ học bổng/kinh phí cấp bù ngân sách cho các trường đại học để hỗ trợ học phí và học bổng cho các sinh viên theo học nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản như ngành sư phạm (theo Nghị định 116/NĐ-CP ngày 25/6/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm).

Kiến nghị có chiến lược và chính sách phù hợp cho hệ thống truyền thông nhằm chỉ đạo, định hướng thông tin cho xã hội, đặc biệt là giới trẻ có nhận thức đúng về vai trò quan trọng của nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trong giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường; là trụ đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam.

Kiến nghị sinh viên ngành ít người học được hưởng chế độ như sư phạm - 2

Điểm chuẩn Đại học Nông Lâm TPHCM các ngành nông, lâm, thủy sản năm 2024 (Ảnh: CTV).

Tôn vinh những người dám dấn thân làm việc trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần có chính sách lương, thưởng, ưu đãi thỏa đáng cho lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. 

Câu lạc bộ cũng kiến nghị cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trong việc tái đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mức hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116:

Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.

Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thục Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm